Cuộc chiến không khói súng
Theo báo tiếng Hoa Đa chiều, cạnh tranh khoa học công nghệ giữa Trung Quốc và Mỹ được nhiều người đánh giá là một cuộc chiến không khói súng.
Trước khi mâu thuẫn mang tính kết cấu giữa Trung Quốc và Mỹ bùng phát, mặc dù Mỹ đã sớm có một bộ quy chế kiểm soát xuất khẩu công nghệ rất hoàn chỉnh, trong đó các biện pháp kiểm soát đối với Trung Quốc đặc biệt chặt chẽ nhưng do dòng chảy kinh tế và sức kéo của nhu cầu trong bối cảnh toàn cầu hóa, hầu hết các thành tựu khoa học và công nghệ vẫn có thể trao đổi và chia sẻ giữa hai nước, một số thành tựu khoa học và công nghệ cốt lõi được kiểm soát cũng có thể vào Trung Quốc thông qua nhiều kênh đặc biệt với thiết kế phức tạp hoặc được cho phép.
Trong vài thập kỷ qua, nền kinh tế Trung Quốc đã phát triển nhanh chóng, từ một nước nông nghiệp lạc hậu trở thành nước sản xuất công nghiệp lớn nhất thế giới và đã hình thành xu hướng cùng tiến với Mỹ trong các lĩnh vực kinh tế mới như internet. Đồng thời, khi cuộc sống ngày càng trở nên hiện đại, việc thúc đẩy lưu thông và chia sẻ các thành tựu khoa học và công nghệ giữa Trung Quốc và phương Tây là không thể coi thường.
Trong một thời gian dài trong quá khứ, khi còn hòa hợp, cơ chế lưu thông và chia sẻ công nghệ quy mô lớn giữa hai nước, cũng như sự thịnh vượng và thuận tiện dựa trên các cơ chế này, đã khiến nhiều người sản sinh ra ảo giác là khoa học công nghệ dường như không có biên giới quốc gia. Tuy nhiên, trước sự trỗi dậy nhanh chóng của khoa học và công nghệ Trung Quốc, điều này đã làm lung lay thế độc quyền của Mỹ trong lĩnh vực công nghệ cao, đặc biệt kể từ khi chính quyền Tổng thống Donald Trump cáo buộc Trung Quốc vi phạm các quy chế và tung cáclệnh trừng phạt khiến quan hệ hai bên trở nên lạnh nhạt.
Sự hối hả và nhộn nhịp của cuộc chiến khoa học và công nghệ Trung-Mỹ đã bộc lộ rõ ràng chủ quyền công nghệ ẩn sau quá trình lưu thông, và ở mức độ sâu hơn đã bộc lộ mâu thuẫn cố hữu giữa hai nền kinh tế thị trường khác nhau.
Trong cuộc chiến vô hình này, các công ty công nghệ cao của Trung Quốc đã trở thành mục tiêu chính của các lệnh trừng phạt của Mỹ. Huawei, doanh nghiệp nổi bật nhất của Trung Quốc trong lĩnh vực 5G, đã trở thành tâm điểm của các lệnh trừng phạt do Mỹ đưa ra. Những thiếu sót của Trung Quốc trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học cơ bản và những hạn chế trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao đều đã được phơi bày.
Trung Quốc đầu tư rất mạnh vào lĩnh vực khoa học công nghệ. Ảnh minh họa
Vào những năm 1980, khi bắt đầu cải cách và mở cửa, Đặng Tiểu Bình đã đưa ra luận điểm "khoa học và công nghệ là lực lượng sản xuất chủ yếu". Theo mô hình mở cửa sau này, một mặt được hưởng lợi từ việc trao đổi khoa học công nghệ và nhân tài với nước ngoài, mặt khác nhờ sự coi trọng và đầu tư của chính phủ, các doanh nghiệp, trường đại học và các cơ quan nghiên cứu khoa học, Trung Quốc đã trở thành một trong những nước có tốc độ phát triển công nghệ nhanh nhất.
Tuy nhiên, do quy luật chung của sự phát triển khoa học và công nghệ, nhiều người Trung Quốc đã bỏ qua tầm quan trọng của nghiên cứu khoa học cơ bản, coi nhẹ khoảng cách đáng kể giữa Trung Quốc và Mỹ trong lĩnh vực nghiên cứu cơ bản và công nghệ cao.
Mối quan hệ Trung-Mỹ xấu đi đã khiến những vấn đề tích tụ này bùng phát trong một thời gian ngắn. Có thể thấy trước rằng sự lo lắng của giới thượng lưu Mỹ về sự trỗi dậy của Trung Quốc sẽ càng gia tăng, đặc biệt khi sự phát triển công nghệ của Trung Quốc đặt ra thách thức đối với sự độc quyền của Mỹ trong lĩnh vực này, khi đó Mỹ đưa ra nhiều biện pháp mạnh mẽ hơn đối với công nghệ của Trung Quốc, và các phương pháp của họ sẽ ngày càng phổ biến hơn, khiến khả năng tách rời khỏi công nghệ Trung Quốc có thể xảy ra.
Liệu Trung Quốc có thành công?
Đối với Trung Quốc, liệu họ có thể thành công vượt qua thách thức này hay không, tìm ra con đường phát triển công nghệ của riêng mình dưới sự kiềm chế của Mỹ và chiến thắng trong cuộc chiến không khói thuốc súng này, không chỉ là vấn đề của bản thân sự phát triển công nghệ mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển dài hạn của kinh tế xã hội Trung Quốc.
Trung Quốc từ lâu đã nhận ra tầm quan trọng của vấn đề phát triển các chiến lược như kế hoạch nghìn nhân tài, Made in China 2025 nhằm giải quyết những thiếu sót về công nghệ cao của nước này.
Sau khi cuộc chiến khoa học và công nghệ Trung-Mỹ bắt đầu, tại Hội nghị thúc đẩy phát triển tổng hợp đồng bằng sông Trường Giang được tổ chức vào tháng 8 năm nay, ông Tập Cận Bình đã yêu cầu ba tỉnh và một thành phố ở đồng bằng sông Trường Giang tập hợp lực lượng khoa học và công nghệ, tập trung vào các lĩnh vực chính và mắt xích quan trọng như vi mạch tích hợp, y sinh học và trí tuệ nhân tạo, yêu cầu tạo đột phá càng sớm càng tốt.
Vào ngày 11/9/2020, tại buổi tọa đàm với các nhà khoa học, ông Tập chỉ ra rằng Trung Quốc "mặc dù đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong nghiên cứu cơ bản nhưng khoảng cách với trình độ tiên tiến quốc tế vẫn còn đáng kể".
Sau buổi tọa đàm, Phó Thủ tướng Hàn Chính ngay lập tức đến Vũ Hán để thị sát một nhóm đại diện các công ty công nghệ cao của Trung Quốc.
Trước sức ép của Mỹ, sản phẩm "Made in China 2025" dần dần nổi lên. Việc nâng cấp ngành công nghiệp chế tạo và nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực công nghệ cốt lõi đã được Bắc Kinh thực hiện từ các cấp cao. Ngay cả khi không còn những thuật ngữ như kế hoạch nghìn nhân tài hay Made in 2025 thì chiến dịch nghiên cứu khoa học kiểu Trung Quốc cũng đã hoàn toàn được phát động theo lệnh của lãnh đạo nước này.
Theo Đa chiều, rất nhiều người tin rằng, ông Tập Cận Bình sẽ thành công, ngay cả khi Trung Quốc không thể có chỗ đứng trong tất cả các lĩnh vực công nghệ cao.
Nói đến nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ, Trung Quốc không chỉ có lợi thế về hệ thống "tập trung sức mạnh làm việc lớn" luôn được tuyên truyền mà còn có nền tảng nghiên cứu khoa học vững chắc. Theo thống kê của Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO), năm 2019, Trung Quốc đã vượt qua Mỹ trở thành quốc gia có số lượng đơn đăng ký sáng chế quốc tế lớn nhất theo Hiệp ước Hợp tác Sáng chế (PCT) của tổ chức. Năm nay, Trung Quốc đã nộp 58.990 đơn xin cấp bằng sáng chế, vượt qua con số 57.840 được nộp tại Mỹ. Nhìn lại, vào năm 1999, tổ chức này chỉ nhận được 276 đơn xin cấp bằng sáng chế từ Trung Quốc.
Ngoài ra, nhờ sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế và công nghệ Trung Quốc và sự chú trọng của xã hội vào giáo dục khoa học và kỹ thuật, số lượng kỹ sư ở Trung Quốc cũng đã bùng nổ trong vài thập kỷ qua, vượt xa Mỹ. Mặc dù so với Mỹ, sự đổi mới và tích lũy kinh nghiệm của cán bộ kỹ thuật và khoa học Trung Quốc trong các lĩnh vực liên quan rõ ràng là không đủ, nhưng với nền tảng nhân tài khổng lồ này, việc tập trung tạo ra những đột phá quan trọng trong một số lĩnh vực nhất định chỉ còn là vấn đề thời gian.
Ngoài ra, người dân Trung Quốc rất đề cao tầm quan trọng của kỹ thuật và công nghệ. Học chú trọng đến giáo dục trẻ em cũng cung cấp nguồn nhân tài dự bị ổn định cho sự phát triển sau này của khoa học và công nghệ Trung Quốc. Thị trường nhu cầu nội địa khổng lồ của Trung Quốc là lực kéo mạnh mẽ từ phía cầu và thúc đẩy sự phát triển và tiến bộ công nghệ.
Tất nhiên, đối với Trung Quốc, cũng có những vấn đề cần chú ý trong quá trình thúc đẩy khoa học cơ bản và công nghệ cao. Đầu tiên là thực hiện các điều chỉnh thích ứng đối với thể chế nghiên cứu khoa học và giáo dục cơ bản hiện có để giải quyết các hạn chế về thể chế không có lợi cho nghiên cứu khoa học. Thứ hai là tôn trọng quy luật của nghiên cứu khoa học và khoa học công nghệ, không coi tiến bộ của khoa học và công nghệ. Thứ ba là tăng cường hợp tác khoa học và công nghệ quốc tế. Như ông Tập Cận Bình đã nói, hợp tác khoa học và công nghệ quốc tế là một xu hướng lớn. Trung Quốc phải chủ động hơn trong việc hội nhập vào mạng lưới đổi mới toàn cầu và nâng cao năng lực đổi mới công nghệ của chính mình thông qua hợp tác cởi mở.