Cuộc chiến khốc liệt tại Syria: Lộ những điểm yếu "chết người" của Nga

Quang Huy |

Syria là một trong những chiến trường khốc liệt và nguy hiểm nhất, trong khi Quân đội Nga đang gặp phải những khiếm khuyết về mặt cơ cấu và đã có những thảm họa bất ngờ xảy ra.

Mặc dù liên tiếp có những lo ngại liên quan tới việc các máy bay rơi, sự phẫn nộ vì Palmyra thất thủ và sự ngượng ngùng vì chiếc tàu sân bay Kuznetsov, nhưng các phương tiện truyền thông nhà nước Nga như Russia Today và Sputnik đang cố gắng tạo nên hình ảnh một nước Nga bất khả chiến bại.

Như đã biết, Nga tung lực lượng vào tham chiến ở Syria từ tháng 9/2015 và đã giành được nhiều chiến thắng vang dội, tuy nhiên, thực tế không phải lúc nào cũng màu hồng.

Syria là một trong những khu chiến sự nguy hiểm nhất, còn các lực lượng vũ trang Nga đang gặp phải những khiếm khuyết về mặt cơ cấu vô cùng bất ngờ và thảm hoạ như trường hợp liên quan tới chiếc Tu-154 rơi trên Biển Đen ngay sau khi cất cánh được 2 phút vào sáng ngày 25/12/2016 khiến toàn bộ 92 người trên boong thiệt mạng.

Chuyến bay này chở dàn đồng ca của Quân đội Nga vốn luôn được đón chào nồng hậu ở khắp mọi nơi trên thế giới, tới căn cứ không quân của Nga nằm cách không xa thành phố Latakia (Syria). Và điều đó chỉ làm cho bi kịch này càng trở nên tang thương hơn.

Các phương tiện truyền thông Nga chỉ đưa ra 2 giả thiết của vụ tai nạn: Sự cố kỹ thuật hoặc tác động từ bên ngoài, nhưng cả hai đều khiến các chuyên gia phải đặt dấu hỏi lớn.

Cuộc chiến khốc liệt tại Syria: Lộ những điểm yếu chết người của Nga - Ảnh 1.

Xe tăng T-90 của Nga tham chiến ở Syria.

 Nếu như vụ tai nạn xảy ra vì lỗi kỹ thuật, thì điều đó có thể liên quan tới việc chiếc máy bay Tu-154 cất cánh từ Moscow (tạm nghỉ ở Sochi) này được khai thác từ năm 1983 và là chiếc máy bay đã cũ (thông thường các hãng hàng không xác định thời hạn khai thác của các máy bay từ 10 đến 20 năm, chứ không quá 30 năm).

Nếu vụ tai nạn xảy ra vì âm mưu phá hoại thì sự việc sẽ còn tồi tệ hơn vì nó có thể liên quan tới công tác an ninh yếu kém trong lĩnh vực quân sự - điều gần như không thể tưởng tượng nổi.

Trong năm ngoái, chuyến bay chở những hành khách Nga cất cánh từ sân bay Sharm-El-Sheikh (khu du lịch của Ai Cập) bị phá huỷ trên bầu trời Sinai bởi quả bom do một thành viên của tổ chức IS cài đặt.

Việc Nga muốn tham gia ít hơn vào cuộc nội chiến ở Syria như hiện nay vì lo ngại những rủi ro tiềm ẩn, được chứng minh bằng phương thức ngoại giao tự chủ để đạt được các thoả thuận với những nhóm phiến quân mà không làm chia rẽ các đồng minh, trong đó có Iran và chính phủ Syria của tổng thống Assad.

Trong những ngày này, tại Tthủ đô Ankara của Thổ Nhĩ Kỳ đang diễn ra cuộc đàm phán rất thận trọng để thuyết phục liên minh phe đối lập vũ trang, không bao gồm nhóm Jabhat Fateh al-Sham – một phân nhánh của tổ chức khủng bố Al Qaeda tại Syria, ký kết thoả thuận chung về ngừng bắn.

Những cuộc đàm phán này không phù hợp với các quan điểm giành giật "từng tấc đất tổ quốc" của Tổng thống Syria Bashar Assad, tuy nhiên, có thể thấy rõ rằng, thoả thuận ngừng bắn sẽ có lợi cho Nga, quốc gia mà vào thời điểm hiện nay, không thể bao quát được toàn bộ các chiến trường.

Cách đây không lâu, Nga đánh mất thành phố biểu tượng Palmyra, nơi mà vào tháng 5/2016 đã vang lên tiếng nhạc của dàn nhạc giao hưởng để ăn mừng cho chiến thắng của sự văn minh trước tổ chức khủng bố IS hoang dại.

Palmyra lại rơi vào tay tổ chức khủng bố vì một lý do đơn giản – quá căng thẳng trên mọi chiến trường: Nga không thể bổ sung cho sự thiếu hụt của các lực lượng vũ trang Syria tại mọi cứ điểm. Một đơn vị nhỏ ở lại bảo vệ thành phố này đã may mắn không bị bắt làm tù binh, còn chỉ huy lính dù Nga Sanal Sanchirov đã hi sinh trong khi cố thủ.

Việc phía Nga đang tiến hành đàm phán với các liên minh phiến quân được chứng minh bằng hồi kết của cuộc chiến giành Aleppo: đã có những thay đổi được đưa vào thoả thuận ngay sau khi nó được ký kết bởi vì phía Iran bày tỏ sự không bằng lòng và bổ sung thêm các yêu cầu của mình.

Như vậy, cuộc chiến tại Syria đã để lộ ra những điểm yếu của Nga dù điều này nghe có vẻ hơi lạ lùng.

Bắt đầu từ việc các tên lửa đạn đạo "Kalibr" được phóng từ Biển Đen nhưng lại rơi vào thành thổ Iran vì sai sót (4 trong số 26 quả, theo thông tin của Lầu Năm Góc, nhưng phía Nga lên tiếng phủ nhận), cho tới những trục trặc liên quan chiếc tàu sân bay Kuznetsov.

Chiếc hàng không mẫu hạm hạng nặng duy nhất của Nga lẽ ra phải là căn cứ để triển khai các máy bay ném bom gần bờ biển Syria, nhưng 2 trong số đó rơi xuống biển.

Thêm nữa, các đoạn video mới xuất hiện gần đây liên quan tới việc các tên lửa phòng không S-300 tầm xa bùng cháy rơi tại chỗ thay vì lao lên không trung. Rõ ràng, Nga có nhiều vấn đề về kỹ thuật và chính trị hơn những gì họ đang thừa nhận.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại