Câu chuyện bất đồng giữa các nhóm cổ đông và nội bộ Hội đồng quản trị (HĐQT) ở Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank – EIB) đã không còn xa lạ với giới tài chính ngân hàng và nhà đầu tư. Không có được sự đồng lòng khiến cho hoạt động kinh doanh của nhà băng này thời gian qua bị ảnh hưởng khá rõ rệt.
Gần đây nhất là câu chuyện về chiếc ghế quyền lực nhất của ngân hàng – chủ tịch Hội đồng quản trị - đã tốn kém không ít giấy mực của truyền thông và sự trông mong của hàng chục nghìn cổ đông cùng hơn 6 nghìn cán bộ nhân viên ngân hàng.
Ông Lê Minh Quốc đã tại vị kể từ năm 2016 nhưng đến tháng 3 vừa qua bất ngờ các thành viên trong HĐQT họp và ra nghị quyết số 112 bầu chủ tịch thay thế đối với bà Lương Thị Cẩm Tú – thành viên HĐQT gia nhập Eximbank kể từ tháng 4/2018.
Sau khi có quyết định với bà Lương Thị Cẩm Tú, ngân hàng đã công bố thông tin chính thức trên thông tin đại chúng và báo cáo Ủy ban chứng khoán, Sở giao dịch chứng khoán Tp.HCM và Ngân hàng Nhà nước.
Song sau đó, ông Quốc lại có đơn kiện lên tòa án nhân dân Tp. Hồ Chí Minh và tòa án ban hành biện pháp khẩn cấp tạm thời về việc dừng thực hiện nghị quyết 112. Ngân hàng Eximbank tiếp đó đã có đơn gửi lên toàn án đề nghị hủy bỏ quyết định nói trên vì cho rằng như vậy là không phù hợp quy định.
Bẵng đến trung tuần tháng 5, ngày 14/5, Tòa án nhân dân thành phố bất ngờ tuyên hủy quyết định áp dụng biện pháp tạm thời đối với việc thay đổi chủ tịch HĐQT của Eximbank.
Và một ngày sau, 15/5, Eximbank lại ra quyết định với chữ ký của ông Lê Minh Quốc hủy quyết định 112 về việc bầu bà Tú làm chủ tịch. Như vậy có nghĩa, ông Lê Minh Quốc lại trở lại làm chủ tịch ngân hàng Eximbank.
Đến đây ắt hẳn nhiều người sẽ đặt câu hỏi, vậy cuộc chiến ghế nóng ở Eximbank liệu đã kết thúc? Các quyết định của ngày 14 và 15/5 có phải là tín hiệu của sự đồng lòng trong nội bộ HĐQT nhà băng này?
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong vòng 2 tháng qua, các thành viên HĐQT Eximbank đã nhiều lần đề nghị với chủ tịch họp HĐQT để giải quyết các vấn đề nội bộ, trong đó có việc bầu lại chủ tịch HĐQT.
Trước thềm đại hội cổ đông lần 1 bất thành, đại diện nhóm cổ đông lớn SMBC của Nhật còn có văn bản đề nghị HĐQT đưa hai vấn đề lớn ra đại hội đồng cổ đông để xin ý kiến, trong đó có nội dung lấy phiếu tín nhiệm đối với các thành viên HĐQT trước toàn thể cổ đông, nhưng ông Lê Minh Quốc với tư cách chủ tịch HĐQT đã trả lời văn bản là không chấp thuận (trong khi thực tế với các đề nghị này phải đưa ra xin ý kiến đại hội đồng cổ đông). Mới đây, HĐQT ngân hàng này lại tiếp tục có cuộc họp vào ngày 6/5 và 15/5.
Trở lại với quyết định ngày 22/3, khi ấy bà Tú được đa số các thành viên Hội đồng quản trị ủng hộ bầu làm chủ tịch, nhưng đến ngày 15/5 lại thay đổi. Ông Lê Minh Quốc thì được ủng hộ bởi nhóm nhà đầu tư liên quan đến công ty Âu Lạc.
Theo giới quan sát, không loại trừ khả năng nhóm ủng hộ bà Tú đã bán bớt lượng rất lớn cổ phiếu nên tỷ lệ ủng hộ giảm sút, bên cạnh đó nhóm cổ đông mới (không phải nhóm nhận chuyển nhượng của Nam Á) có thể ủng hộ một thành viên khác ngoài bà Tú và ông Quốc nên cuộc chiến ghế nóng sẽ chưa thể dừng lại, ít nhất ở thời điểm này.
Có nguồn tin cho biết, rất có thể một đại diện của Vietcombank là ứng viên cho ghế chủ tịch Eximbank sắp tới.
Ở Eximbank hiện cổ đông lớn nhất là SMBC nắm 15% vốn, Vietcombank sở hữu chưa đến 5% còn lại là của các nhóm cổ đông khác và cổ đông nhỏ lẻ.
Trong số các cổ đông chưa công khai danh tính có nhóm cổ đông liên quan Nam Á cùng bên nhận chuyển nhượng là nhà đầu tư kinh doanh hàng tiêu dùng có tiếng tại Hà Nội, thì Eximbank còn có một nhóm cổ đông lớn nữa đó là nhóm liên quan đến ông chủ phân phối ô tô thương hiệu Hàn Quốc khá nổi tiếng.
Thời gian qua, ngoài nhóm Nam Á bán bớt cổ phiếu thì còn có các giao dịch khác đáng chú ý với tổng cộng xấp xỉ 350 triệu cổ phiếu EIB được trao tay, trị giá gần 6000 tỷ đồng, tức chiếm gần 30% tổng số vốn tại Eximbank.
Do vướng quy định về thời gian sở hữu cổ phiếu 6 tháng trở lên nên nhóm này sẽ không được đề cử người tham gia hội đồng quản trị tại cuộc họp đại hội cổ đông ngày 26/5 tới. Song giới quan sát tin rằng nếu nhóm này ủng hộ ai thì người đó sẽ có lợi thế hơn trong việc ngồi lên “ghế nóng”.