Mỹ bắt đầu chuyển trang thiết bị quân sự ra khỏi Afghanistan. (Ảnh: Reuters)
Mỹ và các lực lượng nước ngoài ngày 01/05 đã bắt đầu quá trình rút quân khỏi Afghanistan. Cuộc chiến kéo dài 20 năm của Mỹ tại quốc gia này đã gây nên những tổn thất nặng nề và hậu quả lâu dài.
Trải qua 4 đời Tổng thống, cuộc chiến dài nhất của Mỹ ở nước ngoài trong vòng 2 thập kỷ tại Afghanistan đã khiến hàng nghìn người thiệt mạng với những tổn thất nặng nề đối với cả Afghanistan và Mỹ.
Thiệt hại về người
Afghanistan phải hứng chịu thiệt hại nhiều nhất. Kể từ năm 2001 khi Mỹ phát động cuộc chiến tại Afghanistan sau vụ tấn công khủng bố 11/09, ít nhất 47.245 dân thường ở Afghanistan đã thiệt mạng, theo dự án Chi phí chiến tranh (Costs of War) tại Đại học Brown.
Các vụ tấn công nhắm tới dân thường đã tăng đột biến kể từ khi các cuộc hòa đàm trong nội bộ Afghanistan được khởi động tại Qatar mùa Thu năm ngoái và theo số liệu của Liên hợp quốc, cuộc xung đột tại đây đã khiến tổng cộng 72 nhà báo và 444 nhân viên viện trợ nhân đạo thiệt mạng.
Chính phủ Afghanistan không công bố bao nhiêu binh sỹ của nước này đã thiệt mạng tuy nhiên Dự án chi phí chiến tranh ước tính con số này có thể lên tới từ 66.000 tới 69.000.
Cuộc chiến đã buộc 2,7 triệu người dân Afghanistan phải chạy sang các nước khác bao gồm Iran, Pakistan và châu Âu. Trong khi đó, 4 trên tổng số 36 triệu người dân nước này đã lâm vào cảnh không nhà cửa.
Theo Bộ quốc phòng Mỹ, 2.442 binh sỹ Mỹ đã thiệt mạng và 20.666 đã bị thương kể từ năm 2001. Hơn 3.800 nhà thầu an ninh tư nhân Mỹ cũng được cho là đã thiệt mạng trong cuộc chiến ở Afghanistan.
Cuộc chiến cũng đã cướp đi sinh mạng của 1.144 nhân viên của liên quân NATO bao gồm 40 quốc gia với sứ mệnh huấn luyện cho các lực lượng Afghanistan trong nhiều năm. 7.000 quân còn lại của lực lượng này cũng sẽ rút khỏi Afghanistan cùng quân đội Mỹ.
Tổn thất tài chính
Theo Dự án chi phí chiến tranh, Mỹ đã bỏ ra tổng cộng 2,26 nghìn tỷ đô la cho một loạt các chi phí của cuộc chiến ở Afghanistan.
Trong khi đó, báo cáo mới nhất của bộ Quốc phòng Mỹ công bố năm 2020 cho biết số tiền dành cho cuộc chiến ở nước này tổng cộng là 815,7 tỷ đô la bao gồm chi phí hoạt động của quân đội Mỹ tại Afghanistan từ nhiên liệu cho tới thực phẩm, vũ khí, đạn dược, xe tăng, xe bọc thép, tàu sân bay, máy bay chiến đấu…
Mặc dù mục đích ban đầu của Mỹ khi phát động cuộc chiến ở Afghanista là trả đũa al-Qaeda và loại bỏ các thành phần Taliban đã cung cấp hỗ trợ và nơi trú ẩn cho al-Qaeda, Taliban, Mỹ và NATO đã sớm chuyển sang một sứ mệnh: xây dựng đất nước ở quy mô lớn.
Mỹ đã bỏ ra 143 tỷ đô la cho mục tiêu này kể từ năm 2002, theo số liệu của Tổng thanh tra đặc biệt đối với quá trình tái thiết Afghanistan (SIGAR).
88 tỷ đô la trong số này được dành cho các hoạt động huấn luyện, trang thiết bị và ngân sách cho các lực lượng cảnh sát và quân đội Afghanistan. 36 tỷ đô la được dành cho các dự án tái thiết, giáo dục và cơ sở hạ tầng. 4,1 tỷ đô la được sử dụng cho viện trợ nhân đạo đối với người tị nạn và thiên tai. Ngân sách dành cho chiến dịch răn đe người dân Afghanistan bán heroin trên toàn thế giới cũng lên tới hơn 9 tỷ đô la.
Khác với các cuộc xung đột khác trong lịch sử nước Mỹ, Mỹ đã phải vay một số tiền lớn cho cuộc chiến ở Afghanistan và đã phải trả lãi suất lên tới 530 tỷ đô la. Mỹ cũng đã phải bỏ ra 296 tỷ đô la chi trả các dịch vụ y tế và chăm sóc các cựu chiến binh và sẽ tiếp tục phải thanh toán các chi phí cho hai khoản này trong nhiều năm nữa, theo Dự án chi phí chiến tranh.
Chi phí cao, hiệu quả thấp
Tổng thanh tra Mỹ cho biết nhiều tỷ đô la Mỹ dành cho các dự án cơ sở hạ tầng lớn đã bị lãng phí. Đường cao tốc, đập nước, kênh rạch bị hư hỏng, các bệnh viện và trường học xây mới không được sử dụng. Tổng thanh tra Mỹ cho rằng số tiền dành cho các dự án này đã bị tham nhũng do không có giám sát.
Mặc dù số tiền dành cho chiến dịch chống ma túy là rất lớn, các hoạt động vận chuyển ma túy ra nước ngoài gia tăng kỷ lục.
Trong khi đó, chi phí cho vũ khí và huấn luyện cho các lực lượng an ninh Afghanistan cũng không hề nhỏ nhưng Taliban vẫn gia tăng diện tích lãnh thổ do mình kiểm soát.
Ngoài ra, tỷ lệ thất nghiệp cũng lên tới 25% bất kể 1 khoản tiền lớn được dành cho các hoạt động tạo việc làm và an sinh xã hội. Theo Ngân hàng thế giới, tỷ lệ nghèo dao động trong nhiều năm và lên tới mức 47% trong năm 2020 so với 36% khi cơ quan này bắt đầu tính toán số liệu từ năm 2007.
Michael Wahid Hanna, một chuyên gia cao cấp tại Quỹ thế kỷ có trụ sở tại thủ đô Washington cho rằng “chúng ta đã đầu tư quá nhiều mà đạt được quá ít.”
Hậu quả của việc quân đội Mỹ rời khỏi Afghanistan
Mặc dù rất ít người muốn cuộc chiến tại Afghanistan kéo dài không hồi kết, nhiều người lo ngại rằng việc chấm dứt cuộc chiến tại đây có thể ảnh hưởng tới các thành quả khiêm tốn của Afghanistan trong y tế, giáo dục và quyền của phụ nữ trong những năm đầu sau khi Mỹ mở rộng kinh tế của Afghanistan và đánh bại Taliban vốn áp đặt nhiều giới hạn đối với phụ nữ.
Theo Ngân hàng thế giới, kể từ năm 2001, tuổi thọ ở Afghanistan đã tăng từ 56 lên 64, tỷ lệ tử vong khi sinh đã giảm hơn một nửa trong khi các cơ hội giáo dục đã gia tăng với tỷ lệ có học tăng 8% lên gần 43%.
Cuộc sống tại các thành phố đã được cải thiện với 89% cư dân thành phố được tiếp cân nước sạch so với 16% trước khi cuộc chiến được phát động tại Afghanistan.
Hôn nhân trẻ em đã giảm 17%, theo dữ liệu của Liên hợp quốc. Tỷ lệ trẻ em gái đăng ký học cấp 1 tăng gần gấp đôi và có nhiều phụ nữ hơn theo học tại các trường cao đẳng và đảm nhiệm các công việc trong quốc hội. Tuy nhiên, các con số này vẫn còn khá khiêm tốn so với tiêu chuẩn quốc tế.
Nhìn chung, việc Mỹ thất bại trong việc thực hiện tham vọng xây dựng một Afghanistan dân chủ và ổn định đã khiến nước này đối mặt với khả năng bất ổn sau khi quân đội Mỹ rút khỏi đây. Trong lịch sử Afghanistan, nước này thường rơi vào nội chiến sau các cuộc chiến và rút quân bởi quân đội nước ngoài.
Michael Callen, một chuyên gia về kinh tế Afghanistan tại Trường kinh tế Luân Đôn “Mỹ hiện đang có sự hiện diện góp phần tạo ổn định tại Afghanistan và một khi Mỹ rút khỏi đây thì sẽ xuất hiện khoảng trống quyền lực".