Cuộc chiến bảo tồn di sản giữa làn sóng chỉnh trang đô thị ở Bangkok

Hải Vân |

Tại thủ đô Bangkok, ngôi đền thờ hàng trăm năm tuổi đang bị đe dọa phá hủy giữa làn sóng chỉnh trang đô thị bất chấp sự phản đối của nhiều người.

Theo hãng tin Reuters (Anh), bên trong đền thờ Chao Mae Thap Thim tại thủ đô Bangkok (Thái Lan), một bức tượng nhỏ của nữ thần biển Mazu được đóng khung bằng vàng, đặt ở giữa bàn thờ các vị thần trong căn phòng được trang trí bởi đèn lồng và kinh sách Trung Quốc.

Cuộc chiến bảo tồn di sản giữa làn sóng chỉnh trang đô thị ở Bangkok - Ảnh 1.

Hàng rào kim loại của một công trường xây dựng đứng xung quanh đền thờ Chao Mae Thap Thim. Ảnh: Reuters

Bên ngoài, một hàng rào kim loại cao mới được dựng giữa đền thờ nữ thần với một công trường xây dựng rộng lớn. Tại đây, hàng chục xe tải, máy xúc đang chờ sẵn để phá hủy ngôi đền lịch sử từng là trung tâm sinh sống của cộng đồng người Hoa ở thủ đô của Thái Lan. Những con sư tử đá bảo vệ ngôi đền cũng có thể không còn tồn tại được lâu nữa.

Đại học Chulalongkorn ở Bangkok, chủ sở hữu khu đất, có kế hoạch xây dựng hai tòa nhà chung cư bao gồm 1.758 căn hộ, bất chấp sự phản đối từ chính sinh viên của trường.

Bà Penprapa Ployseesuay, người trông coi ngôi đền suốt 25 năm qua cho biết: “Không sớm thì muộn họ sẽ cắt nguồn cung cấp nước và điện ở đây”.

Chao Mae Thap Thim là nơi hiếm hoi không bị ảnh hưởng bởi làn sóng chỉnh trang đô thị ở một trong những thủ đô sôi động nhất châu Á.

Cuộc chiến bảo tồn di sản giữa làn sóng chỉnh trang đô thị ở Bangkok - Ảnh 2.

Bà Penprapa tạo dáng chụp ảnh bên trong đền Chao Mae Thap Thim. Ảnh: Reuters

Bà Penprapa sống cùng mẹ và hai con trai trong một ngôi nhà nhỏ bên cạnh ngôi đền. Họ trông nom và chịu trách nhiệm mở cửa tiếp đón bất kỳ ai muốn bày tỏ sự kính trọng với nữ thần, mong muốn sự chỉ dẫn hoặc ban phước của nữ thần.

Tuy nhiên, quá trình xây dựng đã ảnh hưởng đến hệ thống thoát nước của ngôi đền, đôi khi còn gây ngập úng. Penprapa cũng lo sợ sẽ không còn nhiều người biết rằng ngôi đền vẫn còn tồn tại do độ cao của hàng rào xung quanh nó.

Cuộc chiến bảo tồn di sản giữa làn sóng chỉnh trang đô thị ở Bangkok - Ảnh 3.

Người dân đi bộ trên lối vào ngập nước của đền Chao Mae Thap Thim. Ảnh: Reuters

"Tôi cảm thấy rất buồn. Họ không nhận thấy tầm quan trọng của việc bảo tồn nơi này và giá trị của nó. Họ không muốn để hai thế giới tồn tại cùng nhau. Họ chỉ muốn chúng tôi đi khỏi đây”, Penprapa nói về chủ dự án.

Trước sự việc này, một ủy ban đang nỗ lực chống lại việc giải tỏa ngôi đền và xin lệnh của toàn án ngăn cản việc này.

Trong khi đó, đại diện trường đại học cho biết họ sẽ xây dựng một ngôi đền mới tại một không gian mà họ đã chuẩn bị sẵn tại Công viên Centenary. Họ tin rằng sự linh thiêng và điềm lành của ngôi đền vẫn sẽ mãi tồn tại trong tâm nguyện của người dân.

Cuộc chiến bảo tồn di sản giữa làn sóng chỉnh trang đô thị ở Bangkok - Ảnh 4.

Một công trường xây dựng bao quanh đền thờ Chao Mae Thap Thim. Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, bà Penprapa cho biết địa điểm mới không thể tái tạo nét quyến rũ ban đầu của ngôi đền hàng thế kỷ, ngôi đền đã được chuyển đến vị trí hiện tại cách đây 53 năm sau một trận hỏa hoạn.

"Chúng tôi sẽ phản đối đến chừng nào có thể. Và tôi biết nó sẽ không dễ dàng”, cô cho biết.

Sự tồn tại đồng thời của cái cũ và cái mới là một trong những nét đặc sắc của thủ đô Bangkok. Tuy nhiên, những tòa nhà chọc trời và những khu chung cư đông đúc đang làm lu mờ nét cổ kính của nó. Một ví dụ đáng chú ý là Iconsiam, một trung tâm mua sắm giải trí, có giá trị 1,79 tỉ USD, bán lẻ và tầm nhìn toàn cảnh ven sông, nơi nổi tiếng với những ngôi nhà sàn và các tòa nhà sơn đen truyền thống.

Cuộc chiến bảo tồn di sản giữa làn sóng chỉnh trang đô thị ở Bangkok - Ảnh 5.

Trung tâm mua sắm Iconsiam đứng cạnh sông Chao Phraya. Ảnh: Reuters

Ông Surin Sae-Ton, 50 tuổi, chủ một quán trà bên kia sông, đối diện Iconsiam cho biết: “Tôi rất phấn khích khi chứng kiến làn sóng phát triển mới, nhưng tôi không biết liệu cộng đồng sẽ như thế nào trong tương lai với đà phát triển này nữa”.

Cuộc chiến bảo tồn di sản giữa làn sóng chỉnh trang đô thị ở Bangkok - Ảnh 6.

Surin Sae-Ton trong quán trà của mình. Ảnh: Reuters

Lee Kwang Tao, 62 tuổi, chủ một cửa hàng thuốc bắc, cũng hoan nghênh triển vọng hiện đại hóa của Bangkok.

“Trước đây, khu vực này kinh doanh rất tốt. Nhưng những năm gần đây tình hình kinh doạnh đã giảm sút. Đó là lý do người dân trong khu vực lần lượt bán tài sản của họ và chuyển đi”, ông nói.

Trong khi đó, những người ủng hộ việc bảo tồn nói rằng bản sắc hỗn tạp đang khiến thủ đô Bangkok mất đi nét cổ kính vốn có. Thành phố cần phải tìm giải pháp để thận trọng quản lý sự thay đổi này.

“Đây là tốc độ mà không ai có thể kiểm soát hay ngăn cản được. Đôi khi mọi người quên mất những điều quan trọng khác, như cách bảo tồn di sản”, ông Niramon Serisakul, Giám đốc Trung tâm Thiết kế và Phát triển Đô thị tại Đại học Chulalongkorn, nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại