Tất cả những điều này đã được đề cập trong một cuốn sách vừa ra mắt công chúng vào tháng 6 này.
Cái chết bất ngờ của một ngôi sao
Buổi sáng ngày 20.7.1973, Lý Tiểu Long ngồi vào máy đánh chữ, biên một bức thư gửi cho luật sư người Mỹ của ông là Adrian Marshall, để bàn về vài hợp đồng làm ăn lớn. Trong số đó có một đề nghị làm nhiều bộ phim do hãng Warner Bros đưa ra, bên cạnh một đề xuất từ hãng Hanna-Barbera, muốn làm bộ phim hoạt hình về cuộc đời ông.
Ngoài ra còn có các đề nghị viết sách, sản xuất quần áo và đề nghị hợp tác từ nhiều nhãn hàng. Lý Tiểu Long rõ ràng đang xây dựng một đế chế khi đó.
Sau khi hoàn tất lá thư và gửi đi, Lý Tiểu Long rời tư dinh ở khu Cửu Long và lái xe tới hãng phim Golden Harvest. Ông gặp George Lazenby, diễn viên người Australia đã thủ vai siêu điệp viên James Bond, để thảo luận về việc mời nhân vật này tham gia bộ phim “Tử vong du hý”. Bởi Lý Tiểu Long đã quay phần lớn cảnh phim nên mục tiêu của cuộc họp là tìm cách để đưa Lazenby vào trong phim.
Sau cuộc họp đó, Lý Tiểu Long ghé qua văn phòng của nhà sản xuất Châu Văn Hoài để thông báo ông muốn có Lazenby trong “Tử vong du hý”. Châu gợi ý rằng cả nhóm nên ra ngoài ăn tối để hoàn tất hợp đồng. Lý Tiểu Long ban đầu đồng ý, nhưng rồi lại vướng việc nên bữa trưa bị hủy. Viên tài xế của hãng phim bèn đưa Lazenby trở lại khách sạn.
Lý Tiểu Long hứa rằng ông sẽ trở lại hãng phim vào buổi chiều để xem có thể trả cho Lazenby bao tiền cát xê. Sau khi lên lịch, ông chạy xe tới căn hộ của nữ diễn viên Đài Loan Đinh Bội nằm tại tầng 2 tòa chung cư ở số 67 đường Beacon Hill vào khoảng 1 giờ chiều. Hai người đã có vài giờ tiếp theo ở cùng nhau.
“Tôi là nhân tình của anh ấy”, Đinh Bội thừa nhận sau này. Bà nói rằng hai người đã hút cần sa và quan hệ tình dục với nhau, nhưng không hề uống rượu và sử dụng các loại ma túy khác.
Trong suốt thời gian đó, chủ yếu là Lý Tiểu Long say sưa nói về cuộc gặp với George Lazenby và việc này có ý nghĩa như thế nào với phim của ông. Lý Tiểu Long đề nghị trao cho Đinh vai người tình của ông trên phim. Đinh Bội nói rằng bà đã cố chống lại ý tưởng này, bởi không cảm thấy thoải mái với việc đóng vai bạn gái của ông ở trong phim, khi ngoài đời là nhân tình.
Châu Văn Hoài tới căn hộ của Đinh Bội vào lúc 6 giờ tối. Ông đã đợi Lý Tiểu Long trở lại hãng phim Golden Harvest suốt buổi chiều đó để thảo luận về mức cát sê cho Lazenby. Đó là một ngày nóng bức, với nhiệt độ bên ngoài lên tới 32°C và độ ẩm cao tới 84% - thực tế hôm đó là ngày nóng nhất trong tháng. “Lý Tiểu Long cảm thấy không được khỏe”, Châu kể.
“Tôi cũng thấy không được ổn lắm. Tôi nghĩ chúng tôi đã uống chút nước và rồi anh ấy bắt đầu diễn”. Cần biết rằng Lý Tiểu Long dành rất nhiều tâm huyết cho phim “Tử vong du hý”. Ông thường bất ngờ nhập vai, hết cảnh này tới cảnh khác.
“Anh ấy đã luôn là kiểu người ưa hoạt động”, Châu kể. “Thay vì kể lại một câu chuyện, anh ấy diễn lại nó luôn. Việc đó có lẽ khiến Lý Tiểu Long hơi mệt và khát nước. Nhưng sau vài ngụm, anh ấy bị chóng mặt”.
Tiếp đó, Lý Tiểu Long than phiền rằng mình bị đau đầu. Lúc đó là gần 7 giờ 30 tối. Cả nhóm đã có kế hoạch đón Lazenby đi ăn tối. Đinh Bội đã thay đồ và sẵn sàng đi. Nhưng càng lúc Lý Tiểu Long càng đau đầu hơn và đòi nằm nghỉ thêm. Đinh Bội bèn cho Lý Tiểu Long uống một viên thuốc giảm đau Equagesic, thứ mà ông từng dùng trước kia.
Thấy Lý Tiểu Long nhất định đòi ở lại, Châu gợi ý rằng ông sẽ đi trước và hai người sẽ tới sau. Tiếp đó Lý Tiểu Long đi vào phòng ngủ của Đinh Bội, cởi đồ và ngã nhào vào chiếc đệm. Bà đóng cửa phòng ngủ và ngồi trên ghế xem TV. Châu rời đi vào lúc 7 giờ 45 để đón Lazenby tại khách sạn Hyatt và đưa ông tới một nhà hàng Nhật Bản ở khách sạn Miramar.
Sau 30 phút chờ tại quán bar của khách sạn cùng Lazenby, Châu gọi điện tới căn hộ của Đinh Bội. Bà trả lời rằng Lý Tiểu Long vẫn đang ngủ và hai người có lẽ nên ăn tối cùng nhau mà không có họ.
Khi Châu ăn xong vào lúc 9 giờ 30, ông có gọi cho Đinh Bội lần nữa. Bà trả lời Lý Tiểu Long vẫn đang ngủ, nhưng có hứa sẽ cố đánh thức ông dậy.
Sợ làm phiền, bà mở cửa phòng ngủ chầm chậm rồi nhẹ nhàng đi tới cái giường, quỳ xuống bên cạnh và thì thầm gọi ông. Lý Tiểu Long chẳng hề nhúc nhích.
Bà bèn lay vai ông và gọi to hơn, nhưng ông vẫn không thức dậy. Cảm thấy lo lắng và hoảng sợ, Đinh Bội lay mạnh Lý Tiểu Long và hét lớn.
Dùng mọi cách vẫn không thể đánh thức Lý Tiểu Long, Đinh Bội vội gọi điện cho Châu với giọng hoảng hốt. Cú điện thoại khiến Châu lập tức nhớ về thời điểm ngày 10.5, khi Lý Tiểu Long suýt chết vì phù não.
Ông bèn gọi cho bác sĩ Langford, người từng cứu mạng Lý Tiểu Long, nhưng đường dây báo bận. Châu vội phi như bay tới căn hộ của Đinh Bội.
Khi tới nơi, ông thấy Lý Tiểu Long trong tình trạng khỏa thân, nằm thẳng đờ trên chiếc đệm và Đinh Bội thì đang quỳ sụp bên cạnh ở trạng thái bị sốc.
Bà liên tục gọi tên ông, giọng lạc đi. Nhưng Lý Tiểu Long không có phản ứng gì và Châu cũng nhận ra ông đã tới quá muộn. Ngôi sao của ông khi ấy đã tắt thở.
Bà Đinh Bội, nhân tình của Lý Tiểu Long.
Một kế hoạch che đậy vụng về
Khi đứng đó và nhìn xuống thi thể bất động của Lý Tiểu Long, cũng như cảnh Đinh Bội đang sụt sùi khóc lóc, Châu dần nhận ra mức độ nguy hiểm của tình thế mà tất cả đang lâm phải. Người đàn ông nổi tiếng nhất Hong Kong đã chết trên giường của tình nhân và hai người họ là những nhân chứng duy nhất.
Vụ bê bối diễn ra sau đó sẽ khiến họ tiêu đời. Báo chí sẽ đổ lỗi cho họ. Sự nghiệp của cả hai sẽ tan thành mây khói. Thậm chí, họ có thể vướng vào các rắc rối pháp lý khủng khiếp. Và như thế ban đầu Châu lao tới căn hộ của Đinh Bội với mục đích cứu mạng Lý Tiểu Long, nhưng giờ mục tiêu đã trở nên rõ ràng hơn: Lý Tiểu Long phải chết ở nơi nào đó khác, chứ không phải trong căn hộ của nhân tình.
Châu nghĩ vậy nên nhanh chóng mặc lại quần áo cho Lý Tiểu Long. Châu cân nhắc việc di chuyển thi thể - nhà Lý Tiểu Long chỉ cách đó có 5 phút lái xe.
Ông cũng có thể đã tính đến việc đưa thi thể thẳng ra bệnh viện Baptist, nơi Lý Tiểu Long từng nhập viện vào ngày 10.5 và chỉ cách đó có 3 phút chạy xe. Cái chết của một siêu sao tại nhà hoặc bệnh viện có thể khiến công chúng bị sốc, nhưng không gây ra bê bối lùm xùm.
Nhưng cuối cùng, Châu bảo Đinh Bội gọi bác sĩ riêng của bà là Eugene Chu Poh-hwye, người cũng làm việc ở bệnh viện Baptist.
Khi Chu tới nơi, ông thấy Lý Tiểu Long nằm trên giường trong tình trạng giống hôn mê. Ông cố bắt mạch và nghe nhịp tim nhưng không thành công. Siêu sao khi ấy cũng không còn hô hấp và chẳng có dấu hiệu sự sống nào khác. Ông cố sức làm các động tác cấp cứu trong 10 phút, nhưng không có tác dụng gì. Tới lúc này, Chu hiểu rằng Lý Tiểu Long đã chết trước khi ông tới.
Châu có thể đã giải thích với Chu về tình hình và van xin ông chở thi thể Lý Tiểu Long tới bệnh viện Baptist theo một cách thức kín đáo, nhằm giảm thiểu số nhân chứng. Nhưng Chu vẫn quyết định gọi một xe cấp cứu tới tòa nhà.
Ông cũng đưa bệnh nhân tới Nữ hoàng Elizabeth nằm cách đó 25 phút thay vì bệnh viện Baptist, có thể vì không muốn để vụ bê bối dính tới chỗ làm của ông. Và ông cũng chỉ tham gia vở diễn của Châu tới đó mà thôi.
Trước khi chiếc xe cứu thương tới nhà Đinh Bội, Châu đã quyết định nắm lại quyền kiểm soát tình hình. Ông nói Đinh Bội không được hé răng nửa lời với báo chí.
Sau đó, ông gọi điện cho vợ Lý Tiểu Long, bà Linda, nói rằng bà nên tới viện ngay vì chồng đang được chuyển đến đó bằng xe cấp cứu".
“Có chuyện gì thế?” Linda lo lắng vặn hỏi.
"Tôi không biết nữa, hình như anh ấy bị giống lần trước", Châu trả lời vòng quanh.
Phải mất 7 phút để hai nhân viên y tế và xe cứu thương của bệnh viện Nữ hoàng Victoria tới hiện trường vào khoảng 10 giờ 30 chiều. Viên y tá lớn tuổi có tên Pang Tak Sun phát hiện bệnh nhân, người ông không lập tức nhân ra là ai, đang nằm ngửa trên chiếc đệm đặt trong phòng ngủ.
Pang không bắt được mạch và bệnh nhân cũng không còn thở. Ông tiến hành sơ cứu và cho bệnh nhân thở oxy, nhưng cũng chẳng có gì thay đổi. Các viên y tá bèn đưa bệnh nhân ra xe cứu thương.
Linda đến bệnh viện 15 phút trước khi xe cứu thương tới nơi. Khi bà hỏi thường trực bệnh viện về chồng, họ còn trả lời rằng có thể ai đó chỉ đùa cợt cho vui. Bà chuẩn bị gọi điện về nhà thì nhìn thấy Lý Tiểu Long được đẩy trên cáng cứu thương vào phòng cấp cứu. Ông hoàn toàn bất tỉnh và một đội bác sĩ đang mát xa quả tim của ông.
Sau khoảng 1 phút hoặc hơn, các bác sĩ đột ngột đưa Lý Tiểu Long lên tầng và bà đã chạy theo chiếc cáng tới một phòng chăm sóc đặc biệt. Bà thấy bác sĩ tiêm thẳng thuốc vào tim Lý Tiểu Long và tiến hành sốc điện.
Ai đó kéo Linda đi, nói rằng bà sẽ không muốn chứng kiến những gì đang diễn ra. Nhưng bà vẫn cố ở lại. Đó là khi bà nhận thấy chiếc máy đo nhịp tim của Lý Tiểu Long chỉ còn là một đường thẳng. Một lúc sau các bác sĩ cũng từ bỏ nỗ lực cứu con người đã chết rất lâu trước khi được đưa tới bệnh viện.
Linda lang thang như người vô hồn dọc theo hành lang của phòng cấp cứu. Lãnh đạo đội cấp cứu hỏi rằng bà có muốn tiến hành giải phẫu tử thi không và bà đồng ý. Không lâu sau thời điểm 11 giờ 30, hàng loạt tòa soạn của Hong Kong nhận được tin Lý Tiểu Long đã chết ở tuổi 32. Nguyên nhân gây ra cái chết không được làm rõ.
Khi Hoài Văn Châu và Linda tới cửa chính của bệnh viện để rời đi, ánh đèn flash của cánh phóng viên bỗng sáng lên như sao sa.
Lúc 12 giờ 30, cảnh sát tới căn hộ của Đinh Bội. Cảnh sát khám xét tư gia và không thấy dấu hiệu có một cuộc vật lộn đã diễn ra. Chiếc đệm nơi Lý Tiểu Long nằm đã được sắp xếp lại gọn gẽ. Họ chỉ lấy đi vài chứng cứ nhỏ, gồm chút bia gừng Schweppes và nước ngọt 7-Up được đổ vào ba chiếc cốc thủy tinh rồi mang đi.
Dựa trên sự tương đồng giữa lời khai của Châu và Đinh Bội, có vẻ như ông đã dặn bà cách phải cung khai ra sao để không gây nghi ngờ. Nhờ đó, Châu đã có thể đánh lừa cảnh sát rằng Lý Tiểu Long đã chết ở nơi nào đó khác trước khi được đưa tới căn hộ của Đinh Bội.
Châu cùng Linda tới nhà bác sĩ Langford vào khoảng 1 giờ sáng. Linda đang trong trạng thái lo lắng hoang mang. Bà vừa mất chồng và không biết phải nói gì với báo chí. Đồng thời, bà cũng có chút nghi ngờ nên hỏi bác sĩ Langford. "Ông biết gì về Lý Tiểu Long và những người phụ nữ khác? Anh ấy có phải một kẻ lăng nhăng không?". Viên bác sĩ trả lời thận trọng: "Theo như tôi biết thì anh ấy chẳng có mối quan hệ nào khác".
Dù nghe thấy vậy, Linda vẫn lo báo chí sẽ nghĩ ra đủ thứ bậy bạ để nói về chồng mình. Bà bèn hội ý với Châu và bác sĩ Langford, nhằm đưa ra một câu chuyện hợp lý nhất giải thích về cái chết của chồng.
Cuối cùng các bên thống nhất là Lý Tiểu Long bị đột quỵ khi đang đi bộ trong vườn nhà cùng vợ Linda. Đó là một tổn thất lớn cho hãng phim Golden Harvest và điện ảnh Hong Kong. Cùng lúc, bệnh viện Nữ hoàng Elizabeth đưa ra nguyên nhân gây tử vong chính thức là do phù não cấp tính. Nguyên nhân gây phù não chưa được làm rõ.
Dựa trên hai nguồn tin này, báo chí Hong Kong cho công chúng biết rằng người hùng của họ chết đột ngột nhưng không có gì bất thường. "Chúng tôi chỉ muốn bảo vệ hình ảnh và danh tiếng của Lý Tiểu Long, cũng như Linda và cảm xúc của các con cô. Chúng tôi thật quá ngu ngốc khi tin rằng mình sẽ không bị lộ, trong khi thực tế chỉ là vấn đề thời gian trước khi việc này diễn ra", Morgan thú nhận sau này.
Xã hội quay cuồng vì Lý Tiểu Long
Quả thực câu chuyện bịa về cái chết của Lý Tiểu Long chỉ đứng vững được có 3 ngày, trước khi bị phóng viên H.S. Châu của tờ China Mail phanh phui. Khi ấy, mọi bệnh viện ở Hong Kong đều giữ một bản báo cáo ghi lại địa chỉ mà xe cứu thương đã chạy tới để đón bệnh nhân.
Chỉ mất 2 ngày để Châu tìm đúng bản báo cáo của chiếc xe đã chở Lý Tiểu Long, tìm được viên tài xế và thuyết phục ông mở miệng.
Châu phát hiện xe cứu thương số 40 đã đón Lý Tiểu Long từ một căn hộ tầng 2 nằm ở đường 67 Beacon Hill, dù nhà ông nằm ở 41 đường Cumberland.
Sau vài cuộc gọi nữa, Châu biết người ở trong căn hộ tại đường Beacon Hill là diễn viên Đinh Bội xinh đẹp.
Năm 1973, Hong Kong có 4 tờ nhật báo tiếng Anh và 101 tờ tiếng Trung, Tất cả đều đang chiến đấu với nhau để giành lượng độc giả lên tới 1,25 triệu người. Môi trường cạnh tranh khủng khiếp khiến báo chí Hong Kong còn được gọi là "đàn muỗi". Việc phát hiện vụ che đậy cái chết của Lý Tiểu Long khiến đàn muỗi đó bùng nổ.
Dưới tiêu đề "Ai lừa dối về cái chết của Lý Tiểu Long", tờ China Mail viết, tờ China Star thì giật dòng tít "Cú sốc Lý Tiểu Long" trên trang nhất. Do bị lộ tẩy quá nhanh, Châu từ chối tiếp xúc với báo chí.
Chỉ còn lại một mình, Đinh Bội liên tục mắc lỗi khi bịa ra nhiều câu chuyện để chống trả đòn công kích của truyền thông. Cánh báo chí nhanh chóng phỏng vấn hàng xóm của Đinh Bội và phát hiện rằng Lý Tiểu Long đã liên tục tới căn hộ của bà nhiều tháng trước lúc chết. Tờ China Star lập tức giật tít chấn động: "Hang ổ nức hương của Đinh Bội đã giết chết con rồng".
Sau nhiều ngày bị báo chí quay như thế, Châu phối hợp cùng Linda và Đinh Bội đưa ra một câu chuyện mới để che đậy sự thật. Họ quyết định thừa nhận những gì không thể chối bỏ và chối bỏ tất cả những gì báo chí không thể chứng minh.
Để bảo vệ danh tiếng của Lý Tiểu Long như một người đàn ông vì gia đình, cũng như khoản đầu tư lớn mà Golden Harvest đã đổ vào phim Long tranh Hổ đấu, cả ba nói rằng ông đã chết tại bệnh viện Nữ hoàng Elizabeth.
Linda phải nói với báo chí rằng "vào khoảng trưa ngày 20.7.1973, tôi đang chuẩn bị rời nhà riêng ở Kowloon để ăn trưa với bạn và Lý Tiểu Long thì đang nghiên cứu thứ gì đó. Anh nói với tôi rằng Châu sẽ đến nhà vào buổi chiều để bàn về ý tưởng kịch bản cho phim Tử vong du hý và có lẽ họ sẽ ăn tối cùng George Lazenby. Đó là cuộc trò chuyện cuối cùng của tôi với chồng".
Châu cũng kể rằng ông tới nhà Lý Tiểu Long vào 3 giờ chiều và bàn về kịch bản tới tận 5 giờ chiều, trước khi chạy xe tới căn hộ của Đinh Bội để đề nghị bà nhận một vai chính trong phim. Đó là một buổi hẹn làm ăn và hai người chỉ là bạn.
Lúc 7 giờ tối, bất ngờ Lý Tiểu Long than phiền đau đầu và tới 7 giờ 30 thì cơn đau đầu thêm tệ hơn. Đinh Bội đã cho ông uống thuốc Equagesic, gồm 325mg aspirin và 200mg meprobamate - một loại thuốc gây giãn cơ nhẹ. Lý Tiểu Long vào phòng Đinh Bội để nghỉ còn Châu đi đón Lazenby.
Sau đó, Châu có gọi Đinh Bội vài lần để hỏi thăm tình hình của Lý Tiểu Long. Bà đã không thể đánh thức Lý Tiểu Long nên Châu chạy xe tới căn hộ và khi tới nơi thì thấy ông dường như đang ngủ rất sâu. Đinh Bội đã phải gọi bác sĩ riêng Eugene Chu Poh-hwye tới kiểm tra tình hình và tới lượt ông đã kêu xe cứu thương đưa Lý Tiểu Long tới bệnh viện. Ngôi sao được tuyên bố đã chết tại bệnh viện vào lúc 11 giờ 30.
Phiên bản che đậy nâng cao này đã tồn tại được suốt 30 năm trời và chứng phù não cấp tính được cho là nguyên nhân giết chết một tượng đài của Hong Kong.
Cánh báo chí tạm chấp nhận lời giải thích này, nhưng rõ ràng là chưa thỏa mãn và vẫn tìm mọi cơ hội để tung các giả thuyết mới về cái chết của Lý Tiểu Long. Chẳng hạn như dựa vào kết luận giải phẫu tử thi, nói rằng ngộ độc cần sa có thể là một trong những nguyên nhân gây phù não, họ đã tung ra các bài báo nói rằng một bữa tiệc ma túy thác loạn đã diễn ra tại căn hộ của Đinh Bội khiến Lý Tử Long tử vong.
Có tờ báo nói Lý Tiểu Long chết vì quá liều chất kích dục 707, vốn được ưa dùng trước khi Viagra xuất hiện. Họ cũng đồn rằng Lý Tiểu Long đã lên giường với rất nhiều ngôi sao nữ và biến ông từ một siêu sao thành một gã khốn.
Với công chúng, không ít người đã chẳng thể chấp nhận thực tế một con người trẻ trung, tràn đầy năng lượng như Lý Tiểu Long đã ra đi. Tờ China Mail cho biết người Malaysia ở Penang đã cãi nhau ỏm tỏi, cho rằng tin Lý Tiểu Long chết chỉ là đòn PR cho phim Tử vong du hý.
Cũng có kẻ nói do Lý Tiểu Long giỏi võ nên các môn phái trên giang hồ đã ganh tị và tìm cách hạ độc ông. Patrick Wang, sáng lập viên tờ báo lá cải Kam Yeh Pao thậm chí còn đột nhập nhà xác và chụp được bức ảnh gương mặt Lý Tiểu Long đã sưng phồng lên dù nằm trong phòng lạnh - được phe đưa ra giả thuyết hạ độc coi là bằng chứng không thể chối cãi.
Tất cả những thuyết âm mưu lan tràn này đã dẫn tới nhiều hậu quả ngoài đời thực, như Đinh Bội bị nhiều người ghét bỏ và muốn bà chết quách đi cho xong. Đầu tháng 8.1973, cảnh sát Hong Kong bắt đầu nhận được những lời đe dọa đánh bom.
Đồng thời, công chúng nhặt được nhiều tờ rơi nói rằng Đinh Bội biết rõ nguyên nhân khiến Lý Tiểu Long thiệt mạng và bà phải chết. Lời đe dọa đánh bom ban đầu được xác định là tin vịt. Nhưng sau đó rất nhiều quả bom giả đã được cài lại trên khắp Hong Kong, kèm theo các thông điệp như "báo thù cho Lý Tiểu Long".
Những gì diễn ra tiếp theo và nhiều câu chuyện đặc biệt khác về Lý Tiểu Long được ghi lại đầy đủ trong "Bruce Lee: A life", một cuốn sách được đánh giá rất thú vị và đáng đọc của tác giả Matthew Polly vừa ra mắt độc giả vào đầu tháng 6 này.