Đối với các vị phụ huynh ở New York, cuộc chạy đua vào những ngôi trường được mệnh danh là "Ivy nhí" (biến tấu theo Ivy League - nhóm 8 trường đại học danh giá nhất nước Mỹ) cực kỳ khốc liệt.
Họ tin rằng việc con em mình được theo học ở nhóm trường này là chìa khoá đi đến tương lai. Chúng sẽ sở hữu bộ hồ sơ ấn tượng vì theo học ở một trong những trường tư thục danh tiếng (thuộc hệ thống K-12) và sau này được nhận ở một trường đại học top đầu. Nhóm "Ivy nhí" ở đây không chỉ là những trường trung học ưu tú, mà còn bao gồm cả các trường mẫu giáo.
Vụ bê bối chạy điểm gần đây cũng chỉ là một yếu tố rõ ràng hơn cho thấy những gì đã diễn ra từ lâu ở các trường học, đặc biệt là "Ivy nhí": Một số phụ huynh giàu có sẵn sàng làm bất cứ điều gì để đưa con em mình vào một ngôi trường "đúng ý".
Với những cư dân New York sẵn sàng bỏ 50.000 USD cho học phí mỗi năm ở trường mẫu giáo thì một vài "nghi thức chuyển tiếp các giai đoạn của cuộc đời" là rất quan trọng đối với con em họ. Cũng giống như Ivy League, những bậc phụ huynh giàu có có thể chạy điểm trong âm thầm, thuê người tư vấn về các bài kiểm tra và hơn nữa là "đánh bóng" hồ sơ ứng tuyển.
Vậy sự cạnh tranh để giành "suất" vào các trường "Ivy nhí" khốc liệt đến thế nào?
Các trường mẫu giáo danh tiếng chỉ nhận 30-60 học sinh mỗi năm
Trinity School đã ngừng nhận hồ sơ dự tuyển của năm học hiện tại khi họ đạt mốc 642 hồ sơ cho 60 chỉ tiêu vào trường mẫu giáo, theo Kevin Ramsey, giám đốc truyền thông. Con số trên tương đương với xác suất được nhận vào trường chỉ là 10%, gần như bằng Đại học Cornell. Học phí của Trinity thậm chí còn cao hơn Harvard, 52.000 USD mỗi năm cho một trường thuộc hệ thống giáo dục K-12.
Thông thường, những ngôi trường được gọi là "Ivy nhí" tại New York như Horace, Collegiate, Dalton và Brearley không tiết lộ về tỷ lệ nhận học sinh. Tuy nhiên, trường Horace Mann đã đưa ra số liệu không chi tiết hồi năm 2017. Trung bình, trường mẫu giáo của họ nhận được 346 đơn dự tuyển cho khoảng 36 "suất".
Nhận được những quy tắc "ngầm", các phụ huynh thường không nói thẳng thắn về vấn đề tuyển sinh. Trong khi đó, các trường cũng khá kín tiếng về vấn đề này. Một cựu giám đốc tuyển sinh tiết lộ: "Không có trường nào cho bạn biết chỉ tiêu là bao nhiêu. Các trường đặc biệt kín tiếng về những con số ấy".
Mỗi trường "Ivy nhí" đều có những lời đồn thổi riêng và một vài trong số đó là sự thật. Chẳng hạn, một cặp vợ chồng thậm chí gia nhập một tôn giáo nào đó với hy vọng rằng có thể "chớp" lấy cơ hội cho con em mình.
Một số còn dùng đến thư giới thiệu từ các đại sứ hoặc thậm chí là Tổng thống để lấy suất. Bức thư này được đựng trong một chiếc hộp da, chuyển đến trường bằng siêu xe hạng sang Roll Royce.
Vụ bê bối chạy điểm vào các trường đại học danh tiếng mới đây cho thấy mức độ "chịu chi" và bất chấp của các bậc phụ huynh.
Thậm chí, người ta còn đưa ra những kế hoạch có thể nói là "trắng trợn" để giành được những "suất" vào Yale, Stanford hay các trường đại học danh giá khác. Dẫu vậy, việc nhận hối lộ tại các trường "Ivy nhí" chưa từng bị phanh phui. Đó thường là các cuộc thảo luận ngầm về tiền.
Trường học cùng các trung tâm tư vấn tuyển sinh "hái" ra tiền
Suy cho cùng, các trường tư thục ở Mỹ cũng là những doanh nghiệp lớn và những con số thu thập từ các hồ sơ công khai hồi năm 2017 sẽ cho thấy nó lớn mạnh đến mức nào. Ví dụ, Collegiate nắm giữ số tài sản trị giá khoảng 342 triệu USD. Hiệu trưởng của Horace Mann kiếm được gần 1 triệu USD. Trong bản báo cáo thường niên năm đó, Trinity phàn nàn về tỷ lệ trợ cấp cho trường - 71.000 USD/học sinh, là "một trong những mức thấp nhất so với các trường trong cùng thành phố."
Trường Trinity.
Roxana Reid, nhà sáng lập công ty tư vấn giáo dục Smart City, cho biết: "Tôi nhìn thấy các gia đình kiếm được 500.000 USD mỗi tháng lại coi mình là tầng lớp trung lưu và lao động nghèo. Đó là một quan điểm có phần "thái quá". Tuy nhiên, nó có liên quan đến mức chi phí cao ngất ngưởng họ phải chi trả, liên quan đến nhà ở, giáo dục, thuế và chất lượng cuộc sống ở New York".
Và từ đó, "cuộc chiến" chạy đua vào các trường mẫu giáo hạng ưu diễn ra năm này qua năm khác. Một vị phụ huynh nhớ lại, một quan chức của trường tư thục luôn nói rằng con của anh sẽ gặp khó khăn trong việc nhập học. Người này trả lời: "Chúng tôi phải làm gì để điều đó không xảy ra?" - câu nói này đã thay đổi hoàn toàn bầu không khí của cuộc trò chuyện.
"Điều này cho thấy chúng tôi hiểu nhau đang nói về việc gì", vị phụ huynh giấu tên cho biết. Sau đó, con anh được nhận vào trường. Phụ huynh khác thì đóng góp cho trường, mua bàn ghế tại các buổi từ thiện hoặc đảm nhiệm vai trò là thành viên hội đồng cho các kỳ nghỉ của trường.
Rất nhiều phụ huynh chỉnh sửa hay thậm chí còn viết các bài luận nộp vào đại học cho con mình. Ở các trường "Ivy nhí", cha mẹ được yêu cầu miêu tả gia đình và con em mình. Chẳng hạn, họ sẽ nói về 1 tháng nghỉ dưỡng trên du thuyền ở Hy Lạp, hay bất kỳ điều gì thể hiện đây là một gia đình giàu có.
Sau đó, là giai đoạn chuẩn bị, kiểm tra, phỏng vấn và đến thăm trường. Có phụ huynh thậm chí còn nộp đơn ở hơn 10 trường. Amanda Uhry, nhà sáng lập của trung tâm tư vấn tuyển sinh trường tư thục ở Manhattan, cho biết: "Nếu họ được nhận vào 2 trường thì đó là một thành công lớn".
Cũng như các trường đại học, thủ tục tư vấn tuyển sinh nhóm mẫu giáo, trung học này cũng kiếm bộn tiền. Uhry tính phí cho các khách hàng sử dụng đầy đủ dịch vụ là từ 12.000 USD đến 25.000 USD. Phí tư vấn của Reid là từ 375 USD/giờ.