"Cuộc cạnh tranh có tính quyết định thời đại" vừa bắt đầu, báo Mỹ đã vinh danh người chiến thắng: Trung Quốc

Hữu Hiển |

Tờ New York Times (Mỹ) ngày 16/5 đưa tin, mặc dù các nước phương Tây đã đầu tư hàng tỷ USD, nhưng trong lĩnh vực sản xuất pin xe điện – “một trong những cuộc cạnh tranh có tính quyết định thời đại”, Trung Quốc cho đến nay vẫn là người chiến thắng.

Tờ New York Times nhận định, từ khai khoáng, luyện kim đến sản xuất linh kiện, Trung Quốc đều có lợi thế ở mọi mắt xích trong chuỗi sản xuất pin xe điện và bỏ xa các nước còn lại trên thế giới. Các nước này có thể phải mất nhiều thập kỷ mới có thể bắt kịp.

Theo ước tính của Benchmark Mining Intelligence có trụ sở tại Anh, đến năm 2030, Trung Quốc sẽ sản xuất số lượng pin nhiều hơn gấp đôi so với tất cả các quốc gia khác cộng lại.

Nguồn cung khoáng sản ổn định

Theo tờ New York Times, ô tô điện sử dụng lượng khoáng chất quý hiếm gấp khoảng 6 lần so với ô tô thông thường do có pin. Mặc dù Trung Quốc có ít mỏ khoáng sản dưới lòng đất cần thiết để sản xuất pin, nhưng nước này đã theo đuổi một chiến lược dài hạn là mua nguồn cung cấp giá rẻ và ổn định.

Hiện tại, các công ty Trung Quốc có cổ phần trong các công ty khai thác ở 5 châu lục. Do đó, Trung Quốc kiểm soát 41% hoạt động khai thác coban toàn cầu và hơn một nửa hoạt động khai thác lithium, trong khi các công ty Mỹ đã không theo kịp.

Tờ báo cũng nhận định, mặc dù nguồn cung niken, mangan và than chì toàn cầu lớn hơn nhiều và chỉ một phần nhỏ trong số đó được sử dụng để sản xuất pin, nhưng khả năng cung cấp ổn định các khoáng sản này của Trung Quốc vẫn mang lại lợi thế cho nước này.

Chế biến khoáng sản không tốn kém

Bất kể khoáng sản được khai thác ở đâu, hầu hết chúng đều được vận chuyển đến Trung Quốc - nơi chúng được tinh chế thành vật liệu làm pin.

Quá trình tinh chế cần rất nhiều năng lượng và việc tinh chế khoáng chất làm pin cần năng lượng gấp 3 đến 4 lần so với luyện thép hoặc đồng.

Theo tờ New York Times, với sự hỗ trợ về đất đai và năng lượng giá rẻ do chính phủ cung cấp, các công ty Trung Quốc có thể khai thác nhiều khoáng sản hơn với chi phí thấp hơn bất kỳ ai khác, điều này đã dẫn đến việc đóng cửa các nhà máy tinh chế khoáng chất ở những nơi khác.

Tờ báo cũng cho biết, hiện nay Mỹ gần như không còn năng lực xử lý các loại khoáng sản này. Các nhà máy tinh chế khoáng sản thường mất từ ​​2 đến 5 năm để xây dựng, và có thể lâu hơn để đào tạo công nhân và vận hành thiết bị.

Cuộc cạnh tranh có tính quyết định thời đại vừa bắt đầu, báo Mỹ đã vinh danh người chiến thắng: Trung Quốc - Ảnh 1.

95% mangan, 73% coban, 70% than chì, 67% lithium và 63% niken của thế giới được tinh chế tại Trung Quốc. Ảnh: Astron

Năng lực sản xuất cao

Theo tờ New York Times, một phần lý do khiến Trung Quốc trở thành nhà sản xuất pin lớn nhất là do Trung Quốc đã tìm ra cách sản xuất linh kiện pin hiệu quả với chi phí thấp.

Cực âm (cathode) là bộ phận quan trọng nhất của pin. Trong tất cả các vật liệu làm pin, cực âm là vật liệu khó sản xuất và tiêu tốn nhiều năng lượng nhất. Theo các báo cáo, cho đến vài tháng gần đây, loại cực âm phổ biến nhất đã bắt đầu sử dụng vật liệu kết hợp niken mangan coban oxit (còn gọi là cực âm NMC). Nó cho phép pin lưu trữ một lượng lớn năng lượng trong một không gian nhỏ hơn, giúp cho xe điện có phạm vi hoạt động dài hơn.

Một giải pháp thay thế rẻ hơn, do Trung Quốc đầu tư, hiện chiếm một nửa thị trường cực âm. Tờ New York Times cho biết, loại cực âm này được gọi là lithium iron phosphate (LFP), trong đó thay thế thành phần niken mangan coban bằng muối sắt phốt phát sẵn có hơn.

Đối với phương Tây, đây có vẻ như là một cơ hội để vượt qua "nút thắt cổ chai" đối với nguồn cung cấp khoáng sản quý hiếm, nhưng Trung Quốc hiện sản xuất gần như toàn bộ cực âm LFP của thế giới.

Hiện tại, Mỹ chỉ sản xuất khoảng 1% cực âm của toàn thế giới, tất cả đều là cực âm NMC. Theo tờ New York Times, mặc dù các công ty Mỹ quan tâm đến LFP, nhưng họ cần hợp tác với các công ty Trung Quốc có kinh nghiệm sản xuất.

Hầu hết các thành phần khác của pin cũng được sản xuất bởi các công ty Trung Quốc, và các công ty này đang chiếm ưu thế trong việc sản xuất cực dương (anode).

Màng ngăn là một bộ phận nằm giữa cực âm và cực dương để ngăn ngừa đoản mạch, và Trung Quốc bán nhiều màng ngăn nhất thế giới.

Chất điện phân cần thiết để dẫn điện chủ yếu được làm từ muối lithium và dung môi, và bốn nhà sản xuất chất điện phân hàng đầu thế giới đều ở Trung Quốc.

Chiếm ưu thế do đi trước nhiều năm

Theo tờ New York Times, Trung Quốc có nhiều xe điện nhất thế giới và hầu hết các mẫu xe này đều sử dụng pin sản xuất tại Trung Quốc. Điều này là do Trung Quốc đã xây dựng "Quy định cho ngành công nghiệp pin ô tô", quy định rằng các phương tiện năng lượng mới bán ra chỉ có thể được hưởng trợ cấp nếu chúng được trang bị pin đáp ứng yêu cầu và lọt vào "danh sách trắng".

Tháng 11/2015, Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc đã công bố 4 nhóm công ty đáp ứng "Điều kiện thông số kỹ thuật" và tổng cộng 57 công ty pin đã lọt vào "danh sách trắng", trong đó có CATL, OptimumNano, Tianjin Lishen và Guoxuan High-tech.

Tờ New York Times nhận định rằng, điều này đã mở ra một giai đoạn phát triển thuận lợi cho các công ty pin Trung Quốc. Trong thời gian đó, CATL của Trung Quốc đã phát triển nhanh chóng, đánh bại các đối thủ từ Nhật Bản và Hàn Quốc để trở thành nhà sản xuất pin xe điện lớn nhất thế giới.

Cuộc cạnh tranh có tính quyết định thời đại vừa bắt đầu, báo Mỹ đã vinh danh người chiến thắng: Trung Quốc - Ảnh 2.

Đến năm 2030, Trung Quốc sẽ sản xuất số lượng pin nhiều hơn gấp đôi so với tất cả các quốc gia khác cộng lại. Ảnh: electrive.com

Theo tờ New York Times, 8 năm sau, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã cố gắng thực hiện chiến lược tương tự nhằm thúc đẩy sự phát triển của pin tại Mỹ. Tuy nhiên, trong ngành có chi phí vốn lớn và tỷ suất lợi nhuận mỏng này, các công ty Trung Quốc đã đạt được thành công lớn với nhiều năm nhận được hỗ trợ của nhà nước và tích lũy kinh nghiệm của chính họ.

Thêm vào đó, việc lắp ráp pin rất phức tạp và đòi hỏi kỹ thuật cao, trong khi chi phí xây dựng một nhà máy sản xuất pin ở Trung Quốc chỉ bằng một nửa so với Bắc Mỹ hoặc các nước châu Âu.

Heiner Heimes - Giáo sư tại Đại học RWTH Aachen (Đức) - nhận định rằng, lý do chính là chi phí lao động ở Trung Quốc thấp hơn và có nhiều nhà sản xuất thiết bị hơn.

Mặt khác, các nhà đầu tư Mỹ cũng tỏ ra thận trọng khi đầu tư vào ngành xe điện. Ngành công nghiệp ô tô truyền thống vẫn mang lại nhiều lợi nhuận, người lao động Mỹ cần được đào tạo các kỹ năng mới, và các ưu đãi do Chính phủ Mỹ cung cấp để hỗ trợ ngành công nghiệp xe điện có thể biến mất trong chu kỳ bầu cử tổng thống tiếp theo.

Ngược lại, theo thống kê của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) - một tổ chức tư vấn của Washington, Trung Quốc đã chi hơn 130 tỷ USD cho nghiên cứu, hợp đồng chính phủ và trợ cấp người tiêu dùng. Người tiêu dùng ô tô điện ở Trung Quốc được hưởng các ưu đãi như giảm thuế, đăng ký xe rẻ hơn, có chỗ đỗ xe ưu tiên và mạng lưới sạc rộng khắp.

Theo tờ New York Times, đầu tư của Trung Quốc đã đưa các nhà sản xuất của nước này trở thành các công ty hàng đầu thế giới về sản xuất, thiết bị và thiết kế sản phẩm. Và các chuyên gia đều đồng ý rằng, các công ty trên khắp thế giới sẽ cần tìm kiếm quan hệ đối tác với các nhà sản xuất Trung Quốc để gia nhập ngành sản xuất pin xe điện này hoặc mở rộng khả năng hiện có.

Scott Kennedy - cố vấn cấp cao tại CSIS - cho biết: "Không một ai có thể thành công trong lĩnh vực xe điện nếu không có một số hình thức hợp tác với Trung Quốc, dù là trực tiếp hay gián tiếp."

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại