Việc ai trở thành tổng thống mới của Iran sẽ ít nhiều tác động tới cuộc đàm phán hạt nhân với Mỹ và phương Tây cũng như đường lối chính sách kinh tế của Iran trong thời gian tới. Ảnh: WSJ
Ai sẽ chiến thắng trong 5 ứng cử viên tổng thống?
Iran đã bước vào “giai đoạn im lặng” trong vòng 24 giờ trước khi bắt đầu cuộc bỏ phiếu bầu cử tổng thống lần thứ 13 để chọn ra người đứng đầu chính phủ cho nhiệm kỳ 4 năm tiếp theo. Các hoạt động vận động cho các ứng cử viên đã chính thức dừng lại từ sáng 17/6.
Theo dự kiến, các cử tri Iran sẽ bắt đầu bỏ phiếu từ 7 giờ sáng 18/6 (giờ địa phương) và có khả năng kéo dài đến 2 giờ sáng hôm sau.
Trước ngày bỏ phiếu, 3 trong số 7 ứng cử viên đã rút lui khỏi danh sách tranh cử để dồn phiếu ủng hộ cho các ứng cử viên còn lại. Cụ thể, 2 ứng cử viên theo đường lối cứng rắn là ông Saeed Jalili (nguyên Thư ký Hội đồng An ninh Tối cao Quốc gia) và Alireza Zakani đã bỏ cuộc để tuyên bố ủng hộ cho ứng cử viên bảo thủ ông Ibrahim Raisi, người đứng đầu cơ quan tư pháp. Trong khi ứng cử viên cải cách ông Mohsen Mehr-Alizadeh, cựu Phó Tổng thống đã rút lui để ủng hộ ứng cử viên Abdul Nasser Hemmati, cựu Thống đốc ngân hàng Trung ương Iran.
Như vậy, cuộc chạy đua cho vị trí Tổng thống hiện chỉ diễn ra giữa 4 ứng cử viên, trong đó có 3 người theo đường lối bảo thủ là ông Ibrahim Raisi - người đứng đầu cơ quan tư pháp; ông Mohsen Rezaei - Thư ký của Hội đồng phân xử khẩn cấp và nguyên Tổng Tư lệnh lực lượng Vệ binh cách mạng hồi giáo Iran; ông Amir Hossein Qazizadeh Hashemi - cựu phó chủ tịch Quốc hội. Ứng cử viên duy nhất theo đường lối cải cách ôn hòa là ông Abdul Nasser Hemmati, cựu thống đốc Ngân hàng Trung ương Iran và là người có khả năng tiếp tục con đường của Tổng thống Hassan Rouhani.
Trong số các ứng cử viên này thì ông Ibrahim Raisi - người đứng đầu cơ quan tư pháp, đang chiếm lợi thế lớn nhất để trở thành tân Tổng thống Iran. Theo số liệu thăm dò dư luận mới nhất được Trung tâm thăm dò dư luận sinh viên Iran (ESPA) có uy tín thực hiện, cho thấy ứng cử viên Ibrahim Raisi nhận được tới 63,7% ý kiến ủng hộ từ những người tham gia cuộc thăm dò, tuy nhiên chỉ có 42% trong tổng số 59 triệu cử tri đủ điều kiện của đất nước sẽ đi bỏ phiếu.
Trong trường hợp không có ứng cử viên nào đạt được đa số tuyệt đối, hai ứng cử viên nhận được số phiếu cao nhất trong vòng đầu tiên sẽ bước vào vòng bỏ phiếu thứ hai được tổ chức vào ngày 25/6 tới.
Sự trỗi dậy mạnh mẽ của phe bảo thủ
Giới chuyên gia khu vực đều có nhận định chung là cuộc bầu cử lần này đang chứng kiến sự áp đảo rõ rệt của phe bảo thủ so với cải cách. Nguyên nhân được cho là có sự can thiệp của Hội đồng Giám hộ để mang lại lợi thế cho phe bảo thủ, cụ thể là ứng cử viên Ibrahim Raisi, người được coi là có khả năng kế vị của lãnh tụ tối cao Ali Khamenei trong tương lai.
Trong khi đó, các ứng cử viên sáng giá của phong trào cải cách đã bị loại ngay từ đầu do không đáp ứng đủ tiêu chuẩn do Hội đồng Giám hộ đặt ra.
Mặt khác, các ứng cử viên bảo thủ đã thành công khi viện dẫn tình hình khủng hoảng kinh tế trong nước sau 8 năm cầm quyền của Tổng thống Hassan Rouhani, để công kích phe cải cách không thực hiện được các cam kết và đã thất bại trong việc đặt cược vào thỏa thuận hạt nhân, mà sau đó chính quyền D.Trump đã rút khỏi và thực thi chính sách gây áp lực tối đa lên Iran.
Với chiến thắng dự kiến của ông Raisi hoặc một ứng cử viên bảo thủ khác, phe bảo thủ sẽ có thể củng cố quyền kiểm soát đối với các thể chế nhà nước, đặc biệt sau khi họ đã kiểm soát cơ quan tư pháp và quốc hội trước đây. Tuy nhiên, dù ứng cử viên của phe nào thắng cử thì cũng phải đối mặt với vấn đề quan trọng và khó khăn nhất đó là vực dậy nền kinh tế trong nước và cải thiện cuộc sống của người dân.
Đây là trọng tâm hàng đầu trong cương lĩnh tranh cử của tất cả các ứng cử viên. Trong trường hợp ứng cử viên sáng giá nhất là ông Ibrahim Raisi thắng cử, ông sẽ đẩy mạnh thực thi chính sách “kinh tế kháng chiến” do lãnh tụ tối cao khởi xướng để giảm nhẹ tác động của các lệnh trừng phạt kinh tế, khuyến khích tinh thần tự lực, tự cường sản xuất trong nước. Ông đã đề ra những cam kết như chống tham nhũng; thúc đẩy lĩnh vực sản xuất; đẩy mạnh tư nhân hóa thực sự; giảm một nửa chi phí điều trị y tế; tạo ra một triệu việc làm mỗi năm bằng cách khai thác 70% tiềm năng kinh tế sẵn có ở trong nước; giảm tỷ lệ lạm phát xuống mức một con số…
Chính sách đối ngoại của Iran cũng sẽ ít có sự thay đổi lớn, mà tiếp tục xu hướng cứng rắn bởi thực tế quyền hạn và vai trò của tổng thống trong việc hoạch định chính sách đối ngoại tương đối hạn chế so với vai trò của Lãnh tụ tối cao và Lực lượng Vệ binh Cách mạng - những người có ưu thế quyết định trong các chính sách đối ngoại của Iran. Thay đổi có thể xảy ra nhất nếu phe bảo thủ chiến thắng là Iran sẽ gỡ bỏ bộ mặt ôn hòa trong đường lối đối ngoại để thể hiện rõ ràng hơn chính sách cứng rắn thực sự của mình.
Triển vọng khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran
Phải nhắc lại rằng vấn đề cấp bách nhất đối với Iran hiện nay là phải khắc phục cuộc khủng hoảng kinh tế và xã hội trầm trọng, chủ yếu do các lệnh trừng phạt mà Mỹ tái áp đặt vào năm 2018, sau khi cựu Tổng thống D.Trump đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân (JCPOA). Nền kinh tế Iran đã suy giảm gần 5% vào năm 2020 và không tăng trưởng kể từ năm 2017. Ngoài ra, đại dịch Covid-19 bùng phát cũng là một vấn đề nghiêm trọng đối với Iran, nơi ghi nhận số ca tử vong cao nhất ở Trung Đông, đồng thời các hạn chế áp đặt liên quan đến đại dịch đã làm gia tăng khó khăn kinh tế của nước này.
Do vậy, trong trường hợp ông Raisi thắng cử thì việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt, đặc biệt là về lĩnh vực dầu mỏ và ngân hàng, sẽ vẫn là ưu tiên của tân Tổng thống Iran. Mặc dù có quan điểm cứng rắn hơn đương kim Tổng thống Rouhani, nhưng ông Raisi không phản đối việc quay trở lại JCPOA. Ông ủng hộ các cuộc đàm phán nhưng cho rằng việc này phải được thực hiện bởi một chính phủ mạnh mẽ.
Các quan điểm của ông Raisi phản ánh nhận thức chung của giới lãnh đạo Iran rằng việc quay trở lại thỏa thuận hạt nhân để đổi lấy việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt là cần thiết để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Hơn nữa, với tư cách là tổng thống (theo giả thuyết), ông Raisi có thể sẽ có lợi ích lớn hơn trong việc cải thiện tình hình kinh tế, vốn luôn là yếu tố chính dẫn đến thành công hay thất bại của bất kỳ tổng thống Iran nào. Xu hướng này được củng cố với sự ủng hộ của lãnh tụ tối cao Ali Khanenei và có thông tin cho rằng các quan chức Iran dự kiến sẽ hoàn tất một thỏa thuận vào tháng 8 tới, trước khi tổng thống mới lên nắm quyền.
Về cơ bản, khả năng hồi sinh JCPOA vẫn chủ yếu dựa vào quyết định của lãnh tụ tối cao Ali Khamenei. Tuy nhiên, việc một tổng thống theo đường lối cứng rắn của Iran lên nắm quyền sẽ có thể ảnh hưởng nhất định đến cách thức tiếp cận đàm phán của Iran, nhất là trong trường hợp nước này bổ nhiệm một Ngoại trưởng mới có quan điểm cứng rắn. Trong khi triển vọng phục hồi JCPOA vẫn chưa chắc chắn, thì cơ hội để các nhóm đàm phán phương Tây thuyết phục Iran tiến tới một thỏa thuận hạt nhân có hiệu lực dài hơn và mở rộng sang các vấn đề khác (như tên lửa tầm xa và chính sách của Iran khu vực) sẽ giảm đi đáng kể./.