Tam Quốc Diễn Nghĩa có "Tứ Tuyệt": "Gian tuyệt" Tào Tháo - "Nhân tuyệt" Lưu Bị - "Trí tuyệt" Khổng Minh - "Nghĩa tuyệt" Quan Vũ. Qua "Tứ Tuyệt" này, La Quán Trung muốn khắc họa rõ nét 4 nhân vật điển hình trong tác phẩm của mình với những cốt cách khác nhau, làm nên những thành - bại khác nhau trong lịch sử đầy biến động của thời kỳ Tam Quốc hồi thế kỷ thứ 3 ở Trung Quốc.
Nếu như Hoàng đế Tào Ngụy Tào Tháo để có được thiên hạ trong tay đã không ít lần phản trắc, ra tay tuyệt tình tuyệt nghĩa, thì người lập nên nhà Thục Hán là Lưu Bị lại có tấm lòng nhân từ, thấu hiểu lòng người. Khổng Minh Gia Cát Lượng là chiến lược gia được người đời ca ngợi có tài thần cơ diệu toán, thiên hạ khó có người sánh bằng. Chiến tướng Quan Vũ của Thục Hán nổi tiếng là biểu tượng của lòng tận trung, chuộng nghĩa khí.
8 chữ quý của Gia Cát Lượng vẫn không cứu được Quan Vũ
Nhưng trong "Tứ Tuyệt" chỉ có mãnh tướng đứng đầu Ngũ hổ tướng nhà Thục Hán - Quan Vũ là một đời kiêu ngạo. Ông kiêu hùng trên chiến trường và cũng kiêu căng trong đối nhân xử thế. Điều này ai ai cũng biết. Thất bại chấn động thiên hạ của Quan Vũ thời trấn giữ Kinh Châu đã nói lên tất cả.
Tam Quốc Diễn Nghĩa tả rằng, trước khi Quan Vũ lên đường đến Kinh Châu năm 215, Gia Cát Lượng - vốn thấu hiểu con người Quan Vũ - đã nhắn nhủ 8 đến Quan Vũ nhằm tránh việc để mất Kinh Châu, duy trì mối bang giao hữu hảo với Đông Ngô. 8 chữ quý gia đó là "Bắc chống Tào Tháo - Đông hòa Tôn Quyền".
Tuy nhiên, trong 5 năm (215-220) trấn giữ vùng đất chiến lược này, Quan Vũ lại khiến Tôn Quyền nuôi lòng thù hận vì từng bị mãnh tướng Thục Hán khinh thường, sỉ nhục. Chuyện kể rằng, Tôn Quyền vì muốn tránh hiểm họa mãnh tướng nhà Thục Hán đánh Đông Ngô, bèn nghĩ tới việc kết thông gia, sai sứ giả tới xin Quan Vũ gả khuê nữ cho con trai mình.
Đáng tiếc thay, Quan Vũ kiêu ngạo, vốn sẵn khinh thường Tôn Quyền tức giận nói: Hổ nữ sao có thể thành thân khuyển tử (ý chỉ: Khuê nữ nhà Hổ tướng sao có thể gả cho con trai nhà (Tôn Quyền) địa vị thấp kém).
Quan Vũ không lường trước được rằng, câu nói đầy khinh miệt này đã khiến Tôn Quyền ghi hận trong lòng, bề ngoài tỏ ra hòa hoãn, liên minh, nhưng bên trong chờ đợi cơ hội báo thù, nhẫn nhịn chờ thời. Mối quan hệ giữa Đông Ngô và Kinh châu rạn nứt từ đó. Đây có thể nói là tình huống mà Gia Cát Lượng đã nhìn thấu từ trước đó, nên mới có 8 chữ quý giá nhắn nhủ kia.
Kết cục, năm 220, Tôn Quyền hạ lệnh cho Lã Mông mang quân đánh úp Kinh Châu trong khi Quan Vũ dồn toàn lực đánh Tào Tháo ở phía Bắc. Kết quả, cha con Quan Vũ bị bắt sống, toàn bộ Kinh Châu rơi vào tay Tôn Quyền. Chiến tích vang chấn thiên hạ này khiến tên tuổi của Lã Mông thăng hạng.
Ngược lại, sau khi bắt sống cha con Quan Vũ, Tôn Quyền lập tức hạ lệnh xử tử không thương tiếc. Đầu của Quan Vũ trở thành "tế phẩm" cầu hòa của Tôn Quyền với Tào Tháo; đồng thời cũng là cách Tôn Quyền rửa hận năm xưa.
Quan Vũ trọng nghĩa, trọng tình nên xem thường Mã Siêu, Hoàng Trung?
Trở lại những năm trước, thời các mãnh tướng của Thục Hán được sắc phong Ngũ hổ tướng. Trong Tam Quốc Diễn Nghĩa, Ngũ hổ tướng Thục Hán bao gồm: Quan Vũ, Trương Phi, Triệu Vân, Mã Siêu, Hoàng Trung.
Trong đó, Quan Vũ võ công uy chấn thiên hạ, trung nghĩa hiếm ai sánh bằng nên đứng đầu danh sách này. Đây cũng là một phần khiến huynh đệ kết nghĩa của Lưu Bị thêm phần kiêu ngạo.
Dù thuộc hàng 5 chiến tướng vang danh thiên hạ của chủ công Lưu Bị nhưng Quan Vũ vẫn tỏ rõ vẻ coi thường Hoàng Trung, Mã Siêu - dù cả hai đều là những mãnh tướng góp công lớn cho Lưu Bị. Chỉ duy nhất một người được Quan Vũ coi trọng (tất nhiên không tính huynh đệ kết nghĩa Trương Phi) là Triệu Vân. Tại sao vậy?
Thứ nhất, Quan Vũ công nhận "Triệu Vân đã theo huynh trưởng của ta từ rất lâu". Thực vậy, trong số rất nhiều danh tướng của Lưu Bị, ngoài Quan Vũ và Trương Phi, thì Triệu Vân là người đi theo phò tá Lưu Bị lâu nhất.
Bộ ba Triệu Vân, Quan Vũ và Trương Phi đã cùng nhau vào sinh ra tử, một lòng phò tá Lưu Bị nên khi Mã Siêu và Hoàng Trung gia nhập Ngũ hổ tướng có đôi phần lạc lõng.
Triệu Vân quen biết Lưu Bị thời còn theo Công Tôn Toản. Trong trận Xích Bích mùa đông năm 208, chiến tướng mặc trường bào trắng, cưỡi bạch mã đã không ngại khó mà tả xung hữu đột đã khiến Lưu Bị hết mực khâm phục. Có thể nói, Triệu Vân đã hết lòng vì Lưu Bị, sẵn sàng xả thân vì chủ công từ những ngày Lưu Bị chưa xưng đế.
Do đó, Triệu Vân được Quan Vũ hết mực coi trọng. Hơn hẳn hai chiến tướng là Hoàng Trung và Mã Siêu - vốn là hai người đầu hàng Lưu Bị rồi gia nhập Ngũ hổ tướng sau.
Thứ hai, Quan Vũ kiêu ngạo, luôn tỏ vẻ cao ngạo, khinh thường cấp dưới. Quan Vũ tỏ rõ sự bất mãn với Mã Siêu khi biết rằng Mã Siêu không màng đến an toàn của thân nhân mà nổi dậy chống lại Tào Tháo khiến Mã Đằng (cha Mã Siêu), Mã Thiết (em trai) và nhiều người khác bị Tào Tháo giết chết. Đây là điều "đại kỵ" với một mãnh tướng vốn tận trung, tận nghĩa như Quan Vũ.
Đối với Hoàng Trung, sở dĩ Quan Vũ không hài lòng với Hoàng Trung là vì cho rằng Hoàng Trung đã lớn tuổi, công lao kém xa mình, lại còn là tướng dưới trướng Tào Tháo nhưng lại đầu hàng Lưu Bị khi Tào thất thế trong trận Xích Bích.
Hoàng Trung khi được sắc phong Ngũ hổ tướng, Quan Vũ cũng bất mãn mà nói rằng: "Đại trượng phu không cùng hàng ngũ với lão tốt".
Thứ ba, tuy Quan Vũ, Triêu Vận, Trương Phi, Mã Siêu, Hoàng Trung được gọi chung là Ngũ hổ tướng nhưng địa vị không ngang hàng nhau.
Sau khi Lưu Bị xưng đế liền phong cho Quan Vũ là Tiền tướng quân, Trương Phi là Hữu tướng quân, Mã Siêu là Tả tướng quân và Hoàng Trung là Hậu tướng quân. Riêng Triệu Vân không được sắc phong.
Lưu Bị rất tin tưởng Triệu Vân và vô cùng cảm kích chiến tướng này khi một mình xông vào quân địch cứu lấy Lưu Thiện (con trai Lưu Bị) và gia quyến cho Lưu Bị nhưng Hoàng đế Thục Hán không giao cho Triệu Vân trọng trách lớn, có lẽ là vì Lưu Bị muốn giữ Triệu Vân ở bên cạnh mình làm hướng hầu cận, canh giữ sự an nguy của chủ công và thân quyến.
Hay thay, Triệu Vân lại là người không màng danh vọng mà một lòng trung thành, tận trung, tận nghĩa. Điều này, Quan Vũ nhìn thấy rất rõ nên dù võ công, địa vị của Triệu Vân có không sánh bằng mình cũng không mảy may xem nhẹ.
Tham khảo: Baidu, 163, Sohu