Cúng ông Công ông Táo nên dùng cá chép thật hay giấy để đúng phong tục?

BÍCH HÀ |

Không ít gia đình băn khoăn, trong lễ cúng ông Công ông Táo, nên dùng cá chép thật hay cá chép giấy để tiễn các Táo về chầu trời? Nếu là cá chép thật thì cần chuẩn bị bao nhiêu con là đủ?

Vì sao mâm cỗ cúng ông Công ông Táo phải có cá chép?

Theo tục lệ, cứ đến ngày 23 tháng Chạp hàng năm, các gia đình người Việt lại tất bật sửa soạn cúng Táo Quân (còn gọi là cúng ông Công ông Táo).

Vào ngày này, mọi người sẽ chuẩn bị dọn dẹp nhà cửa, ban thờ sao cho gọn gàng, sạch sẽ, làm một mâm cỗ mặn, ba bộ quần áo bằng vàng mã, cá chép và hương hoa tiễn ông Táo lên chầu trời.

Nhưng vì sao mâm cỗ cúng lại có cá chép? Giải thích điều này, GS-TS Nguyễn Chí Bền - Ủy viên Hội đồng di sản văn hóa Quốc gia - cho biết, theo tâm thức dân gian, khi các Táo về trời cần phải có phương tiện để đi lại. 

Trong dân gian vẫn lưu truyền câu nói “cá chép vượt vũ môn” hay “cá chép hóa rồng”, chỉ có cá chép mới bay được lên trời.

Ngoài ra, trong tâm thức người Việt, “cá vượt vũ môn” còn mang ý nghĩa của sự thăng hoa, biểu tượng của tinh thần vượt khó, sự kiên trì, bền chí chinh phục tri thức để đi tới thành công.

Vì lý do này, nên trong mâm cỗ cúng ông Công ông Táo của người Việt nhất định phải có cá chép.

Cúng ông Công ông Táo nên dùng cá chép thật hay giấy để đúng phong tục? - Ảnh 1.

GS-TS Nguyễn Chí Bền - Ủy viên Hội đồng di sản văn hóa Quốc gia.

Cúng cá chép giấy có được không?

Theo GS Nguyễn Chí Bền, trước đây và cả bây giờ, ở các vùng quê, người dân vẫn dùng cá chép giấy, tức là đồ mã, cùng với mũ áo và mâm cỗ mặn để cúng ông Công ông Táo. 

Sau một tuần hương, người dân sẽ đem cá chép giấy và mũ áo đi hóa.

Dân gian quan niệm, sau khi hóa, ông Công ông Táo sẽ cưỡi cá chép bay lên trời, báo cáo với Ngọc Hoàng về tình hình trong năm qua và xin cho gia chủ có một năm mới bình an, no ấm.

GS Nguyễn Chí Bền cho rằng cúng ông Công ông Táo bằng cá chép giấy hay cá thật đều được.

Cúng ông Công ông Táo nên dùng cá chép thật hay giấy để đúng phong tục? - Ảnh 2.

Đồng quan điểm, GS Ngô Đức Thịnh (Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam) cho rằng, nếu gia đình nào có điều kiện thì có thể dùng cá chép thật, sau đó thực hiện tục lệ thả phóng sinh, còn không thì có thể dùng cá chép giấy.

Ngoài ra, nếu dùng cá chép thật sẽ mang ý nghĩa tạo công ăn việc làm, thu nhập cho người dân. Vì hiện nay có những làng nghề nuôi cá chép, phục vụ cho ngày lễ ông Công ông Táo.

Cúng ông Công ông Táo cần mấy con cá chép?

Theo tích xưa kể lại, Táo quân gồm 3 vị, 2 Táo ông và 1 Táo bà. Cũng có nơi cho rằng 3 vị Táo quân ở đây là Thổ Công, Thổ Địa và Thổ Kỳ, chuyên coi sóc chuyện trong nhà của gia đình.

Khi sắm đồ lễ, gia đình thường sắm 3 bộ mũ áo cho các Táo. Tương tự, khi sắm cá chép giấy thì cũng nên có 3 con cá chép giấy. Nếu dùng cá chép thật thì cũng chỉ nên mua 3 con.

Theo GS Nguyễn Chí Bền, hiện nay có tình trạng “phú quý sinh lễ nghĩa”. 

Có gia đình đốt quá nhiều vàng mã, việc làm này không chỉ tốn kém tiền của, mà còn ảnh hưởng rất lớn đến môi trường sống. 

Có người lại cho rằng thả càng nhiều cá chép, hay cá chép càng to, càng quý hiếm càng tốt.

“Việc này không đúng, thực ra nhiều nhất chỉ 3 con là đủ. Lễ nào cũng vậy, quan trọng nhất là tấm lòng thành, chứ không phải mâm cao cỗ đầy, càng nhiều lễ vật thì càng thiêng” – GS Nguyễn Chí Bền khẳng định.

Ông cũng cho rằng khi thắp hương cúng, các gia đình nên chú ý chỉ thắp nhiều nhất là 3 nén. 

Để có một cái Tết ông Công ông Táo thật đẹp và ý nghĩa, mỗi người dân cũng cần nâng cao ý thức, đặc biệt là vấn đề bảo vệ môi trường. Khi thả cá  nên tránh việc xả rác ra sông, hồ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại