Cùng mua S-400, Trung Quốc bị phạt nhưng Ấn Độ chỉ bị dọa: Logic cuộc chơi chính trị

Đại sứ Trần Đức Mậu |

Cùng là việc mua vũ khí của Nga và hàng hoá cùng là hệ thống tên lửa phòng không kia nhưng Trung Quốc mua và Ấn Độ mua lại là hai chuyện hoàn toàn khác nhau.

Logic 

Mấy ngày sau khi Ấn Độ và Nga ký kết thoả thuận về việc Ấn Độ mua hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga nhân chuyến thăm Ấn Độ mới rồi của tổng thống Nga Vladimir Putin, tổng thống Mỹ Donald Trump đã có phát biểu được không ít người ở bên ngoài hiểu theo hướng ông Trump doạ sẽ trừng phạt Ấn Độ về việc này. 

Cách hiểu ấy không hẳn phi logic bởi ở nước Mỹ có hẳn một bộ luật về việc Tổng thống có quyền - hoặc uỷ quyền cho Bộ trưởng Quốc phòng - quyết định và áp dụng những biện pháp trừng phạt quốc gia hay tổ chức hoặc cá nhân nào đó mua vũ khí của Nga và bởi ông Trump đã quyết định trừng phạt Trung Quốc về việc Trung Quốc mua vũ khí của Nga, trong đó có chính hệ thống tên lửa phòng không S-400 kia.

Theo logic ấy, phía Mỹ hiện đã chuẩn bị sẵn cơ sở pháp lý cho việc trừng phạt, nên có trừng phạt Ấn Độ hay không chỉ còn là quyết định hành pháp thuần tuý. 

Chỉ có điều là ở trong trường hợp này, logic của cuộc chơi chính trị quyền lực thế giới không phải khi nào và trong mọi chuyện cũng đều giống như logic của thực tiễn đời sống của con người.

Ngay từ trước khi ông Putin và thủ tướng Ấn Độ đặt bút ký kết thoả thuận mua bán hệ thống tên lửa phòng không S-400 trị giá 5,43 tỷ USD, chuyện này đã gây ồn ào và câu hỏi liệu Mỹ có trừng phạt Ấn Độ hay không đã được đặt ra. 

Và phản logic

Cùng là việc mua vũ khí của Nga và hàng hoá cùng là hệ thống tên lửa phòng không kia, nhưng Trung Quốc mua và Ấn Độ mua lại là hai chuyện hoàn toàn khác nhau. 

Cái phản logic của chuyện này chính ở chỗ đó và đấy cũng là cái cốt lõi nhất của câu trả lời cho câu hỏi trên. 

Phía Mỹ nói chung và cá nhân ông Trump không thể im lặng trước việc Ấn Độ mua loại vũ khí kia của Nga sau khi đã trừng phạt Trung Quốc nhưng rồi có trừng phạt Ấn Độ thật hay không lại là chuyện hoàn toàn khác. 

Trung Quốc bị Mỹ coi là đối thủ phải đối phó và đối tác phải ganh đua chiến lược trong khi Mỹ lại phải hết sức tranh thủ Ấn Độ. Mỹ hiện rất găng với Trung Quốc trong khi quan hệ của Mỹ với Ấn Độ hiện rất tốt đẹp. 

Giữa đối thủ chiến lược (giữa Trung Quốc và Mỹ) với đối tác chiến lược (giữa Mỹ và Ấn Độ) có sự khác biệt cơ bản không chỉ về khoảng cách giữa các cấp độ quan hệ mà còn cả về bản chất của mối quan hệ. 

Mỹ hiện gây chuyện với Trung Quốc trên mọi lĩnh vực trong khi thúc đẩy hợp tác với Ấn Độ trên mọi lĩnh vực. 

Trừng phạt và gây hấn với Trung Quốc, Mỹ biết là sẽ đẩy Trung Quốc và Nga vào tình trạng co cụm lại với nhau chặt chẽ hơn nhưng Mỹ không vì thế mà phải lo ngại sâu sắc hơn bởi Nga và Trung Quốc hiện vừa là đối tác chiến lược và lại còn chẳng khác gì đồng minh chiến lược của nhau. 

 Trong khi đó, Ấn Độ có quan hệ đối tác truyền thống với Nga và cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc, tức là Mỹ có lợi ích chiến lược hiện tại cũng như lâu dài với việc phân rẽ Ấn Độ với Nga và tranh thủ Ấn Độ về phe mình cùng đấu Trung Quốc. 

Cùng mua S-400, Trung Quốc bị phạt nhưng Ấn Độ chỉ bị dọa: Logic cuộc chơi chính trị - Ảnh 3.

Ấn Độ còn là nước mua rất nhiều vũ khí và thiết bị quân sự của Mỹ. Đối với Mỹ, đẩy Ấn Độ về phía Nga hiện còn nguy hại hơn trước so với việc đẩy Trung Quốc về phía Nga.

Những phát biểu được hiểu là Mỹ sẽ trừng phạt Ấn Độ của ông Trump thật ra không rõ ràng và cụ thể, để cho ai hiểu như thế nào cũng được và không gay gắt, quyết liệt. 

Rõ ràng là người này nói ra như thế vì không thể không nói gì chứ không nghĩ như thế. 

Hơn nữa, Ấn Độ và Nga mới chỉ vừa ký kết thoả thuận. Phải mất vài năm nữa và phải thực hiện đúng thoả thuận - tức là trong trường hợp thuận lợi nhất - thì hệ thống tên lửa phòng không kia mới được triển khai ở Ấn Độ. Từ nay đến thời điểm ấy ngắn nhất cũng phải 2 năm và như thế đủ dài để cho nhiều chuyện khác nữa xảy ra khiến cho thoả thuận kia chưa chắc đã được thực hiện.

Nói theo cách khác, trừng phạt Ấn Độ bây giờ phản tác dụng nhiều hơn là tác dụng đối với Mỹ. Cho nên nói sẽ nhưng chưa làm để rồi không làm mới là thượng sách đối với Mỹ.

Tiêu đề do tòa soạn đặt lại.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại