Hàng ngày, hầu như gia đình nào cũng sử dụng gạo trắng để làm ra bữa cơm ngon cho gia đình. Chúng là thực phẩm chính trong nhiều nền văn hóa và có nhiều lợi ích dinh dưỡng, chẳng hạn như cung cấp năng lượng, dễ tiêu hóa, cung cấp một số dưỡng chất thiết yếu… và đặc biệt là có giá thành hợp lý.
Tuy nhiên, theo Melissa Mitri - chủ tịch Học viện Dinh dưỡng và Ăn kiêng tại Mỹ, khuyên bạn nên dùng thêm gạo lứt vì chúng bổ dưỡng gấp mấy lần gạo trắng. Bởi trong quá trình chế biến, loại gạo này chỉ có lớp vỏ tàu được loại bỏ, còn lại đều được giữ hết nên sẽ giàu vitamin và khoáng chất hơn hẳn.
Lợi ích của gạo lứt
Hay còn được gọi là gạo nâu, chúng như một loại ngũ cốc nguyên hạt, sau quá trình xay xát chỉ loại bỏ phần vỏ bên ngoài, vẫn giữ nguyên lớp cám và mầm. Vì vậy, gạo lứt thường chứa nhiều dinh dưỡng như chất xơ, magie, sắt, thiamine và kẽm. Hơn nữa, chỉ số đường huyết của gạo lứt cũng thấp hơn so với gạo trắng.
Theo nhiều nghiên cứu cho thấy, chất xơ trong gạo lứt thường nhiều hơn gạo trắng từ 1-3g. Chúng không chỉ giúp tăng cường quá trình tiêu hóa, loại bỏ độc tố ra khỏi cơ thể, giảm nguy cơ mắc bệnh đường ruột… mà còn có khả năng điều hòa đường huyết. Từ đó ngăn chặn những biến chứng và phòng ngừa bệnh tiểu đường.
Bên cạnh đó, chất xơ trong gạo lứt cũng hỗ trợ quá trình kiểm soát cân nặng. Khi ăn thực phẩm giàu chất xơ như gạo lứt, bạn cảm thấy no lâu hơn, giúp giảm cảm giác thèm ăn và hạn chế tiêu thụ calo dư thừa. Từ đó ngăn ngừa tăng cân và giảm nguy cơ béo phì, giúp bạn giữ dáng hiệu quả hơn.
Hơn thế nữa, gạo lứt còn sở hữu một số lợi ích tuyệt vời khác như sau:
- Cải thiện làn da, giúp da sáng mịn
Gạo lứt là nguồn cung cấp phong phú các vitamin thiết yếu cho làn da như vitamin B1, B3, và B6… Chúng rất quan trọng cho quá trình tái tạo và bảo vệ làn da, tăng cường tuần hoàn máu và bổ sung dưỡng chất cho da. Nếu ăn đều độ, gạo lứt sẽ cải thiện độ ẩm và làm mờ các vết thâm, giữ làn da luôn tươi trẻ.
Chưa hết, gạo lứt còn chứa nhiều chất chống oxy hóa như phenolic và flavonoid, giúp bảo vệ da khỏi các tổn thương do gốc tự do gây ra - một trong những nguyên nhân chính gây lão hóa da, làm giảm độ đàn hồi và xuất hiện các nếp nhăn. Những chất này sẽ giúp ngăn chặn quá trình lão hóa da, bảo vệ da luôn rạng rỡ.
- Tăng cường chức năng gan, bảo vệ gan
Gạo lứt là nguồn giàu khoáng chất như selen và kẽm - những chất quan trọng cho sức khỏe của gan. Selen có khả năng chống oxy hóa mạnh mẽ, giúp giảm viêm và bảo vệ gan khỏi tổn thương. Kẽm hỗ trợ quá trình phân chia và phục hồi tế bào gan, giúp gan nhanh chóng phục hồi sau tổn thương, duy trì chức năng.
Ngoài ra, nhờ hàm lượng chất xơ cao, gạo lứt giúp điều hòa mức cholesterol bằng cách giảm hấp thụ cholesterol xấu (LDL) từ thức ăn và tăng cường đào thải cholesterol qua đường tiêu hóa. Điều này giúp giảm áp lực cho gan và ngăn ngừa các bệnh gan liên quan đến cholesterol như gan nhiễm mỡ, xơ gan...
- Ngăn ngừa sỏi thận
Gạo lứt giúp duy trì pH cân bằng bằng cách cung cấp các hợp chất kiềm tự nhiên, giúp giảm tính axit của nước tiểu. Nước tiểu quá axit có thể dẫn đến sự hình thành sỏi uric hoặc sỏi canxi oxalate. Vậy nên ăn gạo lứt thường xuyên sẽ giúp ngăn ngừa và giảm nguy cơ hình thành sỏi thận.
Thêm vào đó, chất xơ trong gạo lứt cũng giúp tăng cường khả năng bài tiết của thận, đảm bảo các chất cặn bã và độc tố được loại bỏ khỏi cơ thể một cách hiệu quả. Vậy nên hãy tranh thủ ăn gạo lứt để phòng ngừa bệnh tật.
- Chống ung thư
Như đã đề cập, các hợp chất chống oxy hóa như polyphenol và flavonoid trong gạo lứt giúp bảo vệ tế bào khỏi sự tổn thương do gốc tự do, từ đó giảm nguy cơ phát triển các loại ung thư. Các chất xơ trong gạo lứt cũng giúp loại bỏ các chất gây ung thư khỏi đường tiêu hóa, giảm nguy cơ mắc các loại ung thư đường ruột.
- Nâng cao sức khỏe hệ thần kinh
Gạo lứt chứa các vitamin B và chất chống oxy hóa giúp bảo vệ các tế bào thần kinh, cũng như cải thiện chức năng não bộ. Điều này giúp giảm nguy cơ các bệnh lý thần kinh như Alzheimer và Parkinson, đồng thời cải thiện trí nhớ, khả năng tập trung.
Những lưu ý khi ăn gạo lứt
Gạo lứt được biết đến là thực phẩm có dồi dào dinh dưỡng, đem lại nhiều lợi ích dành cho sức khỏe nên nhiều người thường dùng gạo lứt để thưởng thức mỗi ngày. Tuy nhiên, gạo lứt sẽ chỉ tốt nếu bạn ăn đúng cách, cho nên hãy lưu ý một vài điều sau khi sử dụng loại thực phẩm này:
- Không nên ăn cơm gạo lứt để quá lâu, không hâm cơm gạo lứt nhiều lần vì chất dinh dưỡng sẽ bị suy giảm và khó ăn, thậm chí gây hại cho sức khỏe.
- Bên ngoài gạo lứt có lớp áo hạt dai nên trước khi nấu, bạn cần ngâm gạo trong nước khoảng 30 phút đến vài giờ cho mềm, giúp cơm dễ nấu chín mềm hơn. Đồng thời,khi nấu cũng cần cho nhiều nước, vì đặc tính của gạo lứt hút nước nhiều hơn so với gạo trắng thông thường.
- Như bất kì loại thực phẩm nào khác, gạo lứt chỉ tốt nếu bạn ăn với mức vừa phải. Nếu ăn quá nhiều gạo lứt sẽ gây khó tiêu, cản trở hấp thụ dinh dưỡng.
- Một số người thường cho rằng ăn gạo lứt sẽ tốt cho sức khỏe hơn là ăn gạo tẻ, gạo trắng nhưng đây là điều sai lầm. Theo khuyến cáo của các chuyên gia, bạn chỉ nên ăn 2-3 lần gạo lứt mỗi tuần.
Theo Eatthis, Healthline