Một trong những thách thức lớn đối với thiết kế smartphone toàn màn hình là tìm ra vị trí đặt cảm biến vân tay để không ảnh hưởng đến tính tối giản của thiết bị nhưng vẫn đảm bảo thuận tiện cho người dùng.
Trong khi Apple chọn cách loại bỏ hẳn nó đi để sử dụng bảo mật gương mặt, các nhà sản xuất Android vẫn tin rằng vân tay là giải pháp hữu ích hơn cho người dùng và vì vậy, họ đều tích cực tìm ra một vị trí tối ưu cho nó.
Công nghệ cảm biến quang học dưới màn hình chính là lời giải cho câu hỏi đau đầu đó, khi cảm biến vân tay vẫn nằm ngay trước mặt người dùng nhưng lại không hề làm ảnh hưởng đến tính tối giản của thiết kế. Chính vì vậy, không khó hiểu tại sao từ năm đầu năm 2018 đến nay, hàng loạt flagship đã được trang bị công nghệ này.
Đại diện gần đây nhất là Huawei Mate 20 Pro, với cảm biến vân tay được đánh giá khá cao khi hoạt động chính xác và chỉ chậm hơn khoảng 0,5 giây so với các cảm biến khác.
Những nhược điểm của cảm biến vân tay quang học dưới màn hình
Tuy nhiên, đây chưa phải là giải pháp hoàn hảo. Với nguyên lý sử dụng quang học để chiếu sáng vân tay khi đặt lên màn hình, tốc độ nhận diện của loại cảm biến này sẽ chậm hơn so với cảm biến vân tay thông thường. Hơn nữa độ chính xác khi hoạt động còn bị ảnh hưởng nếu màn hình và tay người dùng bị bẩn (có thể do mồ hôi trên ngón tay).
Không những vậy, người dùng phải đặt ngón tay của mình chính xác vào một khoảng hẹp trên màn hình để cảm biến nhận diện chính xác nhất. Do vậy nếu sử dụng trong bóng tối, người dùng sẽ phải mất không ít thời gian để xác định vị trí cần đặt ngón tay và mở khóa.
Nhưng nhược điểm lớn nhất của cảm biến vân tay quang học dưới màn hình là nó hoàn toàn có thể bị qua mặt bằng các ảnh chụp 2D cho dấu vân tay của người dùng.
Cảm biến vân tay quang học trên smartphone Vivo.
Mặc dù vậy, so với giải pháp đặt cảm biến vân tay ở mặt lưng, cảm biến vân tay quang học dưới màn hình vẫn là một giải pháp tốt hơn về mặt thiết kế và không khó hiểu tại sao nó đang được áp dụng phổ biến trên các flagship của năm 2018.
Giải pháp cảm biến vân tay dưới màn hình toàn diện hơn
Nhưng chiếc flagship mở màn của đầu năm 2019, Samsung Galaxy S10, sắp mang tới một giải pháp trọn vẹn cho tính năng cảm biến vân tay trên smartphone toàn màn hình. Nhiều nguồn tin rò rỉ khẳng định, Samsung sẽ hợp tác với Qualcomm để lần đầu tiên ra mắt công nghệ cảm biến vân tay siêu âm dưới màn hình thế hệ thứ 3 trên Galaxy S10.
Khác với cảm biến vân tay quang học, công nghệ cảm biến vân tay siêu âm trên Galaxy S10 sử dụng sóng siêu âm để dựng lên hình ảnh 3D chính xác cho vân tay người dùng. Nhờ vậy, nó khó có thể bị làm giả giống như các dấu vân tay 2D sử dụng trong cảm biến vân tay quang học dưới màn hình.
Việc dùng siêu âm để quét dấu vân tay còn mang lại một ưu điểm khác: nó vẫn hoạt động chính xác ngay cả khi ngón tay người dùng bị bám mồ hôi hay các yếu tố bên ngoài tác động lên màn hình. Dựa vào bản đồ chi tiết 3D về dấu vân tay người dùng, hệ thống máy quét có thể hoạt động nhanh và chính xác đến mức bạn gần như không phải quẹt mà chỉ cần chạm vào màn hình.
Các thông tin rò rỉ cũng xác nhận về điều này khi mới đây một leaker chuyên theo dõi các thông tin về Samsung, IceUniverse còn tiết lộ thêm một chi tiết hấp dẫn về hệ thống quét vân tay dưới màn hình trên Galaxy S10: nó sẽ có tốc độ nhanh hơn 30% và vùng quét vân tay trên màn hình rộng hơn nhiều so với cảm biến vân tay quang học.
Sự hoàn thiện của công nghệ cảm biến vân tay siêu âm dưới màn hình cũng đang khiến ngay cả Apple cũng cân nhắc việc đưa công nghệ nhận dạng vân tay quay trở lại chiếc iPhone mới của mình.
Các tin đồn rò rỉ cho biết, Apple đang xem xét cảm biến vân tay siêu âm từ những nhà cung cấp như O-film, GIS và TPK Holding – đây cũng chính là những nhà cung cấp cảm biến vân tay siêu âm cho Samsung.