Súng tiểu liên AK Bullpup từ Armenia và Ukraine...
Súng trường tấn công K-3 của Armenia.
Được thiết kế vào năm 1996, súng trường tấn công K-3 dựa trên súng trường tấn công tiêu chuẩn AK-74 (hay còn gọi là súng tiểu liên AK) của Liên Xô và các nước thuộc khối Warsaw với tham vọng tự chủ hóa vũ khí của Armenia.
Theo các nhà thiết kế, khẩu súng này được thiết kế theo kiểu Bullpup, với chi phí rẻ hơn, độ chính xác cao hơn và giảm thiểu độ giật hơn so với các phiên bản AK Bullpup được Nga sản xuất dành riêng cho lực lượng đặc nhiệm.
Súng trường K-3 được tuyên bố đưa vào trang bị trong quân đội Armenia vào năm 1999, tuy nhiên cho tới hiện tại, K-3 đã không đạt được mục tiêu thay thế các phiên bản AK cũ để trở thành súng trường chủ lực của quân đội (Armenia trang bị AKM 7.62x39mm và AK-74/AK-74M 5.45x39mm).
Chúng chỉ xuất hiện trong trang bị của các đơn vị đặc nhiệm Armenia. Việc sản xuất K-3 cũng đã bị ngưng và Armenia cũng không có ý định xuất khẩu K-3 cho mục đích quân sự lẫn dân sự.
K-3 có nguyên lý vận hành giống với AK-74 tiêu chuẩn, tuy nhiên do thiết kế Bullpup nên toàn bộ khóa nòng và hộp tiếp đạn đều được lắp phía sau cò súng hay nói cách khác là ở ngay sát mặt của xạ thủ khi ngắm bắn.
Thiết kế này giúp cho hộp khóa nòng và báng súng nhập làm một, vì thế nó không cần tốn không gian để phải có báng súng dài như các thiết kế thông thường.
Điều này khiến cho chiều dài tổng thể của súng ngắn hơn nhưng nòng súng vẫn thế, nên không những giữ nguyên được độ chính xác mà còn giúp tăng tính cơ động và làm trọng lượng trở nên nhẹ hơn.
Dù vậy, thiết kế Bullpup trên nền AK của K-3 vẫn gặp phải nhược điểm nghiêm trọng khi các vỏ đạn rỗng sau khi khai hỏa văng sang phải, khiến việc khai hỏa với báng súng tì vào vai trái khiến xạ thủ bị vỏ đạn văng vào ngực.
Thước ngắm được thiết kế trên một vị trí cao hơn. Nòng súng được sửa đổi để có khả năng phóng được lựu đạn phân mảnh 3K-3 cũng được phát triển ở Armenia.
Tuy nhiên khác với các phiên bản AK khác (các khẩu M-70 của Nam Tư cũ) phải sử dụng loại đạn riêng để hỗ trợ phóng lựu đầu nòng, việc phóng lựu đạn bằng súng trường vẫn có thể sử dụng loại đạn 5.45x39mm thông thường.
K-3 được bổ sung một ray để gắn phụ kiện như kính ngắm quang học PSO-1 4X, cũng được sản xuất ở Armenia.
Khẩu tiểu liên K-3 thất bại tại Armenia có thể lý giải là do tuy tự phát triển và sản xuất một loại súng có thiết kế của riêng mình mặc dù là điều đáng khen ngợi (đặc biệt là với một quốc gia nhỏ như Armenia) nhưng hầu hết các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ đều có kho dự trữ AKM và AK-74 dồi dào nên nhu cầu mua súng mới là không đáng kể.
Nếu Quân đội các nước này không tiếp tục sử dụng các loại vũ khí được kế thừa miễn phí mà phải đầu tư sản xuất thì hoàn toàn giống như đang đi ngược dòng nước và gây lãng phí.
Điều đó giải thích lý do tại sao phần lớn các lực lượng vũ trang Armenia vẫn được trang bị các biến thể tốt nhất từng được trang bị trong quân đội Liên Xô thuộc dòng súng AK bắn các loại đạn 7.62x39mm và 5.45x39mm.
Súng trường tấn công Vepr bắn đạn 5.45x39mm của Ukraina.
Sau khi Liên Xô sụp đổ, và rất xa trước khi các sự kiện xảy ra tại Crimea và Novorussia, Ukraine đã cố gắng chứng minh sự độc lập của mình bằng mọi cách có thể.
Trong suy nghĩ của người Ukraine, nếu nước này không sản xuất và trang bị được các loại vũ khí theo thiết kế của riêng họ, nền độc lập của quốc gia từng thuộc Liên Xô cũ này sẽ không bao giờ hoàn chỉnh. Ukraine đã cố chứng minh sự độc lập của mình theo cách này.
Hóa ra, có rất nhiều người ở Ukraine có những ý tưởng khá độc đáo về thiết kế súng trường tiến công, cùng với việc nước này có một nền tảng khoa học kỹ thuật và nền công nghiệp nặng phát triển khiến việc sản xuất một loại súng mới trở nên dễ dàng.
Phiên bản Ukraine của AK Bullpup được đặt tên là Vepr. Mẫu súng này được giới thiệu vào năm 2003, và được phát triển bởi Trung tâm Khoa học và Kỹ thuật Chính xác thuộc Cơ quan Vũ trụ Quốc gia Ukraine.
Vào thời điểm giới thiệu, có những câu chuyện đùa liên quan tới Súng trường Vepr, đặc biệt là do tên đơn vị phát triển nó.
Phổ biến nhất là câu chuyện cho rằng Vepr có thể là một khẩu súng được thiết kế cho các cuộc chiến ngoài hành tinh.
Tuy nhiên, khi gạt các trò đùa qua một bên, khẩu Vepr hóa ra không có gì đáng cười.
Khi Vepr được giới thiệu, người ta đã liên tưởng nó với khẩu súng trường tấn công khét tiếng hiệu quả trong chiến tranh đô thị tại Chechnya dành cho đặc nhiệm của Nga, OTs-14 Groza.
Súng trường tấn công OTs-14 Groza bắn đạn 9x39mm được thiết kế dựa theo yêu cầu một vũ khí tầm gần cho tác chiến trên chiến trường Chechnya của Bộ Nội Vụ Nga và trang bị cho lực lượng đặc biệt.
Tương tự như khẩu Groza, súng trường Vepr của Ukraine dựa trên thiết kế của AK-74 và cũng giống như Groza, Vepr bổ sung một số tính năng tác chiến với thiết kế Bullpup.
Điểm khác biệt quan trọng với Groza đó là Vepr không sử dụng đạn 9x39mm hay 7.62x39mm, mà sử dụng đạn 5,45x39mm.
Súng trường Vepr có sự tương thích (lắp lẫn) các bộ phận cơ khí của AK-74. Điều này trở nên tối quan trọng đối với Ukraine vì họ được thừa hưởng số lượng khổng lồ súng trường AK-74 sau khi Liên Xô sụp đổ.
Các khẩu AK từ thời Liên Xô đã trở thành nguồn cung nòng súng cho loại súng mới, và một nguồn linh phụ kiện để lắp ráp gần như vô tận. Vepr giữ lại gần như hoàn toàn các đặc tính của khẩu AK-74 nhưng lại nhỏ gọn hơn nhiều. Ngoài ra nó còn có một số lợi thế so với phiên bản gốc của Liên Xô.
Vepr sử dụng hộp tiếp đạn mới với lò xo nhẹ hơn và thiết kế Bullpup tạo ra độ chính xác tốt hơn khi khai hỏa ở chế độ liên thanh.
Vepr cũng có một số cải tiến về chốt an toàn được đặt phía trên cò súng, đây là một cải tiến đáng kể nếu so với AK tiêu chuẩn.
Ngoài ra, chi tiết thiết kế quan trọng ảnh hưởng tới độ tin cậy của Vepr là cụm cò súng và tay cầm không hoàn toàn liên kết với nòng súng. Thiết kế này đóng một vai trò quan trọng trong việc cải thiện độ chính xác của súng.
Các thiết kế của Vepr ban đầu vẫn sử dụng thước ngắm cơ khí AK, nhưng khi đường ngắm bị giảm, người Ukraine đã quyết định sửa đổi. Cả thước ngắm lẫn đầu ruồi đều được gắn cao hơn và trên các khẩu Vepr thường được lắp sẵn các kính ngắm quang học thay thế cho thước ngắm cơ khí.
Vepr được phát triển để có thể gắn thêm súng phóng lựu tương tự như khẩu Groza của Nga. Tuy vậy súng phóng lựu GP-25 không tương thích với thiết kế bullpup và người Ukraina phải sửa đổi để súng phóng lựu để lắp được vào khẩu Vepr.
Kết quả được cho là khá bất ngờ khi lắp thêm súng phóng lựu, cân bằng của Vepr trở nên ổn định hơn khi khai hỏa. Trọng lượng được phân bố đều hơn, mặc dù trọng lượng tổng thể của súng tăng lên. Một chi tiết thú vị là khi lắp súng phóng lựu, chốt an toàn của súng trường cũng trở thành chốt an toàn cho súng phóng lựu.
Một khẩu AK Bullpup chiến lợi phẩm đang nằm trong tay một binh sĩ chính phủ Syria sau một đợt tấn công bất thành của phiến quân tại Bắc Hama tháng 12 năm 2018.
Tuy nhiên, sau một loạt những tuyên bố trang bị thì cả Vepr lẫn một phiên bản dựa theo thiết kế của súng trường tấn công Hoa Kỳ M4 sử dụng đạn 7.62x39mm của Ukraine là WAC-47 cũng chưa được trang bị đồng loạt cho Quân đội nước này.
Và trong tương lai gần, tương tự như súng trường K-3 của Armenia, số lượng AK-74 dư thừa đã khiến Quân đội Ukraine khó có khả năng thay thế bằng Vepr hay WAC-47.
... tới nhược điểm khiến nó thất sủng trên chiến trường Syria
Năm 2016 trong cuộc triển lãm ADEX tại Baku, Azerbaijan. Ukraine cũng giới thiệu súng trường tấn công Malyuk bắn đạn 7.62x39mm, đây có thể là một biến thể của Vepr nhằm mục đích xuất khẩu.
Lý do chính yếu của thiết kế Bullpup không được ưa chuộng trên các khẩu AK quân sự lẫn dân sự là do thiết kế khiến súng mất đi cân bằng trọng lượng vốn có. Điều này khiến cho người lính phải mất thời gian làm quen với súng mới.
Việc các vỏ đạn rỗng vẫn văng ra bên phải qua khe nhả đạn điển hình của hệ súng AK khiến cho người lính không thể sử dụng khẩu súng này khi đặt báng súng trên vai trái.
Ngay cả đối với một xạ thủ thuận tay phải, ngắm bắn các khẩu AK Bullpup khiến toàn bộ khuôn mặt xạ thủ ở quá gần hộp khóa nòng. Xạ thủ sẽ hít phải lượng thuốc đạn chưa cháy hết thoát ra cùng với vỏ đạn từ khe nhả đạn trong quá trình khai hỏa. Thuốc đạn sẽ gây cản trở hô hấp và tác động vào thị giác của xạ thủ.
Một chiến binh Hồi giáo tại tỉnh Idlib đang cầm khẩu tiểu liên AK bullpup trên tay.
Việc thay thế hộp tiếp đạn giờ trở nên rườm rà, người lính mất khá nhiều thời gian để thay hộp tiếp đạn khi giờ đây nó nằm gọn phía dưới nách xạ thủ. Đây là điểm yếu chết người của tất cả các dòng súng thiết kế Bullpup.
Với thiết kế Bullpup, thước ngắm cơ khí phải thiết kế lại khiến đường ngắm bị rút ngắn, ảnh hưởng tiêu cực đến độ chính xác trong khai hỏa vào các mục tiêu tầm xa.
Tuy các loại kính ngắm hiện đại cũng có thể giải quyết được một phần vấn đề nhưng lại phát sinh thêm vấn đề khác liên quan tới ngân sách.
Trong cuộc xung đột đang diễn ra tại Syria, AK Bullpup được lắp ráp một cách thủ công bởi các chiến binh đối lập và xuất hiện thường xuyên tại các chợ đen.
Hình ảnh súng trường tiến công AK Bullpup tự lắp ráp trở nên quá quen thuộc bên cạnh các chiến binh đối lập nhiều năm qua kể từ cuộc xung đột tại Libya cho đến Syria.
Mặc dù việc tự lắp ráp được coi là một nỗ lực của các chiến binh để cải thiện tính năng xung kích tầm gần, nhưng điểm yếu cơ bản của việc áp dụng thiết kế Bullpup trên súng AK trở nên rõ ràng hơn nhiều khi lắp ráp thủ công.