Được biết, ứng dụng này được công bố vào ngày 8/2. Người dùng có thể quét mã QR thông qua ứng dụng như Alipay, WeChat hoặc QQ để đăng kí.
Sau khi đăng kí bằng số điện thoại, người dùng có thể điền tên, số chứng minh thư (CMT) để biết liệu họ có từng tiếp xúc gần với một người bị nhiễm bệnh hay không. Mỗi số điện thoại có thể dùng để kiểm tra 3 số CMT khác nhau.
Những người đã từng tiếp xúc gần với người nhiễm bệnh sẽ được khuyên ở nhà hoặc liên hệ với cơ quan y tế địa phương.
Ứng dụng này được phát triển nhờ sự hợp tác của Văn phòng Hội đồng Nhà nước, Ủy ban Y tế Quốc gia và Tập đoàn Công nghệ Điện tử Trung Quốc (CETC).
CETC cho biết ứng dụng nhận được sự ủng hộ từ một số cơ quan chính phủ, bao gồm Ủy ban Y tế Quốc gia, Bộ Giao thông, ngành đường sắt và hàng không dân dụng Trung Quốc trong việc đảm bảo nguồn dữ liệu chính xác, chính thống và đáng tin cậy.
Theo Ủy ban Y tế Quốc gia, "tiếp xúc gần" nhằm chỉ những người không mang trang thiết bị bảo vệ sức khỏe hiệu quả khi đã ở sát những bệnh nhân dương tính với dịch virus corona, những trường hợp nghi lây nhiễm, những ca cảm cúm thông thường và có trong những trường hợp dưới đây:
Những người làm việc cùng nhau, học cùng lớp học, sống cùng nhà; các y bác sĩ, thành viên gia đình hoặc những người khác từng tiếp xúc gần với bệnh nhân trong môi trường kín; những bệnh nhân và người chăm sóc ở cùng phòng; những hành khách và nhân viên phục vụ có mặt trên cùng phương tiện với bệnh nhân (đã xác nhận hoặc nghi nhiễm bệnh) và các ca bị lây nhiễm (triệu chứng nhẹ hoặc chưa phát bệnh).
Ví dụ, trên một chuyến bay, tất cả các hành khách cùng hàng hoặc ba hàng phía trước và phía sau của hành khách, cũng như tiếp viên hàng không trên khoang, sẽ được coi là tiếp xúc gần. Các hành khách khác sẽ được coi là "tiếp xúc phổ thông".
Một ví dụ khác của tiếp xúc gần là tất cả các hành khách, nhân viên phục vụ tàu hoạt động trong cùng một toa kín, thông gió bằng điều hòa.