Theo dữ liệu mới nhất vừa được công bố, kinh tế Philippines trong quý 3 ghi nhận mức tăng trưởng chậm nhất trong hơn một năm qua do thời tiết khắc nghiệt làm gián đoạn chi tiêu của chính phủ và làm giảm sản lượng nông nghiệp, càng củng cố thêm lý do nới lỏng chính sách hơn nữa.
Theo đó, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) Philippines tăng 5,2% trong quý 3 , thấp hơn dự báo 5,7% và dưới mục tiêu cả năm là 6-7%. Mặc dù vậy, Philippines kỳ vọng tăng trưởng sẽ lấy lại đà trong quý cuối cùng khi lạm phát giảm và chính sách tiền tệ nới lỏng hơn.
"Chúng tôi hy vọng những biện pháp can thiệp này sẽ thúc đẩy tăng trưởng chi tiêu tư nhân, đặc biệt là đối với các mặt hàng tiêu dùng và đầu tư vào cơ sở hạ tầng", Bộ trưởng Kế hoạch Kinh tế Arsenio Balisacan phát biểu tại một cuộc họp báo.
Sáu cơn bão đổ bộ vào Philippines trong quý 3 đã làm chậm trễ các dự án của Chính phủ quốc gia này và tàn phá mùa màng khiến sản lượng nông nghiệp giảm mạnh nhất trong gần 4 năm, xuống còn 3,7%. Chi tiêu của Chính phủ đã chậm lại đáng kể trong quý 3, chỉ tăng 5% so với mức 11,9% trong quý trước đó,
Ngược lại, sự cải thiện nhẹ trong chi tiêu của người tiêu dùng đã hỗ trợ tăng trưởng cho kinh tế Philippines. Theo đó, chi tiêu tiêu dùng ghi nhận tăng 1,7%, cao hơn kỳ vọng của các nhà kinh tế về mức tăng 1,5 phần trăm và mức tăng 0,7 phần trăm của quý trước. Bên cạnh đó, tiêu dùng nội địa ghi nhận mức tăng 5,1%, cao hơn so với mức tăng 4,7 % của quý 2/2024.
Trước đó, báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội của Tổng cục Thống kê cho thấy, GDP quý 3/2024 ước tính tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,58%, chỉ cao hơn tốc độ tăng của cùng kỳ năm 2021 trong giai đoạn 2020-2024 , đóng góp 4,08% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,11%, đóng góp 48,88%, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo là điểm sáng của nền kinh tế với tốc độ tăng 11,41%, đây là mức tăng cao nhất của cùng kỳ các năm trong 6 năm gần đây ; khu vực dịch vụ tăng 7,51%, đóng góp 47,04%.
Việt Nam và Philippines cũng là những quốc gia sẽ gia nhập hàng ngũ các thị trường mới nổi lớn nhất thế giới vào năm 2035
S&P Global nhận định, khu vực ASEAN được kỳ vọng sẽ vẫn là một trong những khu vực tăng trưởng nhanh nhất của nền kinh tế thế giới trong thập kỷ tới. Trong đó, Indonesia, nền kinh tế lớn nhất ASEAN, sẽ trở thành một trong những thị trường mới nổi hàng đầu thế giới trong thập kỷ tới, với quy mô GDP dự báo sẽ tăng từ 1,3 nghìn tỷ USD vào năm 2022 lên 4,1 nghìn tỷ USD vào năm 2035.
Không chỉ có Indonesia, theo các chuyên gia của S&P Global, Việt Nam và Philippines cũng là những quốc gia sẽ gia nhập hàng ngũ các thị trường mới nổi lớn nhất thế giới vào năm 2035. Trong khi đó, Malaysia dự kiến sẽ trở thành một trong những nền kinh tế tiên tiến của khu vực châu Á – Thái Bình Dương tính theo GDP bình quân đầu người, với GDP bình quân đầu người dự kiến đạt khoảng 26.000 USD vào năm 2035.