Người bán hàng dối trá
Ngày xửa, ngày xưa, ở vùng Seri, có hai thương nhân cùng bán một mặt hàng là nồi, chảo và đồ thủ công mỹ nghệ. Họ có một thỏa thuận là chia đôi thị trường trong vùng để buôn bán. Mỗi người sẽ bán hàng tại khu vực của mình và không được tranh giành khách ở khu vực khác.
Một ngày nọ, khi hai người đang bán hàng trên đường phố, một cô bé đáng thương, nghèo khổ nhìn thấy những món đồ lung linh và đầy màu sắc, cô liền bảo bà mua cho cô một chiếc vòng tay.
Bà cô rất buồn và trả lời: "Làm sao người nghèo như chúng ta có thể mua được chiếc vòng tay đắt tiền hả cháu yêu của bà?"
Cô bé trả lời bà: "Chúng ta không có tiền, nhưng chúng ta có thể đổi chiếc đĩa cũ của mình lấy chiếc vòng tay mà bà."
Nhận thấy cháu mình rất yêu thích chiếc vòng tay, bà cũng đánh liều dắt cô bé tiến về người bán hàng đầu tiên.
Tuy nhiên, người bán hàng trông thấy bộ dạng nghèo đói và rách rưới của hai bà cháu, ông liền từ chối ngay vì ông không muốn lãng phí thời gian của mình với họ.
Mặc cho bà lão nài nỉ, những ông vẫn quả quyết nói bà không thể mua được chiếc vòng tay đắt tiền như vậy.
Nhưng cô bé rất tự tin nói: "Cháu có một chiếc đĩa cũ, cháu có thể đổi nó lấy một chiếc vòng tay không?"
Thương nhân lưỡng lự, suy nghĩ và sau đó quyết định cầm lấy cái đĩa lên và kiểm tra. Trong lúc kiểm tra, ông ta vô tình cào xước đáy của chiếc đĩa và vô cùng ngạc nhiên khi thấy rằng bên dưới lớp muội than đen hiện ra màu vàng.
Đây chính là một chiếc đĩa bằng vàng ròng. Lòng tham nổi lên, ông ta giả vờ như không hề hay biết, thay vào đó ông ta ta quyết định vạch ra một âm mưu để chiếm đoạt cái đĩa vàng.
Ông ta nói:"Cái này không có giá trị dù chỉ một chiếc vòng tay. Tôi không thể đổi chiếc vòng tay của mình cho hai người được. Tôi sẽ quay trở lại khi hai người có một thứ gì đó đủ giá trị để đổi lấy chiếc vòng tay".
Rồi thương nhân rời đi nhưng trong đầu vẫn âm mưu chiếm đoạt bằng được chiếc đĩa vàng.
Cái kết dành cho những người trung thực...
Không thể đổi được chiếc vòng, hai bà cháu tội nghiệp tiếp tục đi và họ gặp người bán hàng thứ 2 của vùng. Cũng như lần trước, cô bé lại muốn mua được chiếc vòng tay và cô lại năn nỉ bà ngoại đổi chiếc đĩa cũ lấy chiếc vòng tay,
Người bà thấy rằng đây là một thương nhân tốt bụng và bà nghĩ: "Anh ta là một người đàn ông tốt, không giống như người bán hàng đầu tiên nói năng thô lỗ".
Vì vậy, bà đã để cho cô cháu gái của mình tiến đến chỗ anh và đề nghị trao đổi chiếc đĩa cũ màu đen để lấy một chiếc vòng tay.
Người bán hàng liền mỉm cười và tiến hành kiểm tra chiếc đĩa nhận từ tay cô bé, anh ngay lập tức nhận ra rằng đó là chiếc đĩa vàng ẩn dưới lớp bụi bẩn.
Anh liền nói với người bà rằng: "Tất cả hàng hóa của tôi và tất cả tiền của tôi cộng lại với nhau không đáng giá bằng chiếc đĩa vàng này đâu!
Cả cô bé và bà đã bị sốc với phát hiện này, nhưng bà biết rằng anh thực sự là một người tốt bụng và trung thực, vì vậy, người bà và cô bé nói họ sẽ vui mừng chấp nhận bất cứ điều gì anh có thể dùng để đổi cho nó.
Người bán hàng này liền nói: "Tôi sẽ đưa cho 2 bà cháu tất cả các nồi, chảo và đồ trang sức của tôi, cộng với tất cả tiền của tôi, tôi sẽ chỉ giữ tám đồng xu để đi qua phà, với cái vỏ hộp của chiếc đĩa để đặt nó vào trong."
Hai bà cháu đã đồng ý, họ đã thực hiện giao dịch thành công, người bán hàng tốt bụng đi xuống sông, trả tám đồng xu cho người lái phà để đưa anh ta qua bờ bên kia.
Một lúc sau, người bán hàng đầu tiên rất đỗi tham lam đã quay trở lại. Với âm mưu chiếm đoạt chiếc đĩa từ hai bà cháu và ảo mộng sẽ sở hữu số tài sản khổng lồ, hắn tin rằng bà và cô bé chưa thể bán chiếc đĩa cho ai cả.
Khi gặp lại cô bé và người bà của cô, ông ta nói rằng mình đã thay đổi ý định và sẵn sàng chi ra một vài xu để đổi lấy chiếc đĩa cũ vô dụng.
Người bà bình tĩnh nói với ông ta về cuộc trao đổi mà bà vừa thực hiện với người bán hàng trung thực và tốt bụng. Rồi bà chậm rãi nói: "Thưa ông, ông đã nói dối chúng tôi."
Người bán hàng tham lam không cảm thấy xấu hổ vì những lời nói dối của mình, nhưng ông ta lại rất buồn khi nghĩ mình đã đánh mất chiếc đĩa vàng phải đáng giá cả trăm ngàn.
Vì vậy, ông ta liền hỏi bà và cô bé: "Anh ta đã đi con đường nào?"
Bà đã chỉ cho hắn hướng đi của người bán hàng tốt bụng.
Người bán hàng tham lam đã bỏ lại tất cả những thứ hàng hóa của mình ngay tại cửa nhà hai bà cháu và chạy xuống sông. Trong đầu hắn luôn nghĩ: "Anh ta đã cướp của mình! Anh ta đã cướp vàng của mình! Anh ta sẽ không thể biến mình thành kẻ ngốc!"
Từ bờ bên kia sông, ông ta thấy người bán hàng trung thực đang băng qua sông trên phà. Ông ta hét lên với người lái phà: "Quay lại, quay lại!", nhưng người thương gia tốt bụng bảo người lái phà tiếp tục đi sang phía bên kia.
Thấy mình không thể làm gì, người bán hàng tham lam vô cùng tức giận. Trong cơn thịnh nộ ông ta liên tục nhảy lên, nhảy xuống, và lấy tay đập vào ngực. Trong lòng của hắn tràn đầy sự căm phẫn và thù hận đến nỗi hắn đã ho ra máu, lên cơn đau tim và chết ngay tại chỗ.
Lời bàn:
Câu chuyện là một bài học sâu sắc về đức tính trung thực. Trong Kinh phật cũng chỉ ra rằng "Ngu dốt lớn nhất của đời người là dối trá."
Theo Đạo phật, nếu việc chúng ta dối trá, thiếu trung thực làm người khác phải khổ đau, phiền não thì thân ta đã gieo một điều ác.
Nếu ta cố tình dối lừa, gạt gẫm người khác để mưu cầu lợi ích cho riêng mình, hoặc nói lời thâm độc, gây chia rẽ, hận thù thì cái Nhân ta gieo càng cay đắng.
Trong những trường hợp đó, nói dối xuất phát từ lòng ích kỷ, tham lam, độc ác. Những kẻ dối trá như người bán hàng thiếu trung thực kia thường có suy nghĩ nông cạn xuất phát từ lòng tham, chỉ nghĩ đến lợi ích trước mắt mà không nghĩ hậu quả lâu dài về sau.
Vì lợi ích bản thân mà họ sẵn sàng làm những việc xấu, việc ác mà không để ý đến quyền lợi của người khác. Hậu quả là sẽ dần đánh mất hết danh dự và sự nghiệp, cuối cùng "phước hết hoạ đến" chịu khổ vô cùng.
Cũng theo Đạo Phật, không dối trá tức là để nuôi dưỡng tâm Từ Bi. Vì thế, đừng để tham, sân, si lấn át bản chất lương thiện trong mỗi con người chúng ta. Hãy luôn sống thật với chính mình, thật với mọi người để cuộc sống này chẳng còn thù hận, chẳng còn lo âu.