Đầu tư nước ngoài vào Thái Lan đã tăng mạnh trong quý đầu tiên, thêm bằng chứng cho thấy các quốc gia Đông Nam Á đang được hưởng lợi khi các doanh nghiệp tìm kiếm địa điểm mới trong khu vực để tránh thuế nhập khẩu Mỹ áp vào hàng Trung Quốc.
Ông Pisit Puapan, Giám đốc điều hành của Cục Chính sách kinh tế vĩ mô thuộc Bộ Tài chính, trích dẫn dữ liệu chính thức từ Ban đầu tư quốc gia, đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Thái Lan đã tăng lên 84,1 tỷ baht (2,7 tỷ USD) trong quý đầu tiên, tăng 253% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, khi dòng đầu tư nước ngoài đổ về, cung ngoại tệ tăng, dẫn đến giá ngoại tệ giảm và đồng nội tệ sẽ tăng giá một cách tương đối, tạo áp lực nhất định đối với xuất khẩu. Sự gia tăng của FDI ở Thái Lan đến vào thời điểm nhu cầu xuất khẩu suy yếu, điều này đang đè nặng lên nền kinh tế.
Bộ Tài chính trong tháng 4 đã hạ triển vọng tăng trưởng trong năm nay xuống 3,8%, dựa trên mức tăng xuất khẩu 3,4%. Thủ tướng Prayuth Chan-Ocha cũng cho biết tại hội nghị thượng đỉnh Bloomberg hôm thứ Sáu rằng cuộc chiến thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc tạo ra nhiều bất ổn cho các doanh nghiệp toàn cầu và là mối lo ngại đối với Thái Lan.
Ảnh hưởng của dòng vốn FDI đến xuất khẩu là yếu tố khách quan khó tránh, nhưng Việt Nam hầu như không bị ảnh hưởng nhiều nhờ có các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương đã ký kết. Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan trong 5 tháng đầu năm 2019, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước đạt 202,68 tỷ USD, tăng 8,8% (tương ứng tăng 16,47 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước.
Đặc biệt, xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ đạt kim ngạch 17,8 tỷ USD trong 4 tháng đầu năm 2018, tăng mạnh 28,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây được xem là tín hiệu tích cực cho hàng Việt trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung trở nên căng thẳng.
Trả lời phỏng vấn bên lề Hội nghị thượng đỉnh kinh doanh ASEAN của Bloomberg tại Bangkok, ông Pisit Puapan cho biết xuất khẩu có thể sẽ có một số cải thiện trong nửa cuối năm nay và tăng trưởng vững chắc về du lịch giúp củng cố nền kinh tế Thái Lan. Sự gia tăng dự kiến của các lô hàng trong sáu tháng đến tháng 12 chủ yếu là do hiệu ứng cơ bản mang lại sự thay đổi mạnh mẽ trong một bức tranh xuất khẩu hàng hóa trong cùng kỳ năm ngoái khi tăng trưởng toàn cầu xấu đi, ông nói.
Về lâu dài, ông Pisit Puapan cho biết Bộ vẫn thấy lý do để lạc quan về xuất khẩu. Ngày càng có nhiều nhà đầu tư từ Trung Quốc đến Thái Lan và lan ra khắp Đông Nam Á - có khả năng là vì thuế cũng như chi phí lao động và sản xuất đang gia tăng ở Trung Quốc. Về phía ngành dịch vụ, Pisit thấy Thái Lan tiếp tục được hưởng lợi từ sự tăng trưởng vững chắc về du lịch. Quốc gia này đang trên đường đạt được 40 triệu du khách trong năm nay, được củng cố bởi sự gia tăng của khách du lịch Ấn Độ, Nhật Bản và Malaysia ngay cả khi khách đến từ Trung Quốc tiếp tục giảm.
Trao đổi với phóng viên Bloomberg về tác động của chiến tranh thương mại tới kinh tế Thái Lan, ông Chartsiri Sophonpanich - chủ tịch Ngân hàng Bangkok nói: "Trước hết, cuộc chiến này đang khiến kinh tế toàn cầu chậm lại, nhưng mặt khác chúng tôi cũng thấy lợi ích đến từ các đơn đặt hàng mới, và dòng đầu tư nước ngoài, không chỉ đến Thái Lan mà là khu vực Đông Nam Á nói chung".
Trả lời câu hỏi Thái Lan hưởng lợi ở mức độ nào nếu so với Việt Nam giữa sự gián đoạn của nguồn cung hàng hóa trên thế giới, ông cho biết: "Tôi nghĩ có thể là mức độ không giống nhau. Nhưng tôi nghĩ là nó sẽ hỗ trợ việc thúc đẩy 12 ngành công nghiệp chính, đưa kinh tế Thái Lan lên một tầm cao mới của phát triển. Tôi nghĩ là chúng ta sẽ thấy dòng đầu tư lớn đổ vào lĩnh vực robotic, hàng không, công nghệ thực phẩm,... và điều đó sẽ giúp Thái Lan tiến xa hơn trên công cuộc cải cách".