Sau mọi cuộc tranh đấu, ám sát lẫn nhau để thâu tóm quyền lực, nếu lợi ích còn tồn tại, truyền thống gia tộc sẽ vẫn chiến thắng...
Hoặc bỏ ngôi, hoặc chịu kết cục đáng sợ
Bức ảnh Hoàng tử Mohammed bin Salman (MBS, 33 tuổi), con trai cưng của Vua Ả Rập Saudi cúi xuống, hôn tay người anh họ Mohammed bin Nayef, 58 tuổi, được đăng tải sáng 21/6/2017 khiến quốc gia Hồi giáo này dậy sóng. Một nguồn tin thân cận của Hoàng gia Ả Rập nói với báo Mỹ Wall Street Journal (WSJ): "Khi MBS tới hôn bạn, có nghĩa là điều chẳng lành sắp xảy ra".
Vị thế của 2 người đàn ông trong ảnh thực sự đã đảo ngược chỉ sau 1 đêm. Hoàng tử được phong Thái tử, Thái tử từ bỏ ngôi vương, "biệt tăm" khỏi truyền thông. Bin Nayef cùng vợ và 2 con gái được cho là bị giam lỏng tại cung điện Jeddah ngay sau đó, tài khoản ngân hàng trống rỗng, nhất cử nhất động đều bị kiểm soát.
Lần "tiếm ngôi" này được xem là cuộc chiến kế vị tàn khốc nhất trong Hoàng gia Ả Rập Saudi 53 năm qua, phá vỡ quy tắc tồn tại lâu đời – Ngôi Vua lần lượt được truyền từ anh sang em, từ chú cho cháu, từ cha xuống các con trai.
Từ khi bước vào chính trường, MBS không ngừng củng cố danh tiếng bằng những ý tưởng cải cách, mở cửa nền kinh tế, cải cách xã hội, đồng thời thiết lập mối quan hệ thân thiết với chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Tất cả đều nằm trong kế hoạch mà MBS nung nấu, để rồi "dứt điểm" đúng lúc bin Nayef ít đề phòng nhất – lễ hội Eid, diễn ra vào tuần cuối cùng của tháng ăn chay Ramadan.
WSJ dẫn nguồn tin thân cận với Hoàng gia Ả Rập cho biết, bin Nayef đã sớm biết mưu đồ lật đổ của MBS. Nhưng bất chấp những lời cảnh báo từ thuộc hạ, ông vẫn tin rằng, em mình sẽ không ra tay trong tháng Ramadan thiêng liêng.
Đêm 20/6/2017, như thường lệ, bin Nayef tới cung điện Mecca tham dự cuộc gặp mặt với các quan chức cấp cao. Binh lính trung thành với ông đã được thay bằng người của MBS. Đoàn tùy tùng bị tước dần vũ khí và điện thoại.
Ông được dẫn vào một phòng chờ nhỏ để tiếp nhận sắc lệnh. 31 trong số 34 thành viên của Hội đồng Tận trung Ả Rập Saudi, Hội đồng có quyền can thiệp vào việc chọn người kế vị ngôi vương, bỏ phiếu tán thành quyết định phế truất Thái tử, bổ nhiệm MBS thay thế.
Sau liên tiếp những cuộc gặp riêng với các quan chức cấp cao và lời "đe dọa" được sứ giả của Vua truyền lại: Hoặc là viết, hoặc hứng chịu kết cục đáng sợ, bin Nayef không còn lối thoát. Ông chấp nhận đặt bút, tự "kết liễu" tương lai của mình.
Tiếp đó, tháng 11/2017, Thái tử MBS hạ lệnh bắt giam 11 thành viên Hoàng tộc và thu giữ toàn bộ tài sản vì cáo buộc tham nhũng. Trong số các thành viên bị "thanh trừng" có Hoàng tử Miteb bin Abdullah, chỉ huy Lực lượng Vệ binh Quốc gia, người được đánh giá là "có máu mặt" và có nhiều cơ hội trở thành quốc vương.
Báo Mỹ Fox News đánh giá, việc hạ bệ các nhân vật quan trọng của Hoàng gia Ả Rập được thực hiện công khai là cách để vị Thái tử đầy tham vọng gửi đi thông điệp rõ ràng: Thái tử có Vua Salman ủng hộ, sẵn sàng diệt trừ bất cứ ai ngáng đường.
"Số 1 là Thái tử, số 2 cũng là Thái tử"
Quyền lực tại Ả Rập Saudi vốn được chia đều cho các vị Hoàng tử. Mọi quyết sách quan trọng sẽ được đưa ra bàn bạc để cùng đi tới thống nhất, với sự đồng thuận của người đứng đầu nhà nước.
Nhưng bằng việc cách chức, giam lỏng nhiều thành viên Hoàng tộc, Thái tử MBS đã thâu tóm trong tay nhiều quyền lực, tới mức gần như tất cả người thân của ông ta đều chẳng còn mấy tiếng nói.
Mohammed bin Salman (giữa) là người đứng sau những thay đổi táo bạo về chính trị - xã hội của Ả Rập Saudi trong vài năm trở lại đây.
Thái tử MBS đã rũ bỏ phong cách ngoại giao truyền thống của đất nước mình: những cái bắt tay lặng lẽ ở hậu trường, dùng lợi ích kinh tế đổi lấy lợi ích ngoại giao. Trong mắt nhiều người, MBS là vị lãnh đạo mà Ả Rập cần để thoát khỏi quá khứ bảo thủ. Ả Rập nhanh chóng trở thành trụ cột trong chính sách Trung Đông của chính quyền Tổng thống Trump.
Điều này, ngược lại, vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ chính người thân của ông. Một người làm việc lâu năm cho Hoàng tộc Ả Rập mô tả suy nghĩ của Hoàng tộc: "Họ không cần đấu tranh giành lấy điều gì. Họ chỉ muốn ăn bánh mì kẹp và nghỉ dưỡng ở nước ngoài".
Các vị hoàng tử tìm cách kiềm chế Thái tử MBS trong vô vọng. Báo Mỹ New York Times dẫn nguồn tin thân cận với Hoàng tộc Ả Rập cho hay, các Hoàng tử không thể tiếp cận với Vua Salman dễ dàng như các vị vua trước.
Họ thậm chí không thể vào cung, trừ khi tên mình được đặt ở trước cửa ra vào. Họ chỉ có thể gặp Vua ở các sự kiện được tổ chức công khai hoặc vào nửa đêm, khi ông đang chơi bài.
Nhưng những lúc như vậy thật chẳng hợp lý để trình bày những mối lo ngại của mình.
Thuộc hạ thân tín của một trong số các Hoàng tử cho hay, ở Ả Rập, "Số 1 là Thái tử Mohammed, số 2 cũng là Thái tử Mohammed".
Có thật Thái tử sẽ bị phế truất?
Hoàng tộc Ả Rập Saudi nhiều lần bị chia rẽ bởi những bất đồng và ám hại lẫn nhau. Nhưng hàng nghìn vị hoàng tử và công chúa cuối cùng vẫn tìm ra cách để bảo vệ triều đại của mình. Đơn giản bởi việc để những bất hòa này xen vào cuộc sống xa hoa và những khoản trợ cấp khổng lồ, đặc quyền vô song của họ, quá nguy hiểm.
Dù sự xuất hiện của Thái tử MBS có làm đảo lộn toàn bộ quy tắc, dù không có ai đồng thuận với đường hướng cai trị quốc gia của ông, thì trước khủng hoảng lớn nhất kể từ sau vụ tấn công 11/9/2001, truyền thống gia tộc vẫn chiến thắng.
Hoàng tử Khalid bin Salman có nhiều kinh nghiệm về ngoại giao. Ông đang được đồn đoán là có khả năng trở thành Phó Thái tử và sẽ thay thế MBS làm Thái tử trong vài năm tới.
Việc Khalid bin Salman, em trai Thái tử MBS, Đại sứ của Ả Rập Saudi tại Mỹ, được triệu tập về nước làm dấy lên những nghi ngờ rằng Hoàng gia Ả Rập Saudi đang tìm cách phế truất Thái tử MBS và đưa Khalid lên thay thế.
Song, theo New York Times, Khalid bin Salman quay về nước để tiếp quản vị trí cố vấn an ninh quốc gia và tham gia giải quyết khủng hoảng, bởi ông này có kinh nghiệm về ngoại giao cũng như mối quan hệ thân thiết với nhà báo Khashoggi.
Giới chức Ả Rập đã thông qua truyền thông nhà nước để công bố rằng nhà báo Khashoggi thiệt mạng trong một cuộc ẩu đả tại lãnh sự quán của nước này ở thủ đô Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ, và 18 người Ả Rập đã bị bắt giữ.
New York Times nhận định, đây là một phần trong chiến lược của Ả Rập nhằm bảo vệ Thái tử khỏi liên lụy, trước những cáo buộc chính ông là người chỉ đạo toàn bộ sự việc. Trong khi đó, thiếu tướng Ahmed al-Assiri, phó tướng tình báo thân tín của Thái tử, là người có thể bị đưa ra làm "dê tế thần".
Mạng tin Al-Monitor cũng dẫn lời một số học giả người Mỹ cho rằng việc giới tinh hoa Ả Rập tỏ thái độ không hài lòng trước những phát biểu của ông Trump về vụ bê bối là một minh chứng cho thấy "sự đồng thuận của họ, nhằm bảo vệ Thái tử MBS".
Madawi al-Rasheed, giáo sư thỉnh giảng tại Trường kinh tế London, tác giả của nhiều cuốn sách về Ả Rập Saudi, cũng nhận định rằng việc phế truất Thái tử MBS có thể gây ra nhiều rắc rối không đáng có.
Ông này dự đoán rằng trong thời gian tới, Vua Salman có thể giảm bớt quyền lực của Thái Tử bằng cách phân quyền cho các Hoàng tử khác kiểm soát những vấn đề an ninh./.