Cho đến nay, có lẽ sẽ không nhiều người phủ nhận quan điểm rằng chất lượng dịch vụ mà Aeon mang đến tốt nhất trong ngành bán lẻ Việt Nam. Từ xe buýt miễn phí, bãi đỗ xe rộng rãi, khu vui chơi trẻ em cho đến cái toilet, đặc biệt là thái độ của nhân viên bán hàng, tất cả đều khiến phần đông khách hàng hài lòng.
Vui lòng khách đến
Chị Thúy Vân, du học sinh Nhật Bản đã cảm thấy mình như thật sự đang ở Nhật khi bước vào nhà vệ sinh của Aeon Long Biên. Nhà vệ sinh có bệ rửa thấp cho trẻ em, và thiết kế đến mức mà để người vào không muốn ra ngoài, theo chị, chắc trên thế giới chỉ có người Nhật mới làm được.
Trong khi nếu ở các trung tâm thương mại khác ở Hà Nội, khu vệ sinh đều không có chỗ thiết kế riêng cho trẻ em. "Khi tôi đưa con đi rửa tay ở một trung tâm thương mại lớn thì gặp rắc rối vì bồn rửa quá cao. Tôi buộc phải bế cháu lên ngồi vào bệ đá. Lập tức có một nhân viên vào quát mẹ con tôi bằng một thái độ hết sức sưng sỉa”, chị kể lại.
Còn theo chị Minh Thư, cũng là người mua hàng, nhưng ở Aeon, khách hàng được tôn trọng tương đương như nhau, dù họ tiêu ít hay nhiều tiền. "Thái độ của nhân viên vô cùng niềm nở. Tôi thấy Aeon Long Biên có rất nhiều ghế ngồi miễn phí ở khắp nơi. Những ai đi mua sắm mà trót mang giày cao gót như chị em chúng tôi thì điều đó thật tuyệt".
Ngoại trừ Lotte với số lượng hạn chế các ghế ngồi miễn phí, sẽ rất khó để tìm ra một chiếc ghế ngồi nào mà khách không phải trả tiền trong các trung tâm thương mại hay siêu thị bán buôn bán lẻ nào ở Hà Nội. "Không rõ vì tư duy quản lý hay sự thiếu chu đáo mà dù mua hàng tiền triệu thì khách đứng vẫn hoàn đứng", chị Minh Thư thắc mắc.
Thái độ tuyệt vời của nhân viên trông xe, bảo vệ, thu ngân tại Aeon cũng là điều mà rất nhiều khách hàng Việt từ nam chí bắc nhắc đến với nhận xét "vô cùng hài lòng".
Vẫn còn những phàn nàn
Dù nhận được mưa lời khen, nhưng cũng theo chính các khách hàng, Aeon Việt Nam còn khá nhiều điều cần phải cải thiện.
Từng có khoảng thời gian 4 năm sống tại Nhật, chị Thúy Vân khá thất vọng với chủng loại hàng hóa và giá cả các loại hàng hóa được bán tại Aeon.
Thứ nhất là vấn đề về hàng hóa.
Aeon chưa cung cấp được những loại hàng hóa mà người Việt chuộng của Nhật, ví như thực phẩm chức năng bao gồm tảo biển, tỏi đen, vitamin tổng hợp hay quần áo mùa đông thương hiệu Nhật. Gian hàng Daiso rất to, nhưng chủng loại không được tương đương với Nhật. Và hàng Daiso thì tất nhiên, tiền nào của ấy.
Aeon mang sang Việt Nam vô cùng nhiều mì ăn liền. Trong khi khẩu vị mì Nhật không thực sự hợp với người Việt Nam, chính vì thế, là một người yêu quý Aeon và đến đây nhiều lần vào dịp cuối tuần, các quầy bán mì Nhật ở Aeon thường vắng khách.
Có nhiều loại sản phẩm Nhật mà Aeon bán ra có giá quá cao so với chính sản phẩm đó ở Nhật. Chị Vân lấy ví dụ sản phẩm kitkat bán lẻ phổ biến trong các siêu thị Nhật khoảng 55 - 60 nghìn đồng (đã quy đổi về tiền Việt).
Với vị thế nhà buôn lớn, chắc chắn Aeon phải mua được giá buôn thấp hơn rất nhiều so với giá bán lẻ thông thường, cộng với thuế và các loại chi phí.
Nhưng thực tế, giá bán một gói kitkat trong siêu thị Aeon Long Biên lên đến từ 110 đến 120 nghìn đồng/gói, tức là gấp đôi so với Nhật và vượt quá khả năng chi trả của phần đông người đến đây. Vì thế, nên dù thích Kitkat, chị Vân vẫn phải mua hàng xách tay chứ không mua tại Aeon.
Đối với nhiều người tiêu dùng quan tâm đến sản phẩm hữu cơ, đây lại là một điểm trừ tiếp theo của Aeon. Dù đã đi vào hoạt động được vài năm tại Việt Nam, nhưng Aeon vẫn chưa cung cấp được sản phẩm hữu cơ trong khi rất nhiều người tiêu dùng chờ đợi điều này.
Sản phẩm hữu cơ cần được sản xuất với yêu cầu về đất, nước, ngặt nghèo như sau:
Khu vực trồng rau quả phải cách xa tối thiểu 3km với khu dân cư và khu sản xuất công nghiệp để hình thành vùng đệm ngăn cản các nguy cơ ô nhiễm từ bên ngoài; đất trồng được xét nghiệm đảm bảo không ô nhiễm bởi kim loại nặng và các hóa chất độc hại khác; độ màu mỡ của đất ngày càng được cải thiện và duy trì; khu đất phải có nguồn nước giếng khoan hoặc đào, có ao chứa nước tưới độc lập, được kiểm tra thường xuyên không nhiễm hóa chất, kim loại nặng.
Ngoài ra, sản phẩm không được phép sử dụng phân hóa học, các chất kích thích sinh trưởng và sản phẩm biến đổi gien, chỉ sử dụng các đầu vào hữu cơ được kiểm soát bao gồm phân ủ nóng và các nguồn cung cấp chất dinh dưỡng tự nhiên cho cây. Và đặc biệt thời gian sinh trưởng dài và bắt buộc phải truy xuất được nguồn gốc.
Theo kỹ sư nông nghiệp Nguyễn Chinh, chắc chắn Aeon sẽ gặp rất nhiều khó khăn nếu muốn phát triển dòng sản phẩm rau quả hữu cơ. Bởi với quỹ đất nông nghiệp hạn chế như hiện nay, để quy hoạch được một khu đủ lớn trồng rau quả hữu cơ cung cấp cho Aeon không phải việc dễ dàng.
Với kinh nghiệm làm việc với các kỹ sư nông nghiệp Nhật nhiều năm, anh Chinh khẳng định với sự cẩn thận của các kỹ sư Nhật, sẽ còn rất lâu họ mới có thể tìm được những khu đất đủ điều kiện cung cấp sản phẩm hữu cơ vào Aeon.
Thứ hai là dịch vụ online.
Người tiêu dùng đến Aeon Long Biên rất đông, đông hơn rất nhiều so với các trung tâm thương mại trong nội thành Hà Nội. Tuy nhiên cùng lúc đó, Aeon dường như chưa làm tốt việc bán hàng trên mạng trong khi các nhà bán lẻ khác như Vincom hay BigC đã làm khá tốt việc này.
Các chương trình khuyến mại của Aeon chủ yếu tập trung vào khách đến trung tâm thương mại trong khi với khách mua hàng từ xa, khâu quảng bá và khuyến mại hút khách được đánh giá chưa hiệu quả.
Cuối cùng là khoảng cách.
Aeon nằm ở vị trí khá xa trung tâm Hà Nội, điều này vừa có lợi cũng vừa có hại. Điểm lợi, Aeon ở vị trí trung chuyển của khá nhiều chuyến xe lên các tỉnh phía Bắc như Bắc Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn. Chính vì vậy, Aeon thu hút được hàng nghìn khách hàng đến từ các tỉnh này. Họ xuống Aeon mua sắm rồi mới vào Hà Nội hoặc vào Aeon sau khi kết thúc chuyến thăm Hà Nội.
Cá nhân người viết cũng được biết rất nhiều trường hợp khách hàng bắt xe hoặc tự lái ô tô từ Bắc Giang, Bắc Ninh lên Aeon chơi ăn uống mua sắm rồi quay trở về trong ngày.
Thế nhưng với khá nhiều khách hàng ở nội thành Hà Nội, khoảng cách 20km đến Aeon là quá xa so với những lợi ích mà họ có thể thu về, nhất là trong bối cảnh hạ tầng thủ đô còn nhiều hạn chế, tắc đường xảy ra với tần suất dày.
Mặc dù có xe buýt miễn phí chở khách sang Long Biên, tuy nhiên, trả lời phỏng vấn của chúng tôi, chị Thanh Thủy (sống tại quận Thanh Xuân) và chị Thúy (Hà Đông) cho biết, gia đình các chị chưa bao giờ có ý định sang Aeon mua sắm vì thời gian đi lại quá lâu và bất tiện. Với họ, mua sắm vui chơi tại những trung tâm thương mại trong nội thành là đủ rồi.
* Trong khuôn khổ bài viết này, người viết chỉ xin đề cập tới Aeon Mall Long Biên và những vấn đề cơ bản xung quanh nó.