Trẻ sốt cao, ảnh minh hoạ.
Số ca mắc cúm A tăng nhanh
ThS.BS Nguyễn Thu Hường - Trưởng Khoa Bệnh nghề nghiệp (Bệnh viện Thanh Nhàn) cho biết gian gần đây, số bệnh nhân cúm A vào nhập viện tăng.
Các năm trước, dịch sốt xuất huyết sẽ xuất hiện trước sau đó mới đến cúm A, nhưng năm nay bệnh viện ghi nhận sự đảo ngược. Các bệnh nhân mắc cúm A vào viện lại tăng trong tình trạng sốt cao, mệt mỏi, cá biệt có trường hợp viêm phổi, suy hô hấp.
Bệnh nhân mắc cúm A điều trị tại Bệnh viện Thanh Nhàn.
Tại Trung tâm Bệnh Nhiệt đới trẻ em, Bệnh viện Nhi Trung ương, trong vòng 3 tuần qua, số trẻ có biểu hiện mắc cúm A đến viện khám xu hướng tăng, lượng bệnh nhi phải nhập viện do bệnh lý này cũng tăng mạnh. Các giường bệnh tại Trung tâm luôn trong tình trạng kín bệnh nhân, có thời điểm phải kê cả giường bệnh ra hành lang để điều trị cho trẻ.
Trung bình mỗi ngày, Trung tâm Bệnh Nhiệt đới trẻ em tiếp nhận 15-25 bệnh nhi nhập viện với các triệu chứng nặng như sốt cao trên 39 độ C không hạ, suy hô hấp, viêm phổi, sốt cao co giật, suy chức năng cơ quan, tổn thương thần kinh...
Bên cạnh đó, còn một số lượng trẻ mắc cúm A ở mức độ nhẹ đến khám và được kê đơn thuốc cho về theo dõi điều trị tại nhà. Phần lớn trẻ mắc bệnh dưới 5 tuổi và ở Hà Nội cùng 1 số tỉnh thành lân cận.
TS.BS Đỗ Thiện Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới trẻ em (Bệnh viện Nhi Trung ương), cho biết năm nay dịch cúm A có nhiều bất thường. Thông thường bệnh thành dịch ở mùa đông - xuân, khi nhiệt độ, khí hậu thuận lợi cho virus cúm A phát triển. Năm nay dịch bùng phát vào mùa hè.
Trẻ mắc cúm thường có triệu chứng sốt cao liên tục trên 38,5- 39 độ C. Trẻ thường không đáp ứng với thuốc hạ sốt, ăn uống kém, mệt mỏi, có trường hợp có những biểu hiện co giật.
Tại Trung tâm Bệnh Nhiệt đới trẻ em qua theo dõi cúm A trong những năm qua thì dịch cúm những năm gần đây có nhiều điểm khác.
"Từ mùa cúm 2019 - 2020, chúng tôi ghi nhận trẻ mắc cúm có những biểu hiện nặng hơn rõ rệt. Ví dụ như các biểu hiện về thần kinh (co giật) xuất hiện ở khoảng 45% trẻ mắc cúm. Và có khoảng 6% số trẻ sau khi nhiễm virus cúm có các biểu hiện viêm não.
Cách đây 10 năm, bệnh cúm thường chỉ có viêm long đường hô hấp trên kèm sốt, không có các biểu hiện về thần kinh. Viêm não sau cúm với biểu hiện tổn thương thần kinh trung ương hiện đang là vấn đề cần nghiên cứu vì trước đây tình trạng này không xuất hiện", TS,BS Hải nói.
Đối tượng dễ bị nặng khi mắc cúm A
Cúm A là bệnh cấp tính có khả năng lây nhiễm rất cao qua đường hô hấp, qua các giọt bắn hay dịch tiết mũi họng khi hắt hơi, ho khạc.
"Thông thường bệnh diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2-7 ngày. Tuy nhiên, một số bệnh nhân có nguy cơ cao bị các biến chứng do cúm đó là trẻ em dưới 5 tuổi, trong đó trẻ em dưới 2 tuổi ở mức nguy cơ đặc biệt cao; người lớn trên 65 tuổi; những người có tình trạng bệnh lý mạn tính, phụ nữ trong tháng thứ 2 hoặc thứ 3 của thai kỳ", TS.BS Hải lưu ý.
Biến chứng về thần kinh xuất hiện ở bệnh nhân sau mắc cúm A.
Theo TS.BS Hải, ở thời điểm có dịch bệnh như hiện nay, những dịch bệnh gì đã có vắc xin thì cần phải tiêm sớm. Cha mẹ cần xem lại sổ tiêm chủng của con, trẻ thiếu mũi tiêm gì thì cần phải bổ sung ngay.
Trong trường hợp trẻ không may mắc bệnh thì phụ huynh cần thông báo cho cô giáo để các bạn khác có biện pháp phòng ngừa như nhỏ nước mũi, vệ sinh họng…
Hiện nay, trong thời tiết nắng nóng, bác sĩ Hải lưu ý thêm mọi người cần sử dụng điều hòa đúng cách, không nên bật cả ngày mà nên có khoảng thời gian tắt điều hòa, mở cửa cho không khí lưu thông và diệt trừ virus.
Bác sĩ Hường cũng khuyến cáo thêm cúm A cũng là bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp, giống như Covid-19, nguy cơ gây ra biến chứng viêm phổi, suy hô hấp, thậm chí tử vong. Do vậy người dân vẫn nên đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, hạn chế tiếp xúc nơi đông người, nhất là những hội họp đám đông. Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời.