Cục trưởng Cục Quản lý KCB: Tránh nhầm sốt xuất huyết với các loại sốt virus

Thái Bình- Lê Hảo |

Sốt xuất huyết rất dễ nhầm với các loại sốt virus khác nên công tác chăm sóc, điều trị sốt xuất huyết phải được theo dõi sát sao để hạn chế thấp nhất tình trạng diễn biến nặng và tử vong.

Các bệnh viện tại Hà Nội tăng cường điều trị và chăm sóc cho người bệnh SXH

Liên quan đến công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết (SXH), chiều ngày 2/8, Cục quản lý Khám, chữa bệnh đã tổ chức cuộc họp khẩn bàn về công tác điều trị bệnh nhân SXH với các bệnh viện tuyến trung ương, bệnh viện trực thuộc Sở Y tế Hà Nội và một số bệnh viện ngành trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, trước tình hình bệnh dịch SXH tại Hà Nội diễn biến phức tạp, số lượng người bệnh đến khám, điều trị tại một số bệnh viện tại Hà Nội gia tăng gây quá tải, Cục đã chỉ đạo Bệnh viện Nhiệt đới TW và Sở Y tế Hà Nội tiếp tục củng cố, sắp xếp lại các khoa, phòng trong bệnh viện cho phù hợp, ngăn nắp, gọn gàng thuận tiện cho người bệnh khi đến khám, điều trị.

Tại cuộc họp, PGS.TS Lương Ngọc Khuê tiếp tục đề nghị các BV gồm: Nhiệt đới TW, Bạch Mai, Nhi TW, E; Đống Đa, Thanh Nhàn, Xanh Pôn, Hà Đông, Đức Giang, khối các bệnh viện ngành là BV Giao thông vận tải, BV Xây dựng, BV Bưu điện, BV Nông nghiệp, BV 19/8 Bộ Công an xem xét, điều chỉnh lại các quy trình tiếp nhận, tiêu chí phân loại cụ thể đối với từng ca bệnh để sàng lọc, sắp xếp bệnh nhân điều trị ngoại trú, nội trú theo đúng phân tuyến điều trị bảo đảm tiếp nhận, điều trị người bệnh SXH nặng kịp thời, giảm tử vong.

Cục trưởng Cục Quản lý KCB: Tránh nhầm sốt xuất huyết với các loại sốt virus - Ảnh 1.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê- Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh yêu cầu các BV tăng cường lọc bệnh, hạn chế quá tải

Đồng thời các bệnh viện cần tăng cường công tác tư vấn, giải thích cho người bệnh hiểu để an tâm điều trị đúng tuyến, hạn chế quá tải, cố gắng không để nằm ghép.

Đối với người bệnh đã ổn định tư vấn, giải thích để người bệnh ra viện hoặc chuyển người bệnh về tuyến dưới để theo dõi, chăm sóc.

Thiết lập đường dây nóng hỗ trợ tuyến dưới trong công tác chẩn đoán, điều trị bệnh SXH. Sẵn sàng hỗ trợ tại chỗ cho tuyến dưới khi có yêu cầu, khi chuyển viện không an toàn.

Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, SXH rất dễ nhầm với các loại sốt virus khác nên công tác chăm sóc, điều trị SXH phải được theo dõi sát sao để hạn chế thấp nhất tình trạng diễn biến nặng và tử vong.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê cũng yêu cầu các bệnh tăng cường lọc bệnh, kiên trì giải thích cho bệnh nhân và có tiêu chí nhập viện, chỉ nhập viện đối với bệnh nhân đủ tiêu chí.

Đối với những bệnh nhân ngoại trú, các bệnh viện cần có tài liệu hướng dẫn phát cho người bệnh để hướng dẫn cách chăm sóc, theo dõi, tái khám, các dấu hiệu nặng cần tái khám và nhập viện, đối với bệnh nhân nội trú tăng cường sắp xếp, tập trung các bệnh nhân nặng để theo dõi sát sao, có dán nhãn đánh dấu hồ sơ bệnh án...

Bên cạnh đó, các bệnh viện cần tiếp tục tập huấn hướng dẫn chẩn đoán và điều trị SXH cho các cán bộ y tế, các bệnh viện tư và phòng khám tư nhân...

Phòng chống SXH: Giống như cuộc chiến giữa người và muỗi

Tại Hà Nội, số ca mắc SXH trong những tuần gần đây tăng nhanh, 1.200-1.600 ca; đặc biệt có tuần vọt lên 2.000 ca.

Số mắc tập trung chủ yếu ở một số quận nội thành như Đống Đa, Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Hà Đông, Cầu Giấy, Ba Đình và huyện Thanh Trì... Hà Nội cũng đã ghi nhận trường hợp thứ 5 tử vong có liên quan đến SXH

Nhiều người cứ thấy muỗi trong nhà đã lo lắng, dù không phải ở trong ổ dịch cũng yêu cầu được phun muỗi. Không phải là đơn vị trực tiếp đi phun thuốc diệt muỗi nhưng số cuộc gọi đến Văn phòng SXH miền Bắc, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (Hà Nội) tăng đột biến, có thể là gọi đề nghị xử lý ổ dịch, tham khảo ý kiến, hỏi về cách phòng tránh bệnh, phun thuốc gì, phun như thế nào hoặc thắc mắc “sao nhà tôi/khu dân cư tôi ở chưa được phun muỗi?”…

Tại Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội cũng nhận được nhiều cuộc gọi người dân muốn được phun thuốc diệt muỗi.

Cục trưởng Cục Quản lý KCB: Tránh nhầm sốt xuất huyết với các loại sốt virus - Ảnh 2.

Các chuyên gia khuyến cáo việc phun hóa chất diệt muỗi phải tuân thủ hướng dẫn của các nhà chuyên môn, tránh tự y phun khiến muỗi tăng sức đề kháng

Tuy nhiên, TS Vũ Trọng Dược- Thư ký Chương trình sốt xuất huyết Dengue khu vực miền Bắc, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương nói, không phải cứ nhìn thấy muỗi là cần phun thuốc diệt muỗi.

Vì sử dụng hóa chất để diệt muỗi cần phải có chỉ định, người dân không nên tự ý pha hóa chất và phun khi chưa có kiến thức.

Phun hóa chất diệt muỗi chỉ có hiệu quả khi sử dụng hóa chất đúng loại, pha đúng liều lượng, sử dụng máy phun phù hợp và kỹ thuật phun đúng.

“Người dân không nên tự ý pha hóa chất để phun, phun không đúng cách, không có máy phun chuyên dụng, không đủ liều dẫn đến muỗi tăng sức đề kháng, vô tình làm muỗi khỏe hơn trong tương lai.

Người dân cần tham khảo ý kiến của các nhà côn trùng học có kỹ năng chuyên môn, hoặc liên hệ với khoa kiểm soát bệnh truyền nhiễm hay dịch tễ của Trung tâm y tế dự phòng quận, huyện hoặc tỉnh để được hướng dẫn ”- TS Dược nói.

Hiện nay, trong chương trình phòng chống sốt xuất huyết , Bộ Y tế cấp phép lưu hành 3 hóa chất diệt muỗi gồm: Deltamethrine, Permethrine và Malathion.

Nghiên cứu, thử hiệu lực, khả năng kháng của muỗi với 3 hóa chất này thì hiện nay đều cho hiệu lưc rất tốt. Tại một số điểm của Hà Nội có hiện tượng tăng sức chịu đựng của muỗi.

Các chuyên gia khuyến cáo, để phòng chống dịch SXH, phun hóa chất diệt muỗi không phải là giải pháp duy nhất.

Biện pháp quan trọng nhất là người dân cần phải diệt các ổ bọ gậy, loăng quăng trong nhà, xung quanh nhà. Người dân có tham gia tích cực thì phòng chống sốt xuất huyết mới hiệu quả.

“Chúng tôi vẫn thường nói với nhau việc phòng chống SXH hiện nay giống như cuộc chiến giữa người và muỗi, mỗi người dân phải là chủ thể, mỗi người dân phải như một chiến sĩ, một một hộ gia đình cần như pháo đài, cùng nhau giệt muỗi thì công tác phòng chống SXH mới hiệu quả và bền vững được”, TS Dược nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại