Mới đây, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) đưa ra đề xuất nhập 37 toa tàu cũ 40 năm của Nhật Bản.
Ông Vũ Anh Minh (Chủ tịch Tổng công ty Đường sắt Việt Nam) cho biết, toàn bộ toa tàu này được đối tác Nhật Bản bàn giao miễn phí. Phía Việt Nam chỉ cần chi trả phí vận chuyển và hoán cải, dự kiến hết 140 tỷ đồng.
"Chúng tôi từng đề xuất đối tác giúp vận chuyển miễn phí về Việt Nam nhưng họ không đồng ý, vì đây không phải là sự hỗ trợ giữa Chính phủ hai nước", ông Minh chia sẻ với phóng viên.
Bên cạnh những ý kiến đồng tình, hiện đề xuất này đang vấp phải nhiều phản đối, do không ít người lo ngại các toa tàu cũ sẽ không phát huy được hiệu quả khi đưa về Việt Nam.
Trao đổi với chúng tôi, ông Vũ Quang Khôi - Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam - cho hay: Đến hôm nay (26/10/2021), Cục Đường sắt vẫn chưa nhận được bất cứ văn bản nào của Tổng công ty ĐSVN gửi Cục về đề xuất nêu trên.
Trước đây, từ năm 2015- 2016, Tổng công ty ĐSVN cũng đề xuất cho phép nhập toa tàu cũ 20 năm của Trung Quốc. "Tuy nhiên, hồi đó chúng tôi cũng không nhận được văn bản của Tổng công ty ĐSVN gửi Cục ĐSVN để có ý kiến với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành đường sắt", ông Khôi cho biết.
Ông Vũ Quang Khôi - Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam. Ảnh: Báo Giao thông.
Trước việc Tổng công ty ĐSVN cho rằng, việc hoán cải các toa tàu cũ 40 năm của Nhật Bản khá đơn giản và đưa ra dự toán hết hơn 80 tỷ đồng, ông Khôi nói các số liệu và nội dung của đơn vị này đưa ra vẫn chưa đầy đủ thông số, để các cơ quan quản lý Nhà nước đánh giá, xem xét và có ý kiến chính thức
"Để đánh giá mức độ sửa chữa, hoán cải toa xe thì cần thiết phải biết thực trạng về kỹ thuật, chất lượng của các toa xe này và phải có hồ sơ thiết kế hoán cải, dự toán cụ thể mới có thể đánh giá được. Hiện nay chúng tôi chưa có hồ sơ về các toa xe nêu trên nên không thể có ý kiến".
Các toa tàu Kiha 40 và 48 của Nhật Bản được Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đề xuất nhập về Việt Nam. Ảnh: ⒸJR-EAST
Cận cảnh nội thất bên trong các toa tàu. Nhiều ý kiến đánh giá, so với các toa tàu hiện hữu của việt Nam, nội thất của các toa tàu này cũng không mới mẻ, tiện nghi hơn. Ảnh:ⒸJR-EAST
Toa tàu chở khách hiện có của Việt Nam với nội thất chỉn chu. Ảnh: Việt Hùng.
Nói về tính khả thi của việc nhập 37 toa tàu cũ, ông Khôi cho biết, mặc dù các toa tàu được đối tác chuyển giao miễn phí, nhưng khi nhập về Việt Nam thì ngoài việc cân nhắc đến chi phí vận chuyển, hoán cải, tính hiệu quả,... giống như Tổng công ty ĐSVN đã thông tin trên báo chí, chúng ta rất cần phải xét đến hai yếu tố quan trọng sau:
Thứ nhất, về tính pháp lý: Việc nhập khẩu các toa xe để tham gia giao thông đường sắt cần phải tuân thủ các quy định về pháp luật đường sắt và pháp luật về xuất nhập khẩu hiện hành và được cấp có thẩm quyền chấp thuận? Việc khai thác, sử dụng toa xe phải bảo đảm phù hợp các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia của Việt Nam?
Thứ hai, về mặt kỹ thuật, chuyên môn: Nếu các toa xe được phép nhập khẩu để tham gia giao thông đường sắt, thì trước đó Tổng công ty ĐSVN phải: kiểm tra sự phù hợp của khổ giới hạn toa xe đối với khổ giới hạn quy định hiện hành và thực tế kết cấu hạ tầng đường sắt khu đoạn dự kiến sẽ vận hành khai thác toa xe này; công nghệ và yêu cầu về công tác bảo dưỡng, sửa chữa và vật tư thay thế cho các toa xe này có phù hợp với Việt Nam không? Sự phù hợp với hệ thống tín hiệu và quy tắc giao thông đường sắt; bảo đảm an toàn, chất lượng, an toàn kỹ thuật bảo vệ môi trường phương tiện giao thông đường sắt.
Ông Khôi cho rằng: "Tổng công ty ĐSVN hiện nay cũng đang rất khó khăn trong kinh doanh vận tải đường sắt nên mới đề xuất như thế".
Hình ảnh đoàn tàu của Việt Nam. Ảnh: Việt Hùng.
Tuy nhiên theo ông Khôi, để tháo gỡ khó khăn, Tổng công ty ĐSVN rất cần cần xem xét huy động nguồn lực hợp pháp của các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư, phát triển công nghiệp đường sắt theo quy định của pháp luật và theo chiến lược, kế hoạch sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ tiên tiến, khả năng làm chủ và phát triển công nghệ.
"Chúng tôi mong muốn Tổng công ty ĐSVN sớm có đề xuất cụ thể những khó khăn trong triển khai phát triển công nghiệp đường sắt với Ủy Ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và Bộ GTVT, Cục ĐSVN để phối hợp, tháo gỡ. Chúng tôi sẵn sàng đồng hành cùng doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn", ông Khôi nói thêm.
Các toa tàu cũ 40 năm của Nhật Bản vẫn có thể vận hành ở việt Nam thêm 15 năm nữa
Trước đó, ông Vũ Anh Minh (Chủ tịch Tổng công ty Đường sắt Việt Nam) cho biết, Tổng công ty Đường sắt đã có văn bản đề xuất lên Thủ tướng Chính phủ về việc nhập 37 toa tàu cũ 40 năm của Nhật Bản.
Theo NDD65/2018/NĐ-CP ngày 12/05/2018 thì từ 1/1/2021, Tổng công ty ĐSVN đã có hơn 200 toa xe khách hết niên hạn sử dụng theo quy định: "toa xe đường sắt chạy trên chính tuyến của đường sắt quốc gia, đường sắt chuyên dùng, đường sắt đô thị: không quá 40 năm".
Cũng theo quy định của NĐ này thì ngành đường sắt chỉ được phép nhập khẩu phương tiện đã qua sử dụng không quá 10 năm đối với toa xe chở khách, đầu máy, toa xe đường sắt đô thị
Vì vậy, Tổng công ty đề xuất Thủ tướng Chính phủ:
• Cho phép nhập khẩu 37 toa xe đã qua sử dụng của Nhật Bản.
• Đăng kiểm toàn bộ toa xe nhập khẩu sau khi cải tạo, sửa chữa để vận dụng, khai thác trên đường sắt Việt nam theo quy định của Quy chuẩn Việt Nam.
• Sửa chữa, cải tạo và vận dụng khai thác các toa xe có niên hạn sử dụng lớn trên đường sắt Việt Nam.
Bên cạnh đó, phía Tổng công ty cũng có văn bản gửi đến Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam về vấn đề nêu trên. Tổng công ty cũng trình ra với báo chí bản photocopy hồ sơ về dự án để nêu lên được tính khả thi.
Trao đổi với báo chí, ông Minh cho hay, các toa tàu cũ của Nhật Bản có thể vận hành thêm 15 năm nữa ở Việt Nam. Dự án nhập 37 với 140 tỷ chi phí vận chuyển và hoán cải sẽ hoàn vốn sau 7 năm. Như vậy, đây là một bài toán rất có lợi cho Việt Nam.
Ông Minh cũng cho rằng, các toa tàu này hiện đại hơn nhiều so với những toa tàu hiện hữu ở Việt Nam. Các toa tàu này có thể tự hành, dù chỉ 1 toa vẫn có thể tự chạy trên đường sắt. Như vậy, Tổng công ty Đường sắt có thể khai thác linh hoạt, áp dụng ở các cung đường sắt ngắn, lưu lượng khách ít.
"Chi phí đóng mới 1 toa tàu của Nhật Bản là hơn 30 tỷ đồng, 37 toa sẽ hết hơn 11 nghìn tỷ", ông Minh chia sẻ. Trong khi đó, nếu nhập cũ, chúng ta hoàn toàn không mất chi phí mua sắm. Các nước trong khu vực như Indonesia, Malaysia, Thái Lan… cũng đã từng nhận các toa tàu cũ của Nhật Bản.