Sáng 11/4, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tổ chức họp báo thường kỳ quý I/2024. Vấn đề của Hãng phim truyện Việt Nam tiếp tục được trao đổi tại cuộc họp.
Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành khẳng định Thanh tra Chính phủ đang làm việc về vấn đề thoái vốn ở Hãng phim truyện Việt Nam . Quy trình thoái vốn đã gặp nhiều vấn đề phức tạp, đang được thực hiện theo quy định.
Sau 5 năm, hai kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ về công tác cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam đến nay vẫn chưa được giải quyết. Thanh tra Chính phủ vừa ban hành quyết định kiểm tra việc thực hiện hai kết luận thanh tra này.
Ông Vi Kiến Thành cũng nêu quan điểm về 300 phim bị hư hỏng nặng tại hãng do điều kiện bảo quản xuống cấp.
"Cục Điện ảnh đã trả lời nhiều lần về số phim bị hỏng. Số phim ở hãng là bản lưu, được giữ lại để khai thác, bản gốc đều được lưu trữ ở Viện phim Việt Nam. Một số nhân viên ở hãng phim nhiều lần đề xuất việc khôi phục số phim đã hỏng, tuy nhiên, khả năng phục hồi là không có. Chúng ta cũng không nên tính đến việc này, bởi các bản gốc của phim vẫn được bảo quản ở Viện phim Việt Nam. Đây là thông tin đã được Viện phim Việt Nam công bố, lãnh đạo Bộ VHTTDL đã xuống trực tiếp kiểm tra, làm việc về công tác lưu trữ", ông Vi Kiến Thành nói.
Tập thể nghệ sĩ hãng phim đã ký đơn kiến nghị và gửi lên Văn phòng Chính phủ về vấn đề 300 phim bị hỏng . Ngày 4/1/2024, Thanh tra Bộ có công văn phản hồi nghệ sĩ. Bà Phan Linh Chi - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ VHTTDL - khẳng định công văn đã xử lý dứt điểm và giải đáp được băn khoăn của nghệ sĩ.
Công văn nêu rõ những bộ phim này đầy đủ cả bản gốc và hồ sơ liên quan, được lưu trữ, bảo quản một cách khoa học trong điều kiện tiêu chuẩn quốc tế. Về tiến độ cổ phần hóa các doanh nghiệp của Bộ VHTTDL, đại diện Vụ Kế hoạch Tài chính chính khẳng định quá trình cổ phần hóa đã kết thúc từ năm 2015.
Các nghệ sĩ từng làm việc ở Hãng phim truyện Việt Nam đều hết sức xót xa khi hàng trăm phim hư hỏng nặng. Đạo diễn Bùi Trung Hải nêu ý kiến ngay cả khi Viện phim Việt Nam vẫn còn những bản phim đầy đủ, thì chi phí phục chế để in ra phim dương bản - như 300 bản phim bị hỏng ở Hãng phim truyện Việt Nam - là từ 100.000 đến 1 triệu USD cho mỗi bộ phim
"Khâu phục chế này chúng ta chưa làm được do không đủ máy móc và tay nghề chuyên gia. Như vậy, không dễ để lấy lại 300 bản phim đã bị hỏng. Trong trường hợp Viện phim Việt Nam không còn những bản phim đầy đủ (thiếu tiếng, thiếu hình…) thì bộ phim coi như đã biến mất vĩnh viễn", đạo diễn Bùi Trung Hải phân tích.
Trước đó, lãnh đạo Cục Điện ảnh cũng trao đổi với Tiền Phong về số phim bị hư hỏng tại Hãng phim truyện Việt Nam. “Công ty Vivaso để xảy ra tình trạng bảo quản không tốt, dẫn đến kho phim của hãng bị hư hỏng, như thế là không ổn. Đây là tài sản của Hãng phim chuyển giao cho Vivaso quản lý khi cổ phần hóa hãng phim. Phản ứng của nghệ sĩ là điều hết sức chính đáng, bởi đó là tài sản của Hãng được tích lũy nhiều năm qua”.
Lãnh đạo Cục Điện ảnh cũng nhiều lần khẳng định, âm bản hay còn gọi là bản gốc đã được giao cho Viện Phim Việt Nam lưu giữ và quản lý.