Ngày 16.1, Economist Intelligence Unite (EIU) công bố báo cáo mang tên Out of the shadows: Shining light on the response to child sexual abuse (tạm dịch: Ra khỏi vùng tối: Tìm hiểu về phản ứng đối với xâm hại tình dục trẻ em).
EIU là hãng nghiên cứu thuộc Economist Group, công ty truyền thông sở hữu tạp chí The Economist.
Theo đó, Việt Nam đạt 42,9 điểm trên thang điểm 100. Ba nước xếp cuối là Mozambique, Ai Cập và Pakistan, trong khi ba nước đứng đầu lần lượt là Anh, Thụy Điển và Canada.
Việt Nam đứng thứ 37 trong xếp hạng 40 nước về chống xâm hại tình dục trẻ em, với điểm yếu nằm ở thu thập dữ liệu, chế tài dành cho người phạm tội và sự can thiệp của truyền thông.
40 nước trong nghiên cứu được xếp hạng theo thang điểm 100 và dựa trên 4 tiêu chí: môi trường mà việc xâm hại xảy ra cũng như được biết đến; mức độ bảo vệ mà khung pháp lý của một nước có để đối phó với vấn đề; cam kết và khả năng của chính phủ trong việc trang bị cho các thể chế, nhân sự chống lại nạn xâm hại; và sự tham gia của các ngành nghề, xã hội dân sự và truyền thông.
Trao đổi với PV chiều 21.1, Cục trưởng Cục Trẻ em Đặng Hoa Nam cho rằng, hiện nay, trang web này vẫn đang tồn tại. Được biết đây chỉ là trang nội bộ và họ công bố khảo sát tại đấy chứ không gửi báo cáo cho Cục.
Cục trưởng Cục Trẻ em cho rằng, thông thường, một khảo sát phải nêu số liệu lấy từ cơ quan tổ chức nào, cập nhật đến thời điểm nào.
Bên cạnh đó, phương pháp tính toán của khảo sát ra sao, trọng số rơi vào đâu... Những tiêu chí kia của khảo sát đều rất chung chung, không có định lượng rõ ràng.
"Chúng tôi mong muốn công khai nguồn thông tin dữ liệu và phương pháp tính toán, để người được xếp hạng cho biết họ đang có những ưu điểm và nhược điểm nào", ông Nam nói.
Cục trưởng Cục Trẻ em dẫn chứng những điểm báo cáo của EIU vẫn còn "nhập nhèm": Từ khi có Luật Trẻ em 2016, chúng ta đã 'luật hóa' được các chuẩn mực quốc tế về trẻ em, trẻ em đã được tham gia vào cả việc bàn luận, đưa ra những chính sách liên quan đến trẻ em.
Thời gian qua, đã thành lập Uỷ ban quốc gia về trẻ em để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ điều phối trực tiếp những vấn đề về trẻ em cần sự tham gia của nhiều ngành, tổ chức và các địa phương.
Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ thị và thông báo kết luận của Thủ tướng về việc nâng cao công tác bảo vệ trẻ em.
Ngoài ra, phải kể đến vai trò của việc nâng cấp thành Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 về trẻ em để tiếp nhận, xử lí, tư vấn tất cả các thông tin về trẻ em…
Theo ông Nam, chúng ta đang rà soát lại các cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em thuộc hệ thống công lập và hàng trăm cơ sở trợ giúp trẻ em khác do các tổ chức cộng đồng phụ trách.
Ngoài ra có 34 trung tâm công tác xã hội ở 34 tỉnh, thành phố có thể hỗ trợ cho địa phương, các cơ sở hỗ trợ trẻ em trong việc bảo vệ trẻ em.