Cục Hậu Cần: Thanh tra vụ đóng tàu vỏ thép ở Bình Định

Nghĩa Nhân |

Lãnh đạo Tổng cục Hậu cần – kỹ thuật, Bộ Công an cho biết đã chỉ đạo thanh tra, làm rõ trách nhiệm của Công ty Nam Triệu, đơn vị đóng tàu vỏ thép hư hỏng cho ngư dân Bình Định.

Sau cuộc họp báo của Bộ Công an sáng 28-6, Thiếu tướng Nguyễn Văn Dư, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Hậu cần – kỹ thuật Bộ Công an cho biết đã chỉ đạo thanh tra, làm rõ trách nhiệm của Công ty Nam Triệu, đơn vị đóng 20 tàu vỏ thép cho ngư dân tỉnh Bình Định hư hỏng.

Đây là đơn vị trực thuộc Bộ Công an.

“Ngay khi dư luận phản ánh về chất lượng số tàu cá này, chúng tôi đã chỉ đạo Nam Triệu kiểm tra. Ưu tiên là khắc phục hư hỏng để tàu có thể ra khơi, ngư dân tiếp tục bám biển”, ông Dư nói.

Không đề cập tới chất lượng vỏ thép số tàu này, nhưng tướng Dư cho biết về vấn đề chất lượng, sai chủng loại động cơ thì đến hôm 24-5, khi có kết luận của tổ kiểm tra độc lập của tỉnh Bình Định, Công ty Nam Triệu mới biết. 

“Lỗi này thuộc về nhà cung cấp động cơ. Nhưng trách nhiệm theo hợp đồng thì Nam Triệu phải chịu toàn toàn diện trước ngư dân”, ông Dư trình bày.

Sau khi phát hiện động cơ sai chủng loại, Nam Triệu đã làm việc với đại diện hãng Dosan ở Việt Nam, ký hợp đồng khắc phục toàn bộ số sai sót này.

Đến nay đã nhập về bảy động cơ mới, ba chiếc tiếp theo sẽ về trong thời gian sớm nhất. Đảm bảo trong tháng 7 – 8 hoàn thành việc khắc phục hậu quả.

Là đại diện chủ sở hữu Nam Triệu, đến nay Tổng cục Hậu cần kỹ thuật đã yêu cầu công ty thanh tra toàn bộ quá trình đóng tàu. Tinh thần là phát hiện sai phạm, khuyết điểm sẽ xử lý nghiêm túc theo pháp luật.

Trước câu hỏi của phóng viên về việc có điều tra, xử lý hình sự không, Trung tướng Đỗ Kim Tuyến Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm cho biết đã chủ động nắm bắt thông tin, và yêu cầu Công an Bình Định vào cuộc phối hợp, “nếu có hành vi tội phạm sẽ khởi tố”.

Cục Hậu Cần: Thanh tra vụ đóng tàu vỏ thép ở Bình Định - Ảnh 1.

Đại diện công an tỉnh Bình Định tại buổi họp công bố kết quả thẩm định các tàu vỏ thép hư hỏng. Ảnh: Tấn Lộc

Tuy nhiên, ông Tuyến cũng cho rằng chương trình đóng tàu giá trị 10.000 tỷ đồng của Chính phủ, đến nay đóng 557 tàu thì mới chỉ phát hiện 18 tàu ở Bình Định có vấn đề chất lượng, và thấy có sai phạm ở hai doanh nghiệp đóng tàu.

Còn các nơi khác cơ bản đáp ứng yêu cầu.

Cũng khá dè dặt, ông Dư cho rằng trước mắt việc khắc phục, sửa chữa, thay thế thiết bị ở số tàu cá có vấn đề chất lượng này cần được thực hiện theo hợp đồng, vì đây là vấn đề dân sự.

Công ty Nam Triệu là một trong hai doanh nghiệp tham gia chương trình đóng tàu này, đến nay bị phát hiện là có sai phạm trong quá trình thực hiện hợp đồng.

Theo ông Dư, đây là đơn vị có kinh nghiệm 20 năm hoạt động đóng tàu, phục vụ ngành công an, là một trong số 73 đơn vị được Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn công nhận đủ năng lực tham gia chương trình đóng mới tàu cá theo cơ chế đặc biệt của Chính phủ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại