Về sự cố máy bay Vietjet rơi 2 lốp trước khi hạ cánh xuống sân bay Buôn Ma Thuột (hồi tháng 11/2018), ông Đinh Việt Thắng cho biết, cục đang phối hợp với cơ quan điều tra tai nạn hàng không Pháp (quốc gia đặt trụ sở của nhà sản xuất máy bay Airbus) để giải mã, tìm nguyên nhân.
Theo ông Thắng, phía Pháp đã yêu cầu và cục đã chuyển bổ sung 1 số bộ phân liên quan của chiếc máy bay gặp sự cố, như ốc vít, lốp máy bay, để phía Pháp đánh giá các vấn đề liên quan tới kết cấu, chế tạo.
“Việc tìm nguyên nhân sự cố được thực hiện rất cẩn thận, nên thời gian kéo dài. Khi phía Pháp có ý kiến chính thức, chúng tôi sẽ sớm có kết luận vụ việc”, ông Thắng nói.
Về sự cố mới nhất xảy ra tại sân bay Vinh (Nghệ An) chiều tối 26/3, Cục trưởng Cục Hàng không cho hay, thời điểm trên, máy bay của Vietjet nhận được huấn lệnh lăn bánh tới vị trí chờ cất cánh, để khi máy bay Vietnam Airlines hạ cánh xong sẽ cất cánh.
Tuy nhiên, phi công đã điều khiển máy bay vượt qua vạch dừng chờ, ảnh hưởng tới cự ly an toàn.
Điều hành bay phát hiện đã yêu cầu máy bay Vietnam Airlines bay vòng lên (thay vì hạ cánh) để máy bay Vietjet rời khỏi đường băng, và hạ cánh lần 2. Sự việc khiến máy bay Vietnam Airlines chậm khoảng 17 phút so với lịch trình.
Theo ông Thắng, sau khi sự cố xảy ra, cục đã yêu cầu các đơn vị báo cáo và đỉnh chỉ tổ bay của máy bay Vietjet. “Tổ lái của máy bay Vietjet đã nhận khuyết điểm. Cục xác minh xong sẽ xử phạt hành chính với tổ bay”, ông Thắng nói.
Theo đại diện Bộ GTVT, cơ trưởng và cơ phó điều khiển máy bay Vietjet đều có số giờ bay tương đối cao, rất kinh nghiệm. Trong đó, cơ trưởng người Mỹ, còn cơ phó người Anh.
Về xử lý của Việt Nam liên quan tới máy bay Boeing 737 Max sau 2 sự cố rơi máy bay vừa qua, ông Thắng cho biết, việc đóng cửa bầu trời và dừng cấp chứng chỉ loại cho tàu bay này dựa trên đánh giá an toàn, và tham khảo ý kiến một số cơ quan hàng không các nước trên thế giới.
Về thời gian dừng các lệnh trên, theo ông Thắng, tới khi nào nguyên nhân các vụ tai nạn máy bay Boeing 737 Max vừa qua được làm rõ. Đồng thời, Boeing có biện pháp hữu hiệu để đảm bảo an toàn cho dòng máy bay này, sửa đổi đó được Cục hàng không Liên bang Mỹ, Cơ quan hàng không châu Âu cấp chứng chỉ.
“Ngoài ra, chúng tôi sẽ tham khảo thêm 1 số nhà chức trách hàng không khác như Canada, Nga, Trung Quốc... khi đó mới xem xét cấp chứng chỉ loại cho tàu bay Boeing 737 Max được khai thác tại Việt Nam”, ông Thắng nói thêm.
Rút slot với đường bay chậm, hủy chuyến nhiều Về giải pháp giảm thiểu tình trạng chậm, hủy chuyến bay, Cục trưởn Cục Hàng không cho biết thêm, nguyên nhân chậm, huyể chuyến hiện nay chủ yếu tới từ lý do khai thác của các hãng hàng không.
Tỷ lệ chậm, hủy chuyến bay của Việt Nam hiện vào khoảng 15%, so với các nước trong khu vực không phải cao. Tuy nhiên, có một số chuyến bay bị chậm kéo dài, nhưng các hãng ứng xử với hành khách chưa chuyên nghiệp, gây ra bức xúc.
“Tới đây chúng tôi sẽ bổ sung thêm chế tài, nếu slot của hãng nào có tỷ lệ chậm, hủy chuyến cao sẽ bị thu hồi.
Đồng thời, yêu cầu các hãng bổ sung thêm máy bay dự bị, để tăng khả năng điều động dự phòng”, ông Thắng nói và cho biết, tới đây Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) sẽ thành lập 2 trung tâm điều hành sây bay.
Trung tâm này sẽ gồm đại diện các hãng hàng không, các đơn vị cung cấp dịch vụ mặt đất để phối hợp điều, điều phối, nhằm giảm số chuyến bay chậm, hủy.