Ở Venezuela hiện đã xuất hiện cục diện mới trong cuộc giằng co quyền lực giữa phía của chính phủ hiện tại với tổng thống Nicolas Maduro và phe cánh của chủ tịch quốc hội tự phong làm tổng thống lâm thời Juan Guaido. Cả hai phía trong thời gian vừa qua đều đã có những điều chỉnh sách lược, bởi thế mới hình thành nên thế trận mới ở đất nước này.
Trong loạn, ngoài ép
Tình hình hiện tại vẫn còn rất nguy hiểm và nguy hại đối với quyền lực của ông Maduro và đi cùng với đấy là chính thể hiện tại ở Venezuela, nhưng cũng còn cho thấy là ông Guaido cùng phe cánh không dễ dàng và nhanh chóng đến được bến bờ của mơ ước, cũng như Mỹ cùng đồng minh chưa thể đơn giản và mau lẹ đạt được mục tiêu là thay đổi thể chế chính trị hiện tại ở Venezuela, tức là lật đổ ông Maduro.
Đối với họ, người họ muốn dựng nên thay thế ông Maduro ở Venezuela có thể chứ không nhất thiết phải là ông Guaido bởi hiện tại người này chỉ có giá trị đối với họ trên phương diện là công cụ và con bài giúp họ lật đổ ông Maduro.
Tổng thống tự xưng của Venezuela Juan Guaido. Ảnh: Reuters
Họ chủ trương lật đổ ông Maduro không phải vì muốn, hay vì để ông Guaido lên cầm quyền mà vì muốn lật đổ ông Maduro nên sử dụng ông Guaido.
Sau thất bại với sách lược sử dụng chuyện cứu trợ nhân đạo từ bên ngoài để tranh thủ dân chúng ở Venezuela và phân hoá họ với chính quyền của ông Maduro cũng như mở đường cho Mỹ và các đồng minh can thiệp trực tiếp vào Venezuela về quân sự, ông Guaido và phe cánh giờ chuyển sang thực thi chiến thuật "trong loạn, ngoài ép".
Cách suy tính của họ ở đây là ở bên trong Venezuela càng hỗn loạn và khó khăn thì họ càng được lợi và bên ngoài càng ép mạnh chính quyền của ông Maduro thì họ mới phân rẽ được giới quân sự với phe chính phủ ở Venezuela.
Cho nên ông Guaido mới phát động cái gọi là "Chiến dịch Tự do". Cho nên phía Mỹ mới gia tăng mức độ các biện pháp trừng phạt chính phủ của ông Maduro và để cho những người ủng hộ ông Guaido chiếm đóng những trụ sở và tài sản ngoại giao của nhà nước Venezuela ở Mỹ. Chỗ dựa quyết định nhất đối với ông Guaido là Mỹ.
Mưu tính của ông Guaido là kích động dân chúng ở Venezuela xuống đường biểu tình phản đối ông Maduro, làm cho đất nước tê liệt về kinh tế và hỗn loạn về xã hội, không có an ninh và ổn định, đẩy giới quân sự đến chỗ phải lựa chọn mà nếu về phe biểu tình thì việc lật đổ ông Maduro sẽ thuận lợi, còn nếu ủng hộ ông Maduro thì sẽ xảy ra đụng độ bạo lực để Mỹ và đồng minh bên ngoài có cớ can thiệp quân sự, đồng thời không để cho ông Maduro có thêm thời gian tìm cách xoay chuyển tình thế.
4 định hướng của ông Maduro
Trong đối sách của mình, ông Maduro hiện coi trọng và ưu tiên hàng đầu việc không tạo cớ để bên ngoài can thiệp quân sự và rồi giải quyết dần từng vấn đề. Có thể thấy đối sách của ông Maduro được thực hiện theo 4 định hướng sau.
Thứ nhất là tạo đối trọng chính trị xã hội với phe cánh của ông Guaido, cụ thể là huy động dân chúng tham gia những hoạt động biểu thị sự ủng hộ chính phủ, qua đó làm cho bên ngoài thấy là không phải đa số mà chỉ một bộ phận dân chúng ủng hộ ông Guaido.
Điều này có tác động rất mạnh mẽ tới thái độ và hành động cùa giới quân sự cũng như nhìn nhận của bên ngoài trước khi họ đưa ra những quyết sách của họ liên quan đến Venezuela.
Thứ hai là tiếp tục tranh thủ sự ủng hộ của giới quân sự.
Thứ ba là thực hiện những biện pháp chính sách nhằm cải thiện tình hình kinh tế xã hội.
Và thứ tư là ứng xử khôn khéo về đối ngoại, tranh thủ Nga và Trung Quốc cũng như dựa vào luật pháp quốc tế. Có thêm được thời gian thì ông Maduro càng có triển vọng thành công hơn với việc bình ổn tình hình trong nước và đẩy lùi nguy cơ bị can thiệp quân sự từ bên ngoài.
Những biểu hiện rõ nét nhất của sách lược này là việc ông Guaido không bị bắt giữ khi từ nước ngoài về nước, trục xuất đại sứ Đức tại Venezuela hay yêu cầu tất cả các thành viên nội các từ chức để cải tổ chính phủ.
Bên cương, phía nhu. Bên cực đoan, phía mềm mỏng. Ai sẽ thắng ai là câu hỏi hiện chưa thể có được câu trả lời chắc chắn. Chỉ biết rằng trận đấu này chưa đến hồi kết và sẽ còn có đột biến.