Xung quanh câu chuyện này, PV đã có cuộc trao đổi cùng ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Chính sách - Pháp luật (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam).
PV: Thưa ông, 3 tháng đầu năm hơn 200 nghìn người rút BHXH một lần. Một con số đáng báo động khi lượng lớn người lao động như thế rời bỏ hệ thống an sinh trong một thời gian ngắn. Ông nghĩ thế nào về việc này?
Ông Lê Đình Quảng.
Ông Lê Đình Quảng: Tình trạng người lao động rút BHXH một lần không phải bây giờ mới diễn ra mà đã diễn ra vài năm trở lại đây. Theo thống kê của chúng tôi mỗi năm có khoảng 500 - 600 nghìn người rút BHXH một lần. Những năm gần đây, tình trạng này càng tăng cao hơn, nhất là các năm 2019, 2020, 2021, gần như số tham gia bằng số rút khỏi BHXH. Cùng với đó, những tháng đầu năm 2022 tỷ lệ này tăng rất cao. Đây là tình trạng hết sức đáng lo ngại cho hệ thống an sinh xã hội. Đầu tiên, tình trạng này ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động. Cùng với đó là ảnh hưởng đến chính sách đảm bảo an sinh của Đảng và Nhà nước ta hướng tới.
PV: Theo ông đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng số người rút BHXH một lần tăng cao như vây? Lương thấp, thu nhập không đủ sống hay còn có những nguyên nhân nào nữa?
Ông Lê Đình Quảng: Người lao động rút BHXH một lần đã tăng cao vài năm nay, tuy nhiên tại sao thời gian vừa qua lại tăng mạnh hơn như thế theo tôi có những nguyên nhân chung như: thu nhập, đời sống của người lao động khó khăn; đi làm không có tích trữ vì cứ “ráo mồ hôi là hết tiền” vì thế mà họ phải chọn rút BHXH một lần lo cuộc sống trước mắt. Đây là nguyên nhân chính. Nhưng vì sao mà đầu năm 2022 số người rút BHXH một lần tăng vượt trội như vậy như trường hợp ở TP Hồ Chí Minh tại một số cơ quan BHXH người lao động phải xếp hàng để làm thủ tục, theo tôi đây là “điểm rơi” do ảnh hưởng của COVID-19. Chúng ta đều biết, người lao động phải một năm sau khi nghỉ việc mới được quyền nhận BHXH một lần. Thời điểm năm 2020, 2021 do ảnh hưởng của dịch bệnh mà doanh nghiệp khó khăn, người lao động cũng khó khăn. Không ít người lao động phải nghỉ việc, thôi việc. Chính vì thế hiện nay đúng vào thời điểm người lao động có thể làm thủ tục để hưởng BHXH một lần.
PV: Bên cạnh việc đời sống quá khó khăn khiến người lao động phải rút BHXH một lần, còn có ý kiến cho rằng, chính sách BHXH hiện nay chưa linh hoạt cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Ông có nghĩ như vậy không?
Ông Lê Đình Quảng: Ý kiến này cũng có ý đúng. Phải nói rằng các quy định, chính sách của BHXH hiện nay cũng chưa thực sự hấp dẫn, linh hoạt nên chưa tạo được niềm tin thu hút người lao động gắn bó lâu dài với hệ thống BHXH. Các quy định để nhận lương hưu rất chặt chẽ, khó khăn. Ví dụ như quy định có hai điều kiện: phải tham gia đủ 20 năm, phải đủ tuổi nghỉ hưu. Trong khi đó hiện nay quy định về tuổi nghỉ hưu đã tăng lên, rất nhiều người khó có thể chờ được đến đủ tuổi nghỉ hưu để hưởng nên họ rời bỏ hệ thống để lo trước mắt.
Ngoài ra, việc thực thi pháp luật về BHXH của chúng ta cũng có nhiều vấn đề như: doanh nghiệp chậm đóng, chây ỳ, phá sản, bỏ trốn… ảnh hưởng rất nhiều đến quyền lợi của người lao động. Từ đó tạo ra tâm lý người lao động không yên tâm. Tôi cũng phải nói thêm một việc nữa đó là công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin về chính sách BHXH của chúng ta còn yếu kém, người lao động chưa thấy được hết vai trò, tác dụng, quyền lợi hưu trí lâu dài mà BHXH mang lại.
PV: Cùng với đó, có ý kiến cho rằng, quy định hưởng BHXH một lần hiện nay còn dễ dàng, cần siết chặt hơn quy định này để giảm tỷ lệ người rút BHXH một lần. Về việc này, ý kiến của ông như thế nào?
Ông Lê Đình Quảng: Thực ra chính sách cho phép người lao động có thể hưởng BHXH một lần là chính sách nhằm đáp ứng nhu cầu cấp bách của người lao động mất việc làm, cuộc sống gặp khó khăn để giúp cho họ ổn định cuộc sống. Tôi cho rằng đây là một chính sách linh hoạt, nhân văn. Tại Điều 60 của Luật Bảo hiểm xã hội chúng ta cũng quy định khá chặt chẽ các điều kiện để được hưởng BHXH một lần. Tuy nhiên, trước những phản ứng của công nhân, người lao động về các quy định này mà Quốc hội đã có Nghị quyết 93 để tháo gỡ. Theo đó người lao động bị mất việc làm, nếu không ở lại hệ thống BHXH, có nhu cầu nhận BHXH một lần thì sau một năm có thể được giải quyết chế độ hưởng BHXH một lần.
Tôi cho rằng, quy định này cũng chỉ là một trong nhiều nguyên nhân dẫn đến việc nhiều người quyết định nhận BHXH một lần. Còn căn bản vẫn là nguyên nhân người lao động có thu nhập quá thấp, đời sống bấp bênh, việc làm lại không bền vững. Chúng ta có thể nhìn thấy rõ, chỉ những người có việc làm không bền vững, bị mất việc mới nhận BHXH một lần, rời khỏi hệ thống an sinh xã hội. Chứ những người có công việc, thu nhập ổn định thì sẽ không ai muốn rời bỏ hệ thống BHXH cả.
PV: Trong khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vừa thực hiện trong tháng 4/2022 này với hơn 2.000 công nhân tại các doanh nghiệp, có đến 20% công nhân, người lao động đã từng nhận BHXH một lần. Trước việc người lao động rút BHXH một lần ngày càng tăng, sẽ gây ảnh hưởng lớn đến an sinh xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có những khuyến cáo gì với họ thưa ông?
Ông Lê Đình Quảng: 20% số người lao động trả lời đã từng nhận BHXH một lần trong khảo sát của chúng tôi là con số thực tế. Tuy nhiên, số này nếu nói không ảnh hưởng đến chính sách an sinh xã hội cũng không phải nhưng đỡ hơn so với người lao động nhiều tuổi.
Tức là với người lao động trên 35, 40 tuổi rút BHXH một lần thì đồng nghĩa với việc họ sẽ không có bảo hiểm hưu trí. Với những người này họ có rất ít cơ hội quay trở về khu vực có quan hệ lao động. Những người chúng tôi mới khảo sát là những người có quay trở lại với quan hệ lao động, tiếp tục tham gia BHXH. Chỉ đáng ngại là nếu những người này họ có công việc không ổn định, nhận BHXH một lần và rời khỏi hệ thống BHXH.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã nhiều lần có những tham vấn cho người lao động. Mới nhất là ngày 30/11/2021, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có Công văn số 3154 gửi cho liên đoàn lao động các tỉnh, thành phố về thực các giải pháp nhằm giảm thiểu người lao động hưởng BHXH một lần. Trong đó nổi bật là giải pháp tăng cường chăm lo đời sống tinh thần, cải thiện điều kiện làm việc. Tăng cường tuyên truyền phổ biến, nắm bắt tình hình. Tham gia với các cấp thẩm quyền thanh tra, kiểm tra để đảm bảo thực hiện các quy định của pháp luật liên quan đến vấn đề này…
PV: Theo ông giải pháp căn cơ để giải quyết tình trạng này là gì?
Ông Lê Đình Quảng: Theo tôi để giải quyết căn cơ về tổng thể cần nâng cao vật chất, tinh thần, cải thiện điều kiện làm việc là giải pháp đầu tiên. Tiếp đó là tạo cho người lao động có việc làm bền vững theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, tức là họ có việc làm, thu nhập ổn định. Cùng với đó chúng ta phải sửa đổi các quy định của pháp luật về BHXH.
Làm sao để các quy định về BHXH của chúng ta phải linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại, hội nhập quốc tế… Đặc biệt là phải tăng quyền lợi của người lao động khi họ bảo lưu BHXH để hưởng chế độ hưu trí. Chúng ta còn phải sửa điều kiện để hưởng lương hưu theo hướng như Nghị quyết 28 đã đề cập: giảm điều kiện hưởng lương hưu, tạo niềm tin cho người lao động vào hệ thống an sinh xã hội, nhất là hệ thống BHXH để người ta đồng hành cùng với mình.
Xin cảm ơn ông!