Kỳ vọng vào kỳ thượng đỉnh Mỹ - Triều
Tại thị trấn biên giới Hồn Xuân của Trung Quốc, thị trường đang dần trở nên sôi động.
Các nhà máy may sẵn sàng tuyển dụng lao động người Triều Tiên - những công nhân được đánh giá là "lành nghề" và "có tính kỉ luật cao". Cua sống chất đầy những bể chứa hải sản trong khu chợ. Xuất hiện nhiều "chủ ngân hàng" cam kết có thể giúp người Triều Tiên quy đổi những khoản tiền khổng lồ sang đồng Nhân dân tệ chỉ sau vài giờ đồng hồ.
Theo Washington Post, trên dọc biên giới dài gần 1.450 km giữa Trung Quốc - Triều Tiên, hoạt động xuất nhập khẩu mặt hàng địa phương đang diễn ra vô cùng nhộn nhịp, có thể kể tới đèn đường do Trung Quốc sản xuất và các loại nấm quý do Triều Tiên trồng.
Tuy Bắc Kinh vẫn tuân thủ các biện pháp trừng phạt quốc tế đối với Bình Nhưỡng, nhưng những dấu hiệu cho thấy nền kinh tế Triều Tiên vẫn đang phụ thuộc vào Trung Quốc bộc lộ rõ ràng qua các hoạt động giao dịch, thương mại và sự gia tăng số lượng công nhân thời vụ người Triều Tiên tại khu vực biên giới.
Với kỳ vọng từ cuộc họp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, người dân ở vùng biên giới hai nước đang rất hi vọng về những cơ hội kinh doanh tiềm năng khi lệnh trừng phạt được nới lỏng.
Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều sẽ được tổ chức ngày 12/6 tại khách sạn Capella, Sentosa, Singapore
Nếu hai lãnh đạo Mỹ - Triều đạt được thỏa thuận hợp lí trong cuộc họp ngày 12/6 tới đây tại Singapore, Trung Quốc sẽ sẵn sàng mở rộng hoạt động kinh tế và thúc đẩy hợp tác với nước láng giềng Triều Tiên.
Ông Trump dường như thừa nhận vai trò lãnh đạo của Trung Quốc sau một cuộc họp tại Nhà Trắng với "trùm tình báo" Triều Tiên. Nhận thư tay của ông Kim Jong Un, ông Trump phát biểu trước truyền thông rằng nước Mỹ sẽ tạo điều kiện cho Trung Quốc và Hàn Quốc phụ trách việc khôi phục nền kinh tế Bình Nhưỡng.
"Hai nước này đều có mối quan hệ gần gũi với Triều Tiên. Nước Mỹ thì không" - trích lời tổng thống Trump.
Tuyên bố này đã bỏ qua một thực tế là quân đội Mỹ đóng quân trên bán đảo Triều Tiên trong nhiều thập kỷ qua. Nhu cầu của tầng lớp trung lưu tại Triều Tiên là động lực thúc đẩy các hoạt động kinh doanh vùng biên.
Theo các thương nhân Trung Quốc, đây sẽ trở thành một nhóm khách hàng mới đầy triển vọng một khi lệnh trừng phạt được nới lỏng.
Thay đổi ở Triều Tiên
Các nhà kinh tế học và doanh nhân Trung Quốc nhận xét, những thay đổi ở Triều Tiên diễn ra chủ yếu xuất phát từ những quyết định của lãnh đạo Kim Jong Un.
Ông đã dỡ bỏ những quy định của nền kinh tế tập trung, cho phép các hoạt động buôn bán nhỏ, cho phép thương lái di chuyển dễ dàng giữa hai nước Trung - Triều.
Trong một bài phát biểu năm mới vào tháng Giêng, người đứng đầu Triều Tiên tuyên bố rằng nước này đã hoàn thành việc phát triển kho vũ khí hạt nhân nên bây giờ chính phủ sẽ tập trung cải thiện cuộc sống của người dân.
Ông Byung-Yeon Kim - nhà kinh tế học, tác giả của cuốn sách "Giải mã nền kinh tế Triều Tiên" - cho biết, sau khi chính phủ cho phép các hoạt động giao thương, người dân đã tiếp cận được nhiều nhu yếu phẩm thiết yếu hơn.
Cũng theo ông Byung-Yeon, dù uy tín chính phủ được nâng lên nhờ cải thiện chất lượng sống của người dân, nhưng việc này có thể là con dao hai lưỡi.
Ông Kim Jong-un và ông Tập Cận Bình trong cuộc gặp hồi tháng 3/2018. (Ảnh: KCNA)
Đặt mục tiêu cải thiện kinh tế, Triều Tiên phải tiếp tục tìm cách mở rộng và phát triển quy mô nền kinh tế, với giá trị hiện tại chỉ ở mức 20 tỉ đô-la Mỹ - bằng một nửa giá trị so với Gwangju - - thành phố lớn thứ sáu tại Hàn Quốc.
Ông Andrei Lankov - chuyên gia người Nga về Triều Tiên - nhận định sự hỗ trợ của tầng lớp trung lưu là rất quan trọng đối với sự tín nhiệm của lãnh đạo Kim Jong Un, và cho đến nay ông Kim có vẻ đạt mục tiêu này.
Sự quan trọng của ông Kim Jong Un không chỉ được thể hiện ở thủ đô Bình Nhưỡng, mà còn ở các thị trấn ở biên giới phía bắc.
"Ông Kim Jong-un rất nổi tiếng", ông Lankov nói. "Mọi người đều ủng hộ ông ấy." Chính phủ Trung Quốc, Hàn Quốc đang rất sốt sắng đóng vai trò lãnh đạo trong quá trình hồi phục nền kinh tế Triều Tiên.
Trong 1 tín hiệu đáng chú ý về "sự nồng ấm" trở lại trong quan hệ thương mại, hãng hàng không quốc gia Air China đã tuyên bố hôm thứ ba rằng họ sẽ nối lại các chuyến bay từ Bắc Kinh đến Bình Nhưỡng vào ngày hôm sau.
Theo đại diện hãng hàng không, quyết định này được đưa ra do có nhu cầu đi lại lớn giữa hai nước. Được biết, các chuyến bay giữa hai quốc gia đã ngừng hoạt động kể từ tháng 11 năm ngoái.
Hỗ trợ từ Trung Quốc
Vì sao quan chức Triều Tiên cúi gập người 90 độ khi gặp ông Tập Cận Bình?
Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tháng trước đã tiếp một phái đoàn thị trưởng và tỉnh trưởng của Triều Tiên tại Bắc Kinh. Đây là 1 động thái ngoại giao hiếm có khi người đứng đầu Trung Quốc lại hội đàm với các quan chức không đồng cấp của nước láng giềng như vậy.
Phái đoàn Triều Tiên được tham gia 1 chuyến tham quan không chỉ ở Bắc Kinh, Thượng Hải mà còn tới tỉnh miền trung Sơn Tây.
Họ còn được đi trên tàu cao tốc siêu hiện đại và được giới thiệu về thành quả kinh tế ấn tượng tại các thành phố và các ngành kinh tế của Trung Quốc.
Kể từ cuộc gặp gỡ bất ngờ của ông Kim Jong Un với ông Tập Cận Bình tại thành phố Đại Liên (Trung Quốc) hồi tháng trước, trong đó phát triển kinh tế giữ vị trí trung tâm trong chương trình nghị sự, đã xuất hiện những đề xuất rằng Trung Quốc có thể giúp nước láng giềng xây dựng lại đường xá và cảng biển.
Các khoản viện trợ này có thể là 1 phần thuộc sáng kiến "Vành đai, Con đường", nỗ lực chủ đạo của Bắc Kinh nhằm mở rộng tầm ảnh hưởng ra nước ngoài thông qua việc cung cấp tài chính cho các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng quy mô lớn.
Hiện tại, Trung Quốc vẫn đang trợ giúp Triều Tiên ở quy mô nhỏ hơn.
Một chủ nhà hàng người Triều Tiên ở Pyeongtaek, Hàn Quốc, cho biết cô đã chuyển 1 số tiền tương đương 5.000 đô-la/năm cho mẹ, chồng và con trai đang tuổi đi học tại Bình Nhưỡng.
Cô đã sử dụng 1 dịch vụ chuyển tiền nằm không xa biên giới để gửi 2 lần mỗi năm, mỗi lần 2.500 đô-la Mỹ.
Số tiền này được dùng để trả tiền thuê gia sư cho con trai cô, và cũng để mua cho bé một chiếc xe đạp Nhật Bản cũ với giá 200 đô-la.
Cô cho biết đã chuyển số tiền sang đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc, giúp người thân có thể mua các loại hàng hóa tiêu dùng dễ dàng hơn. Những người Triều Tiên khác sống ở thủ đô Seoul cho biết họ cũng gửi nhiều tiền hơn về nước trong những năm gần đây.
Theo một người quản lý tại Younger, một trong những doanh nghiệp may mặc lớn nhất tại Hồn Xuân, công nhân Triều Tiên sẽ làm việc cùng các đồng nghiệp Trung Quốc, nhận được mức lương như nhau và sống trong các khu căn hộ cho công nhân, cách nhà máy khoảng ba phút từ nhà máy.
Theo các doanh nhân tại Hồn Xuân, mặc dù lệnh cấm vận yêu cầu công nhân Triều Tiên phải trở về nhà, nhưng những lao động Triều Tiên tại đây đều làm việc hợp pháp. Hợp đồng lao động của họ thường là loại công việc thời vụ, nên không thuộc diện áp dụng các quy định cấm vận.
Tại Hồn Xuân, những người bán hàng hải sản cho biết họ vẫn đang trả những mức giá cao cho đặc sản cua của Triều Tiên bởi vì người Trung Quốc coi đây là loại thực phẩm tươi ngon, được khai thác từ vùng biển sạch.
Cua Triều Tiên tại nhà hàng Trung Quốc. Ảnh: CNN
Những con cua sẽ được chuyên chở bằng xe tải trên một chuyến đi ngắn từ Triều Tiên vào cảng Vladivostok (Nga), sau đó di chuyển gần 100 km về phía nam để tới Hồn Xuân. Một chuyến hành trình tốn khoảng 10 tiếng đồng hồ.
Phía Trung Quốc còn đang xây dựng một con đường mới để rút ngắn hành trình vận chuyển này.
Trung Quốc đã chuẩn bị các thủ tục giấy tờ hải quan cần thiết để nhập hàng cua và các loại hải sản đông lạnh trực tiếp từ Triều Tiên, ngay khi các lệnh cấm vận được dỡ bỏ. Như vậy, việc chuyên chở vòng qua nước Nga sẽ không cần thiết nữa và giảm được thời gian vận chuyển và chi phí nhập khẩu hàng hóa đáng kể.