Cửa hiệu thuốc giá rẻ - "phao cứu sinh" cho 55 triệu người nghèo Ấn Độ

Yến Chi |

Một dự án cung cấp thuốc với giá cả phải chăng cho người nghèo Ấn Độ đang giúp họ tránh được chi phí chữa bệnh. Tuy nhiên, một diễn biến khác là tình trạng này có thể đẩy họ vào hoàn cảnh ngày càng nghèo hơn.

“Một người lái xe lam mỗi tháng phải chi tiền thuốc khoảng 10.000 Rupee, bằng toàn bộ tiền lương kiếm được. Tôi bán cho ông ấy thuốc với giá chỉ 2.200 Rupee. Thật vui khi thấy gánh nặng của ông ấy nhẹ đi phần nào”, ông Khawar Khan hào hứng kể.

Tiền thuốc: Nỗi ám ảnh của người nghèo

Cửa hàng thuốc nhỏ của ông Khawar Khan nằm trong khu phố đông đúc và bình dân ở Jamia Nagar, Thủ đô New Delhi, Ấn Độ.

Đây là một phần của dự án Chính phủ có tên Jan Aushadhi chuyên cung cấp các loại thuốc generic (thuốc có biệt dược gốc giống với loại thuốc có thương hiệu nhưng vì không bao gồm chi phí nghiên cứu và phát triển nên giá rẻ hơn đáng kể) để giảm chi phí cho người nghèo ở Ấn Độ.

Tại cửa hàng của ông Khawar Khan, người đàn ông có tên Shazad Choudhury trông căng thẳng. Ông đưa ra một danh mục dài các thuốc được kê đơn cho dược sĩ. Những thành viên trong gia đình ông đều cần đến thuốc trị bệnh tăng huyết áp, tiểu đường, bệnh tim, nhiễm trùng thận, viêm tử cung và trầm cảm. Chính ông Choudhury cũng đang điều trị bệnh lệch đĩa đệm.

“Hãy nhìn vào tất cả các loại thuốc mà xem, có thể tôi vẫn phải ra đường kiếm sống nếu đến một cửa hiệu thuốc bình thường khác. Chương trình này giống như một chiếc phao cứu sinh. Nhưng đôi khi tôi vẫn phải chờ đợi. Có 2 loại thuốc mà tôi đã phải chờ suốt 2 tuần qua”, ông Shazad Choudhury nói.

Bên ngoài nhà thuốc, Kishore Dutt - một công nhân xây dựng vừa mua được thuốc chữa bệnh cho bà ngoại mình. Anh nói rằng, một số người trong họ bàn nhau cứ để mặc cho bà cụ 82 tuổi tự chống chọi với căn bệnh vì thuốc quá đắt.

Các gia đình nghèo Ấn Độ thường chọn cách này, bởi đôi khi họ phải lựa chọn cứu người già hay để trẻ con chết đói. Kishore Dutt nghe nói về chương trình Jan Aushadhi và tìm tới nhà thuốc của ông Khawar Khan. “Tôi đang chạy về với bà đây, hy vọng những loại thuốc này sẽ cứu sống được bà tôi”, Kishore Dutt nói.

Nhu cầu: Luôn cao hơn mức dự báo

Kishore Dutt may mắn được bác sĩ của bà kê ra tên loại thuốc có gốc giống nhau. Nhiều bác sĩ ở Ấn Độ không làm như vậy, mặc dù Hội đồng Y tế Ấn Độ yêu cầu kê đơn có sử dụng thuốc generic. Ngay cả trong giới bác sĩ vẫn có người quan niệm, thuốc generic là không tốt, chỉ thuốc có thương hiệu mới hiệu quả.

“Bác sĩ tuyên truyền với bệnh nhân rằng thuốc generic không hiệu quả. Họ cần phải được đào tạo lại bởi làm như thế là gây hại lớn cho người nghèo”, ông Khawar Khan nói.

55 triệu người Ấn Độ bị đẩy vào cảnh nghèo đói mỗi năm vì chi phí điều trị bệnh. Trong số đó, chỉ riêng tiền khám chữa bệnh đã khiến 38 triệu người rơi xuống dưới mức chuẩn nghèo. Con số này được các chuyên gia tại Quỹ Y tế Công cộng Ấn Độ cung cấp và công bố trên Tạp chí Y khoa Anh.

Bởi vậy, Chương trình Jan Aushadhi khởi động từ năm 2008 đã đem lại kỳ vọng rất nhiều cho người dân. Tuy nhiên, qua vài năm, nó chìm dần, chủ yếu là do các nhà thuốc có quá ít loại thuốc nên rất ít người để ý đến.

Kể từ khi Thủ tướng Narendra Modi lên nắm quyền vào năm 2014, số nhà thuốc dạng này từ con số 97 đã tăng vọt lên 3.000 cơ sở trên khắp cả nước. Đây chỉ là con số nhỏ so với một nước lớn và đông dân như Ấn Độ.

“Hầu hết các cửa hàng Jan Aushadhi chỉ có khoảng 100-150 thuốc công thức thay vì con số trên 600 như đã hứa và số lượng còn quá nhỏ so với 550.000 nhà thuốc ở Ấn Độ”, báo cáo của Quỹ Y tế công cộng cho biết.

“Nhu cầu cao hơn mức chúng tôi dự báo, cũng khó dự đoán loại thuốc nào cần thiết nhưng chúng tôi có phần mềm mới cho phép xử lý vấn đề tốt hơn và chúng tôi sẽ thu hẹp khoảng cách này trong vòng 2 tháng”.

Advesh Kumar (Phó Giám đốc marketing Cục Dược phẩm PSUs Ấn Độ)

Link gốc bài viết tại đây.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại