Theo các công ty nghiên cứu thị trường, thị trường bán lẻ của Việt Nam trong những tháng đầu năm thay đổi rất nhanh với sự cạnh tranh khốc liệt hơn.
Dịch bệnh ảnh hưởng tiêu cực đến kênh mua sắm truyền thống nhưng đồng thời tạo nhiều cơ hội tăng trưởng tích cực cho các mô hình bán hàng vừa và nhỏ như cửa hàng tiện lợi, hiệu thuốc và thương mại điện tử.
Siêu thị mini, cửa hàng thắng thế
Gần 4 tháng nay, chị Nguyễn Thanh Thủy (ngụ phường 11, quận 6, TP HCM) trở thành khách hàng "ruột" của cửa hàng Bách Hóa Xanh đối diện chung cư chị đang sinh sống.
Mặc dù trong khuôn viên chung cư có đến 2 siêu thị mini bán đủ loại thực phẩm tươi sống, sơ chế, chế biến sẵn và đồ dùng gia đình nhưng chị vẫn đều đặn ghé Bách Hóa Xanh 2-3 lần/tuần để mua trái cây tươi vì theo chị, trái cây ở cửa hàng này rẻ hơn trái cây ngoài chợ, chất lượng lại hơn hẳn.
Các cửa hàng thực phẩm tổng hợp đang duy trì mức tăng trưởng tốt sau dịch Covid-19
Tháng 5-2020, Bách Hóa Xanh ghi nhận kỷ lục khai trương 131 cửa hàng mới (trung bình 4 cửa hàng/ngày) và mở rộng địa bàn hoạt động thêm tỉnh Lâm Đồng, nâng tổng số cửa hàng lên con số 1.365.
Theo số liệu thống kê của Công ty CP Thế Giới Di Động (chủ sở hữu chuỗi Bách Hóa Xanh), với số lượng mở mới trung bình khoảng 100 cửa hàng/tháng trong liên tiếp 3 tháng gần đây, Bách Hóa Xanh đạt mức tăng trưởng doanh thu 5 tháng đầu năm 149,5% so với cùng kỳ năm 2019.
Biên lợi nhuận gộp của hệ thống này (sau hủy hàng, mất hàng) tăng từ hơn 21% trong tháng 3 lên khoảng 25% trong tháng 5.
"Chuỗi đang tiến gần đến mục tiêu bù đắp được chi phí khấu hao cho toàn bộ các cửa hàng và trung tâm phân phối vào cuối năm nay" - báo cáo tình hình kinh doanh 5 tháng đầu năm của Thế Giới Di Động nêu rõ.
Không có được tốc độ phát triển và tăng trưởng cao đột biến như Bách Hóa Xanh nhưng chuỗi cửa hàng Co.op Food, Co.op Smile, Satra Food, Vinmart, Vinmart+… cũng ghi nhận sự đi lên về mặt doanh thu, hiệu quả hoạt động.
Tại hệ thống Satra Food, doanh thu 5 tháng đầu năm tăng 6%. Công ty CP Dịch vụ Thương mại tổng hợp VinCommerce (sở hữu chuỗi Vinmart, Vinmart+) tăng trưởng doanh thu thuần 40% trong quý I/2020 so với quý I/2019.
Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM (Saigon Co.op) cũng có tăng trưởng ấn tượng của phân khúc cửa hàng thực phẩm tổng hợp và dành nhiều ưu tiên để đẩy nhanh tốc độ mở mới các điểm bán hàng trong phân khúc này trong năm nay.
Thuận lợi để phát triển
Ông Đỗ Quốc Huy, Giám đốc marketing Saigon Co.op, cho biết sau hơn 2 tháng tăng trưởng vượt bậc do dịch Covid-19, doanh thu các cửa hàng Co.op Food, Co.op Smile hiện duy trì ở mức tăng khá so với thời điểm quý IV/2019.
"Người tiêu dùng đi siêu thị, đại siêu thị để mua sắm dự trữ và tiết kiệm vì phân khúc này cung ứng lượng hàng hóa đa dạng, tập trung các chương trình khuyến mãi lớn cùng chính sách chăm sóc khách hàng.
Phân khúc cửa hàng thực phẩm tổng hợp, siêu thị mini là để mua bổ sung, nghĩa là mua thêm những sản phẩm cần thiết, mua hàng nhanh, tiện lợi và tập trung ít người. Vì tính chất này mà các cửa hàng đạt doanh số cao trong thời gian dịch bệnh vừa qua" - ông Huy chỉ ra các định dạng phân khúc tiêu dùng và nói thêm sau Covid-19, người tiêu dùng vẫn chi tiêu rất tiết kiệm; kênh siêu thị, đại siêu thị đang dần phục hồi, trở lại với vai trò dẫn dắt mảng bán lẻ hiện đại.
Bàn về xu hướng cạnh tranh bán lẻ hiện đại thời gian tới, một số chuyên gia bán lẻ cho rằng trong ngắn hạn, do người tiêu dùng tiếp tục thắt chặt chi tiêu nên các doanh nghiệp phân phối sẽ thu hút khách bằng chính sách giá rẻ và tăng khuyến mãi.
Về điểm này, các siêu thị, đại siêu thị sẽ có nhiều lợi thế hơn siêu thị mini hay cửa hàng. Mặc dù vậy, do tình hình dịch bệnh phức tạp, doanh thu và lợi nhuận ngành bán lẻ sụt giảm nghiêm trọng trong những tháng đầu năm, các nhà bán lẻ có xu hướng siết chặt tài chính nên sẽ tính toán kỹ trước quyết định mở thêm siêu thị/đại siêu thị.
Trong khi đó, mô hình cửa hàng nhỏ với lợi thế lớn là chi phí đầu tư lẫn vận hành thấp, dễ tìm mặt bằng, thủ tục đầu tư đơn giản, dễ mở, dễ đóng sẽ là lựa chọn ưu tiên của các nhà bán lẻ.
"Một hệ thống cửa hàng đang triển khai chiến lược bao vây để giành thị phần với các siêu thị. Chẳng hạn, hệ thống này mở dồn dập 3-4 cửa hàng tại một khu vực đang tồn tại siêu thị, người dân đã có thói quen mua sắm ở siêu thị để hút khách, tạo cho khách hàng tâm lý đi đâu cũng thấy thương hiệu này" - một chuyên gia bán lẻ ở TP HCM nêu dẫn chứng.
Phó tổng giám đốc một hệ thống bán lẻ trong nước cũng cho rằng hiện là thời điểm thuận lợi để mở rộng chuỗi cửa hàng. Tuy nhiên, chuỗi cửa hàng chỉ có thể sinh lời nếu phát triển được trên 500 điểm bán.
"Nhà bán lẻ mở chuỗi quá ồ ạt sẽ làm đội chi phí; nếu cộng thêm chi phí cho khuyến mãi thì sẽ khá áp lực cho bài toán vốn" - phó tổng giám đốc này phân tích thêm.
Vì thực tế này mà ít nhất 2 chuỗi Satra Food, Vinmart+ không đặt mục tiêu về số lượng cửa hàng tăng thêm mà tập trung sắp xếp lại những cửa hàng hiện hữu, tối ưu hóa hiệu quả kinh doanh trên từng cửa hàng, đồng thời tập trung xác định lại định vị giá trị và thương hiệu, làm mới danh mục sản phẩm phù hợp với khách hàng.
Tận dụng chi phí mặt bằng thấp
Theo các doanh nghiệp bán lẻ, hiện giá thuê mặt bằng ở khu vực trung tâm TP HCM đã giảm khoảng 30% so với trước khi xảy ra dịch Covid-19, ở khu vực ngoại thành giảm khoảng 20%.
Trước tình hình kinh doanh không thuận lợi, từ tháng 4, nhiều chủ đầu tư sẵn sàng đưa ra mức hỗ trợ lên đến 50% - 100% tiền thuê mặt bằng. Đối với mặt bằng nhà phố, mức giảm còn tùy thuộc chủ nhà và thường rơi vào 20% - 30%.
Bên cạnh đó, chủ đầu tư đã linh hoạt hơn trong điều khoản đặt cọc, thanh toán và tích cực hỗ trợ khách thuê dưới nhiều hình thức.