Nhiều cửa hàng điện thoại tại TP Hồ Chí Minh phải đóng cửa hoặc hạn chế khách ra vào nhằm bảo đảm yêu cầu phòng dịch Covid. Điều này dẫn đến sức mua trên thị trường giảm mạnh. Các cửa hàng cho ICTnews hay, họ bị giảm doanh thu từ 30-50%.
Một cửa hàng điện thoại tại TP.HCM đóng cửa tạm thời trong giai đoạn giãn cách hồi tháng 4 năm ngoái. (Ảnh: Hải Đăng)
Từ sau lệnh đóng cửa các trung tâm thương mại, hệ thống Mai Nguyên đồng thời phải ngừng kinh doanh 4 cửa hàng bên trong những khu vực này. Còn lại 3 cửa hàng bên ngoài, nhưng khách lưa thưa.
“Tình trạng khá bết bát. Khách giảm hẳn nhu cầu nên doanh thu ảnh hưởng hơn 50%”, ông Mai Triều Nguyên, chủ hệ thống Mai Nguyên chia sẻ.
Trong những ngày Sài Gòn giãn cách kể từ 31/5, đường sá vắng vẻ. Đặc biệt ở khu vực Gò Vấp, nơi áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, mọi người càng hạn chế ra đường.
Chuỗi CellphoneS cho biết, ở những khu vực bị phong toả, các cửa hàng đóng hoàn toàn. Ở những nơi khác, cửa hàng phải giới hạn số lượng khách 5-10 người.
“Việc bán và giao hàng online trong thời điểm này cũng không hiệu quả, số đơn không được nhiều, một phần do khách có tâm lý thận trọng tạm thời chưa mua sắm nếu chưa thật cần thiết”, ông Nguyễn Lạc Huy, đại diện CellphoneS nói. Chuỗi này ghi nhận mức giảm doanh thu khoảng một nửa so với trước.
Một số chuỗi quy mô vừa ở TP Hồ Chí Minh như 24H Store, Minh Tuấn Mobile cũng lâm vào hoàn cảnh tương tự.
Hệ thống 24H Store phải đóng một cửa hàng ở Gò Vấp, đồng thời tự đóng tạm thời 3 cửa hàng khác ở các quận vì khách thưa thớt. “Nếu dịch bệnh kéo dài ở mức này, tình hình có thể tệ hơn”, ông Huỳnh Phú Hải, chủ chuỗi 24H Store cho hay.
Ở đợt dịch này, không chỉ điện thoại thông minh mà cả laptop và máy tính bảng - vốn được mua nhiều để phục vụ làm việc và học tập tại nhà - cũng chứng kiến doanh thu đi xuống. Tại CellphoneS, ngành hàng này giảm 20-30%.
Tuy vậy, chịu ảnh hưởng mạnh nhất vẫn là dòng điện thoại cao cấp, vì hai lý do. Thứ nhất, người tiêu dùng đang tiết kiệm nên hạn chế mua mặt hàng xa xỉ. Thứ hai, với sản phẩm dạng này người mua vẫn thích đến cửa hàng hơn là mua qua mạng.
Để nhân viên không bị ảnh hưởng thu nhập, các cửa hàng áp dụng chế độ làm việc luân phiên. Chẳng hạn, chuỗi Di Động Việt phải đóng một cửa hàng ở Gò Vấp theo đúng yêu cầu và tự đóng tạm thời vài cửa hàng ở khu vực chung quanh. Nhân viên ở các cửa hàng bị đóng sẽ được điều chuyển về cửa hàng còn kinh doanh, đồng thời xoay ca để ai cũng có việc.
Phía 24H Store lấy ý kiến nhân viên, một số người không muốn đi làm vì ngại việc tiếp xúc có thể tiềm ẩn nguy cơ lây bệnh sẽ được tạm nghỉ, các nhân viên còn lại được chia ca làm việc ở những cửa hàng còn mở cửa. Việc này nhằm bảo đảm thu nhập ở mức nào đó cho người lao động.
Ở một số chuỗi lớn hơn, như Thế Giới Di Động, đã phải đóng cửa phòng dịch ở những tỉnh thành khác như Bắc Ninh, Bắc Giang, trước khi TP Hồ Chí Minh giãn cách. Chuỗi có tổng cộng 631 cửa hàng trên toàn quốc bị ảnh hưởng, trong đó riêng TP Hồ Chí Minh có 279. Trong số này, 59 cửa hàng đóng cửa hoàn toàn, 57 cửa hàng đóng cửa nhưng được bán online, còn lại 515 địa điểm bị hạn chế bán hàng từ 5-20 người.
Việc đóng cửa các cơ sở kinh doanh chắc chắn ảnh hưởng đến nhiều ngành kinh tế, không chỉ riêng mảng bán lẻ hàng công nghệ. “Doanh thu ảnh hưởng nặng nhưng tôi tiếp nhận việc này khá bình tĩnh, vì thời buổi này ai cũng bị tác động”, ông Minh Tuấn, đại diện chuỗi Minh Tuấn Mobile nói.
Chính quyền TP Hồ Chí Minh đã đứng trước quyết định khó khăn khi phải thực hiện giãn cách từ 31/5, do lo ngại ảnh hưởng kinh tế. Song yêu cầu phòng dịch đã được ưu tiên, nhằm bảo đảm an toàn cho người dân.
"Chấp nhận hy sinh 2 tuần để bảo vệ lợi ích lâu dài. Hai tuần với TP Hồ Chí Minh rất lớn nhưng không có cách nào khác, ta phải chọn giải pháp ít xấu nhất", Bí thư Thành uỷ TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên nói.