Theo các nhà khoa học ở Viện Công nghệ sinh học thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam thì thịt cua có nhiều nguyên tố vi lượng như kẽm, đồng, selen hơn thịt gà.
Xin giới thiệu một số món ăn để bạn độc tham khảo.
Bổ thận tráng dương:
Cua rang me bổ thận tráng dương - chữa chứng liệt dương, bồi bổ cơ thể: Me chín 100g, cua 10 con, bột năng (bột đao) 20g, gia vị, tiêu hạt, tỏi, rau thơm đủ dùng. Cua làm sạch, để ráo nước ướp gia vị, hạt tiêu, tỏi băm nhỏ khoảng 30 phút rồi rán chín.
Me cho nước vào bỏ hạt gạn lấy khoảng nửa bát nước (bát ăn cơm), pha cùng với bột năng đã hòa với nước lạnh, nêm chua ngọt, sau đó đổ hỗn hợp nước trên vào cua đã rang chín, đun nóng là dùng được.
Cua nướng - chữa liệt dương, bồi bổ cơ thể: Thịt cua 200g, thịt lợn nạc 100g, trứng gà (vịt) 2 quả, mỡ lợn, hành, gia vị đủ dùng. Xay nhuyễn thịt cua cùng với thịt nạc sau đó trộn với trứng, hành, gia vị rồi đem nướng khoảng 20 phút là chín. Món này ăn cùng rau sống sẽ ngon hơn.
Cua ngô non - chữa liệt dương, bồi bổ cơ thể:
Thịt cua 200g, ngô non tươi 100g, xương lợn 500g, hành tây, gia vị nước đủ dùng. Hầm xương lợn khoảng 1 giờ trên bếp, vặn nhỏ lửa, hớt bọt. Sau đó hòa bột năng vào thành nước sền sệt rồi cho thịt cua, ngô non đã bào nhỏ vào đun đến khi ngô chín, nêm gia vị vào là dùng được.
Cua xào miến dong – chữa chứng liệt dương, bồi bổ cơ thể: Miến 300g, thịt cua 300g, tôm tươi 300g, hạt tiêu, gia vị, hành, tỏi đủ dùng. Miến ngâm trong nước ấm khoảng 10 phút. Vớt ra để ráo nước.
Tôm hấp hoặc rang chín, bóc vỏ. Cách làm: cho chảo nóng, đổ dầu phi thơm tỏi rồi cho cả tôm, cua vào xào chín tới, nhắc xuống. Miến xào chín, đổ các thứ trên vào trộn đều, ăn khi còn nóng.
Với các đấng mày râu béo phì, mỡ máu cao, tăng huyết áp (can hỏa vượng), đái tháo đường:
Thịt cua biển nấu măng tây: Dùng măng tây ít lạnh (theo Đông y) và ít độc vì hàm lượng axit cyanhidric (HCN) thấp hơn nên an toàn hơn. Dùng thịt cua với măng là phối ngũ cộng hưởng cho hiệu quả cao hơn.
Thịt cua biển nấu với rong biển, sinh địa (hoặc thục địa): Có thể thêm mạch môn, táo tàu. Nấu với ít nước (vì nước ở cua sẽ ra thêm). Người yếu uống nước hoặc ăn cả cái và thịt cua.
Thịt cua biển nấu với sâm bố chính, hoài sơn (khoai mài): Công thức này dùng tốt cho trường hợp kém ăn, hấp thụ kém, ho nóng.
Thịt cua biển nhồi: Thịt cua biển, thịt lợn nạc băm vụn; miến, nấm đông cô, bột sắn dây. Tất cả xay nhuyễn, nhồi vào mai cua, đem hấp, đút lò hoặc nướng chín. Ăn riêng hoặc kèm các loại rau sống như hoa so đũa, bông điên điển, rau càng cua, rau đắng, thiên lý…