Cú thoát hiểm ngược đời của vị CEO 'may mắn' nhất thế giới: Thoát án tù và kiếm được 280 triệu USD nhờ… ngoại tình và mất việc

Tú Khê |

Những tưởng cả sự nghiệp lẫn cuộc sống cá nhân của mình sẽ bị hủy hoại bởi bê bối ngoại tình, rốt cuộc vị CEO này lại có cú thoát hiểm ngoạn mục trong gang tấc, thậm chí còn lãi đến hàng trăm triệu USD.

Năm 2001, sự sụp đổ của Enron Corporation - tập đoàn năng lượng đa quốc gia hàng đầu nước Mỹ - đã khiến cho giới tài chính chao đảo.

Gần 20.000 nhân viên rơi vào cảnh thất nghiệp, nhà đầu tư mất trắng hàng tỷ USD tiền tiết kiệm và hưu trí, kéo theo cả sự giải thể của Arthur Andersen - 1 trong 5 công ty kiểm toán lớn nhất thế giới.

Diệt vong là cái kết không thể tránh khỏi của Enron sau nhiều năm làm ăn man trá, hối lộ.

Lợi dụng luật kiểm toán lỏng lẻo thời bấy giờ, đồng thời mua chuộc Arthur Andersen, tập đoàn này đã nói dối về tình hình làm ăn của mình.

Một tập đoàn năng lượng bình thường chỉ tăng trưởng khoảng 5%/năm, nhưng Enron tuyên bố rằng họ đã chạm đến mốc 50%.

Tuy nhiên, sự vô đạo đức của Enron vẫn chưa dừng lại ở đây. Họ tạo ra các công ty ma để giao dịch, nhằm vẽ ra các khoản lợi nhuận giả. Họ thậm chí sẵn sàng cắt điện tại những vùng dân cư rộng lớn của California, gây ra tình trạng "mất điện giả" để tăng doanh thu, khiến sức khỏe của nhiều người bị tổn hại.

Cú thoát hiểm ngược đời của vị CEO may mắn nhất thế giới: Thoát án tù và kiếm được 280 triệu USD nhờ… ngoại tình và mất việc - Ảnh 1.

Bị thu hút và ấn tượng bởi bức tranh lợi nhuận "khổng lồ" và ít rủi ro mà Enron vẽ ra, hàng loạt nhà đầu tư đã ồ ạt mua vào cổ phiếu với mức giá cao. Rốt cuộc, tất cả đều rơi vào cảnh mất trắng, khi cổ phiếu tuột dốc không phanh từ 20 USD xuống còn 1 USD vào tháng 11/2001.

Vụ bê bối này đã khiến 21 nhân vật cộm cán trong ban điều hành Enron bị kết tội và tống vào tù.

Thế nhưng, có một người vẫn may mắn thoát tội, thậm chí còn bảo toàn được hàng trăm triệu USD nhờ một lý do không ai ngờ tới: ngoại tình.

Cú thoát hiểm ngược đời của vị CEO may mắn nhất thế giới: Thoát án tù và kiếm được 280 triệu USD nhờ… ngoại tình và mất việc - Ảnh 2.

Lou Pai sinh năm 1946 tại Nam Kinh (Trung Quốc), trước khi cùng gia đình di cư sang Mỹ vào năm 2 tuổi. Thời đi học, ông được xem như là một thiên tài toán học. Ông tốt nghiệp ĐH Maryland danh giá với hai tấm bằng cử nhân và thạc sĩ ngành kinh tế học.

Lou Pai gia nhập Enron vào năm 1987 và thăng tiến khá nhanh. Khi ấy, công ty này mới chỉ là một nhà cung cấp năng tầm trung tại địa phương. Chỉ trong vòng 10 năm, cả Enron và Lou Pai đều trở thành những ngôi sao sáng. Người đàn ông này đã trở thành một trong những quản lý cấp cao được CEO Jeff Skilling vô cùng trọng dụng.

Năm 1997, Lou Pai được bổ nhiệm là Giám đốc điều hành của Enron Energy Services (EES) - một công ty con của tập đoàn. Mục tiêu của EES là bán khí đốt và điện trực tiếp đến từng hộ gia đình và doanh nghiệp theo giá thị trường. Họ đã chi một khoản tiền nhỏ để quảng cáo ý tưởng này trên toàn quốc, hứa hẹn rằng khách hàng sẽ tiết kiệm 5-15%/năm cho nhu cầu năng lượng.

Không may, kế hoạch đầy tham vọng của EES lại biến thành một thảm họa lớn. Chỉ trong 4 năm, công ty này đã "thổi bay" 500 triệu USD chi phí vận hành dù không thu về đồng nào. Dưới thời Lou Pai, EES đã lỗ tổng cộng hơn 1 tỷ USD.

Cú thoát hiểm ngược đời của vị CEO may mắn nhất thế giới: Thoát án tù và kiếm được 280 triệu USD nhờ… ngoại tình và mất việc - Ảnh 3.

Thế nhưng, trước khi kết cục tồi tệ ập lên đầu EES lẫn Enron, Lou Pai vẫn là một trong những nhân sự quan trọng và được trả lương cao nhất công ty. Trong toàn bộ nhiệm kỳ của mình, ông đã nhận tới 100 triệu USD chỉ tính riêng tiền lương. Ngoài ra, vị CEO này còn nắm giữa một số lượng lớn cổ phiếu giá trị của tập đoàn.

Theo đồng nghiệp, Lou Pai là một người cực kỳ hướng nội. Nhiều nhân viên kể lại rằng mỗi khi đi qua hay đứng chung thang máy với ai đó, Lou Pai sẽ cúi đầu nhìn xuống dưới đất. Dù rất chăm chỉ và giàu năng lực, ông được mệnh danh là "vị CEO vô hình" trong công ty.

Cú thoát hiểm ngược đời của vị CEO may mắn nhất thế giới: Thoát án tù và kiếm được 280 triệu USD nhờ… ngoại tình và mất việc - Ảnh 4.

Giống như nhiều quản lý cấp cao khác, Lou Pai cũng tận hưởng những thú vui xa hoa. Ông coi chuyên cơ của công ty "như taxi", thường xuyên sử dụng cho những chuyến đi nghỉ dưỡng tới trang trại ở Colorado.

Ngoài ra, vị CEO này cũng nổi tiếng là thích đến các CLB thoát y ở Texas. Lou Pai trở thành "huyền thoại" trong công ty, đến mức phòng nhân sự phải gửi thông báo yêu cầu ông ngừng dùng quỹ công cho những cuộc ăn chơi trác táng này, bởi đây không phải là một khoản chi tiêu hợp lý.

Trong cuốn sách "The Smartest Guys in the Room" kể về hành trình thăng trầm của Enron, tác giả Bethany McLean đã viết: "Chỉ có 2 thứ tạo động lực cho Lou Pai - tiền và niềm đam mê với những vũ nữ thoát y".

Mỗi tối sau khi tan làm, Lou Pai lại tìm đến CLB thoát y "ruột" của mình (cách trụ sở Enron không xa). Ông chọn đây làm nơi họp hành, chiêu đãi các nhân viên sales có thành tích tốt nhất những bữa tiệc thác loạn được chi trả bằng tiền công ty.

Theo các vũ nữ thoát y, họ không thể tin nổi rằng một người đàn ông hiền lành - gần như nhu mì - như Lou Pai lại là CEO của một công ty năng lượng. Làm thế nào mà người đàn ông này chứng minh được thân phân của mình?

Cú thoát hiểm ngược đời của vị CEO may mắn nhất thế giới: Thoát án tù và kiếm được 280 triệu USD nhờ… ngoại tình và mất việc - Ảnh 5.

Hóa ra, Lou Pai thường xuyên đưa các vũ nữ thoát y đến văn phòng tráng lệ của Enron - nơi họ sẽ tiếp tục thác loạn cho tới tận nửa đêm.

Để vợ không phát hiện, vị CEO này sẽ tạt qua trạm xăng trước khi về nhà, vẩy ít xăng lên người để che giấu mùi hương của các vũ nữ thoát y.

Cú thoát hiểm ngược đời của vị CEO may mắn nhất thế giới: Thoát án tù và kiếm được 280 triệu USD nhờ… ngoại tình và mất việc - Ảnh 6.

Lửa gần rơm lâu ngày cũng bén, sau một thời gian chơi bời, Lou Pai đã ngoại tình với một vũ nữ có tên là Melanie Fewell, người phụ nữ này cũng đã có chồng và 2 con.

Mọi chuyện càng trở nên rắc rối khi Melanie phát hiện rằng mình có thai. Ngay khi vụ ngoại tình vỡ lở, vợ của Lou Pai đã đệ đơn ly hôn. Đây cũng là lúc Enron không còn dung túng nổi tính ăn chơi phóng đãng của vị CEO này, cũng như sự thất bại của ông trong việc điều hành EES.

Lou Pai không hẳn bị Enron sa thải, nhưng công ty cũng chẳng muốn ông tiếp tục giữ chức CEO của EES.

Ở thời điểm này, cuộc sống của Lou Pai chẳng khác gì địa ngục. Công việc không còn, nhân tình mang thai, còn cuộc hôn nhân kéo dài 20 năm cũng tan tành mây khói.

Để có tiền đền bù cho vợ cũ, Lou Pai buộc phải bán 100% cổ phần tại Enron. Đồng thời, vị CEO này cũng thực hiện hàng trăm nghìn quyền chọn.

Vào thời điểm đó, điều này không dễ thực hiện chút nào, bởi Enron đang là một thế lực mạnh trên sàn chứng khoán.

Hồi tháng 8/2000, giá cổ phiếu của công ty này đã lên tới 90,56 USD. Lou Pai đã bán sạch cổ phiếu của mình với giá 72 USD chỉ trong 3 tuần ngắn ngủi (từ 18/5-7/6/2001), thu về số tiền khoảng 280 triệu USD.

Cú thoát hiểm ngược đời của vị CEO may mắn nhất thế giới: Thoát án tù và kiếm được 280 triệu USD nhờ… ngoại tình và mất việc - Ảnh 7.

Sau khi đường ai nấy đi, vợ cũ của Lou Pai đã chấp nhận khoản đền bù lên tới hàng chục triệu USD. Bà cũng được sở hữu biệt thự và căn hộ chung cư của hai vợ chồng ở Houston, cùng với một căn nhà khác có giá 3 triệu USD ở Hawaii.

Trong khi đó, Lou Pai kết hôn với tình nhân của mình và chuyển tới Colorado sau khi đứa con chung ra đời.

Tại đây, ông trở thành người sở hữu đất lớn thứ hai toàn bang, nhờ mua được trang trại rộng hơn 300 km2 nằm trên dãy núi Sangre de Cristo.

Cú thoát hiểm ngược đời của vị CEO may mắn nhất thế giới: Thoát án tù và kiếm được 280 triệu USD nhờ… ngoại tình và mất việc - Ảnh 8.

Không lâu sau khi Lou Pai rời đi, Enron dần dần sụp đổ. Các nhà đầu tư bắt đầu hoài nghi về tính minh bạch và đạo đức kinh doanh của tập đoàn này.

Chỉ 2 tháng sau khi Lou Pai "tẩu tán" đống tài sản của mình, giá cổ phiếu của Enron rơi một mạch từ 72 USD xuống 42 USD. Vào tháng 10/2001, mỗi cổ phiếu chỉ còn 15 USD.

Lúc này, Ken Lay và Jeff Skilling - hai nhân vật đứng đầu tập đoàn - lặng lẽ bán đi một số lượng lớn cổ phiếu cá nhân. Đồng thời, họ bảo với nhân viên và các nhà đầu tư rằng "đây là thời điểm tuyệt vời để mua thêm cổ phiếu bởi Enron chắc chắn sẽ phục hồi nhanh chóng". Nhờ vậy, Ken Lay đã thu về tận 90 triệu USD trong thời gian này.

Ngày 28/11/2001, giá cổ phiếu Enron tụt dốc không phanh, xuống còn 1 USD.

Ngày 2/12/2001, tập đoàn này nộp đơn xin phá sản.

Cú thoát hiểm ngược đời của vị CEO may mắn nhất thế giới: Thoát án tù và kiếm được 280 triệu USD nhờ… ngoại tình và mất việc - Ảnh 9.

Giá cổ phiếu của Enron từ năm 1984 đến 2001

Có thể nói, Lou Pai là kẻ may mắn nhất trong vụ bê bối này. Nhờ ngoại tình với vũ nữ thoát y, vị CEO này buộc phải bán sạch mọi cổ phiếu Enron mà mình có, thoát khỏi cảnh tù tội cùng với 280 triệu USD.

Ông cũng chẳng phải chịu đựng bất cứ hậu quả nặng nề gì sau đó, ngoài việc trả 31,5 triệu USD tiền phạt và tiền đền bù cho các nhà đầu tư của Enron. Lou Pai phủ nhận mọi cáo buộc và cũng không bị kết án tù.

Theo thỏa thuận với chính phủ Mỹ, người đàn ông này chỉ bị cấm làm việc cho công ty đại chúng trong vòng 5 năm.

Trong cái rủi lại có cái may; đây quả thực là cái kết bất ngờ dành cho một kẻ đã lừa dối vợ con, ăn chơi trác táng.

(Theo Medium)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại