Cử tạ Việt Nam: Hồi hộp chờ tin Olympic

Đào Tùng |

Hai tấm huy chương đồng hạng 59 kg nữ mà Hoàng Thị Duyên giành được tại Giải Vô địch cử tạ châu Á 2021 gần như đã là yếu tố bảo đảm để lực sĩ quê Lào Cai đặt chân đến Olympic Tokyo

Ở giải đấu châu lục vừa được tổ chức tại Uzbekistan mà kết quả được tính điểm cho vòng loại Olympic, Hoàng Thị Duyên đã mang về 2 tấm huy chương đồng ở hạng 59 kg cho đội tuyển cử tạ Việt Nam.

Cô sớm giành vị trí thứ ba ở nội dung cử giật với thành tích 100 kg và sau đó xếp hạng ba chung cuộc tính theo thành tích tổng cử 216 kg, xếp sau kỷ lục gia Kuo Hsing-chun (Đài Loan - Trung Quốc) với 247 kg và Luo Xiao-min (Trung Quốc) với 227 kg.

Đây chưa phải là thành tích tốt nhất của Hoàng Thị Duyên bởi cô từng đạt tổng khối lượng tạ 223 kg tại Giải Vô địch thế giới 2018 hay lên đến 228 kg trong quá trình tập luyện chuẩn bị cho SEA Games 30 năm 2019.

Ngay cả khi giành "cú hat-trick" 3 huy chương vàng tại World Cup Roma 2020, Duyên chỉ đạt thành tích tổng cử 213 kg cũng như trước đó, cô lên ngôi ở SEA Games 30 với thành tích 210 kg.

Cử tạ Việt Nam: Hồi hộp chờ tin Olympic - Ảnh 1.

Lực sĩ Hoàng Thị Duyên giành 2 huy chương đồng châu lục. (Ảnh: NGỌC LINH)

Hàng loạt thành tích ấn tượng kể trên giúp cô gái người dân tộc Giáy ở Lào Cai xếp thứ 7 hạng 59 kg nữ toàn thế giới trên bảng xếp hạng của Liên đoàn Cử tạ quốc tế (IWF).

Theo quy định, IWF sẽ chọn ra 8 vận động viên (VĐV) ở mỗi hạng cân để tham gia tranh tài tại Olympic Tokyo, trong đó, mỗi quốc gia hoặc vùng lãnh thổ chỉ được phép cử một VĐV đại diện.

Theo nguyên tắc này, cơ hội đến Nhật Bản càng sáng sủa hơn đối với Hoàng Thị Duyên bởi Trung Quốc chỉ có thể chọn 1 trong 2 VĐV gồm Chen Gui-ming (hạng 3) hoặc Li Ya-jun (hạng 4). Chưa kể thể thao CHDCND Triều Tiên không tham dự Olympic, vị trí thứ nhì của Choe Hyo-sim sẽ được các VĐV xếp sau "đôn" lên.

Thi đấu không thành công tại Giải Vô địch châu Á 2021 với cả 3 lần cử đẩy bất thành, Thạch Kim Tuấn dù vậy cũng không quá buồn phiền khi trên bảng xếp hạng IWF hạng 61 kg nam, lực sĩ quê Bình Thuận vẫn đang xếp vị trí thứ 5, chỉ sau kỷ lục gia thế giới Li Fa-bin (Trung Quốc), Eko Yuli (Indonesia), Qin Fulin (Trung Quốc) và Ergashev Adkhamjon (Uzbekistan). Trung Quốc chỉ có thể cử đại diện 1 VĐV nên Thạch Kim Tuấn đang chắc chân ở vị trí số 4 trên đường đến Tokyo.

Tương tự, lực sĩ Vương Thị Huyền giành hạng 5 chung cuộc ở đấu trường châu lục, xếp thứ 12 trên bảng xếp hạng 49 kg nữ của IWF.

Đối chiếu với các quy định chung, Vương Thị Huyền tạm đáp ứng được các điều kiện để đến sàn đấu Olympic, bởi xếp trên cô có đến 3 VĐV Trung Quốc gồm Hou Zhi-hui (hạng 1), Jiang Hui-hua (hạng 2), Zhang Rong (hạng 5) cùng với 2 lực sĩ của Mỹ là Jourdan Elizabeth (hạng 6) và Morghan Whitney (hạng 11). Ri Song-gum (hạng 3) của CHDCND Triều Tiên coi như cũng không tham dự nên Vương Thị Huyền đang nắm chắc suất vé thứ 8.

Đây mới chỉ là những tính toán trên lý thuyết bởi trong thực tế, những án phạt doping trong thời gian qua như quả bom nổ chậm đối với cử tạ Việt Nam. Liên tiếp 2 năm 2019 và 2020, IWF đã ra án phạt với 4 VĐV Việt Nam mà chỉ cần 3 trường hợp doping là một quốc gia có thể bị cấm thi đấu ở các giải quốc tế trong vài năm.

Vì thế, cử tạ Việt Nam đang hồi hộp chờ phán quyết từ IWF: không cho tham gia Olympic hoặc giảm số lượng VĐV đã có suất tham dự. Dự kiến phán quyết này sẽ được IWF ban hành vào tháng 5.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại