Devita Ariyanti đã bán khăn trùm đầu trong suốt 4 năm tại một cửa hàng nhỏ ở thành phố Yogyakarta, Indonesia. Hiện tại, cô gái đang phải đối mặt với một mối đe dọa mới: sản phẩm nhập khẩu giá rẻ tràn lan trên các nền tảng thương mại điện tử như Shopee, Lazada và TikTok Shop.
Chia sẻ với Rest of World, Devita cho biết mình lấy nguồn khăn từ các chợ bán buôn trong thành phố, với giá dao động từ 150.000 rupiah (9 USD) đến 400.000 rupiah (25 USD), đắt hơn nhiều so với giá bán trên các trang web thương mại điện tử.
“May mắn là tôi có những khách hàng trung thành”, doanh nhân 43 tuổi chia sẻ với Rest of World . “Nhưng tôi phải thừa nhận rằng rất khó để cạnh tranh với hàng nhập khẩu giá rẻ được bán trực tuyến. Nếu chính phủ muốn giúp chúng tôi bằng cách tăng thuế nhập khẩu, điều đó thật tuyệt”.
Đúng là Indonesia muốn bảo vệ các doanh nghiệp như Devita, với kế hoạch áp thuế nhập khẩu lên tới 200% đối với nhiều loại hàng hóa bao gồm hàng dệt may, quần áo, giày dép, mỹ phẩm và đồ điện tử. Các biện pháp chủ yếu nhắm vào hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, vốn đã tăng mạnh trong những năm gần đây.
“Nếu chúng ta tràn ngập hàng nhập khẩu, các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa có thể sụp đổ”, Zulkifli Hasan, Bộ trưởng Thương mại Indonesia, cho biết trong một cuộc họp báo vào tháng 7. Theo số liệu của chính phủ, các doanh nghiệp này chiếm khoảng 60% tổng sản phẩm quốc nội của đất nước và sử dụng khoảng 120 triệu lao động.
Indonesia là thị trường TMĐT lớn nhất Đông Nam Á , chiếm gần một nửa giá trị hàng hóa của 8 nền tảng hàng đầu, theo công ty tư vấn Momentum Works. Các nhà chức trách cho biết doanh số thương mại điện tử tại đây đạt 77 tỷ USD vào năm ngoái.
Hàng nhập khẩu từ Trung Quốc đã được hưởng mức thuế thấp hoặc bằng 0 tại Indonesia theo các hiệp định thương mại khu vực. Tuy nhiên, khi doanh số quần áo, giày dép và đồ điện tử giá rẻ tăng vọt trực tuyến, chính phủ đã phải vào cuộc để bảo vệ các doanh nghiệp địa phương.
Tổng thống Joko Widodo nhiều lần nêu lên mối lo ngại về hàng hóa giá rẻ Trung Quốc, đồng thời kêu gọi người tiêu dùng tránh xa các sản phẩm nhập khẩu. Nhiều biện pháp hạn chế đã được áp dụng, chẳng hạn như giới hạn ngưỡng hàng hóa không phải chịu thuế. Ban đầu ở mức 100 USD, sau hạ xuống 75 USD và giờ là 3 USD.
Trên khắp Đông Nam Á, các nước cũng đang siết chặt bằng cách tăng thuế nhập khẩu và cấm hoàn toàn một số mặt hàng. Malaysia áp dụng thuế bán hàng 10% đối với hàng hóa nhập khẩu có giá dưới 500 ringgit (106 USD), trong khi Philippines áp dụng thuế khấu trừ 1% đối với các thương gia trực tuyến. Tại Thái Lan, sự gia nhập của công ty thương mại điện tử Trung Quốc Temu đã làm dấy lên lời kêu gọi tăng thuế đối với một số mặt hàng.
Simon Torring, đồng sáng lập công ty nghiên cứu Cube Asia, nói với Rest of World rằng đã có nhiều loại thuế và hạn chế hơn nhằm vào các công ty thương mại điện tử.
“Thương mại điện tử đã trở nên quá lớn đến mức tác động lên khắp các doanh nghiệp địa phương”, ông nói. “Indonesia là quốc gia đầu tiên hành động. Các nhà bán lẻ địa phương khác trong khu vực cũng đang gây sức ép buộc chính phủ của họ hành động”.
Indonesia cho biết mô hình bán hàng trực tiếp đến người tiêu dùng của Temu hiện đang vi phạm luật pháp địa phương. Các công ty khác, bao gồm Shopee, Lazada và TikTok Shop đều đã thành lập tại Indonesia và lấy hàng từ Trung Quốc để bán trực tiếp trên nền tảng.
Kế hoạch áp dụng mức thuế suất cao sẽ giúp ích cho các ngành công nghiệp địa phương, theo Bhima Yudhistira, giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh tế và luật pháp. Tuy nhiên, ông cảnh báo rằng điều này cũng có thể dẫn đến căng thẳng giữa các quốc gia. “Nếu chính phủ không cẩn thận, nó sẽ gây ra vấn đề, bao gồm cả trả đũa hoặc tệ hơn”, Bhima nói.
Tại Tanah Abang của Jakarta, chợ dệt may lớn nhất Đông Nam Á, nhiều doanh nghiệp đã đóng cửa vì không thể cạnh tranh với hàng nhập khẩu giá rẻ. Những doanh nghiệp khác chỉ đơn giản chuyển sang bán hàng nhập khẩu để tồn tại. Hơn 3/4 người mua hiện là người bán lại các mặt hàng trên livestream.
Thuế nhập khẩu cao hơn được cho là không thể ngăn chặn dòng nhập khẩu bất hợp pháp. Chính phủ phải làm nhiều hơn nữa để ngăn chặn những lô hàng này, đồng thời đảm bảo rằng các doanh nghiệp địa phương phụ thuộc vào hàng nhập khẩu không bị phạt, theo Wisnu Wahyudin Pettalolo, phó chủ tịch Phòng Thương mại Indonesia.
“Chúng tôi không chống nhập khẩu”, Wisnu, thành viên nhóm công tác nhập khẩu bất hợp pháp của Bộ Thương mại, cho biết. “Nhưng chính phủ phải phân loại rõ những hàng hóa nên hay không nên nhập khẩu. Dù muốn hay không, chúng tôi vẫn đang phụ thuộc vào nguyên liệu thô từ nước ngoài và một số sản phẩm không thể sản xuất trong nước”.
Tránh xa sự ồn ào của Jakarta, một người phụ nữ tên Rakhmawati bắt đầu sản xuất trang phục batik trong thời kỳ đại dịch. Cô lấy vải từ Yogyakarta và Solo, sau đó bán các sản phẩm hoàn thiện với giá từ 150.000 rupiah (9 USD) đến 1 triệu rupiah (63 USD. Rakhmawati thỉnh thoảng đăng ảnh lên Instagram nhưng gần như hoàn toàn dựa vào khách hàng quen và chợ địa phương để bán.
“Tất nhiên tôi lo ngại về các trang thương mại điện tử. Sản phẩm của tôi đắt hơn, nhưng chúng được làm thủ công, với thiết kế độc đáo. Khách hàng của tôi vẫn coi trọng điều này”, cô nói.