Tác động kép kéo giá dầu lao dốc
Dịch bệnh COVID-19 bùng phát ở phạm vi hơn 200 quốc gia, gồm những nền kinh tế hàng đầu như Mỹ, Trung Quốc, Đức, Italy, Tây Ban Nha, Anh, Pháp,... đã khiến hoạt động kinh tế xã hội toàn cầu bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhiều ngành nghề dịch vụ, hoạt động sản xuất, kinh doanh gần như đã bị ngừng lại, tác động trực tiếp đến nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ trên thế giới.
Cơn khát dầu của thế giới đã bốc hơi - CNN bình luận trong báo cáo ngày 2/4.
Mặt khác, nguồn cung dầu mỏ đã phục hồi trong cuộc chiến giá cả giữa Saudi Arabia và Nga. Các nhà sản xuất Mỹ thì không muốn là người tiên phong trong việc đóng cửa nhà máy. Thế giới có thể sớm hết chỗ lưu trữ lượng dầu khổng lồ này.
Jeff Wyll, chuyên gia phân tích năng lượng tại Neuberger Berman, cho biết: "Thị trường đang bắt đầu báo hiệu rằng nhu cầu về dầu đang giảm mạnh, không chỉ có vậy, lượng dầu thừa sẽ không còn chỗ để chứa."
Nói cách khác, các cơ sở lưu trữ, các nhà máy lọc dầu, nhà ga,... sẽ đạt hết công suất chứa - điều này chưa từng xảy ra kể từ năm 1998, theo Goldman Sachs.
Giao dịch ở một số thị trường cho thấy các nhà đầu tư đang bắt đầu chuẩn bị cho những rủi ro có thể xảy ra sớm hơn dự kiến.
Cả dầu WTI và dầu Brent đều tăng giá sau khi tổng thống Mỹ Donald Trump lên Twitter nói rằng Nga và Saudi nhất trí cắt giảm sản lượng đến 10 triệu thùng dầu.
Tuy nhiên, ngay cả khi dầu WTI có giá trên 26 USD/thùng và dầu Brent là trên 33 USD/thùng (giá ngày 3/4), giá dầu ở một số khu vực đã rơi xuống mức một chữ số. Điều này đặc biệt đúng với dầu thô khai thác từ những địa điểm tiếp cận khó khăn với kho chứa.
"Nhu cầu đang giảm rất nhanh so với nguồn cung, đến mức trong tương lai gần, mối lo chính của nhiều nhà sản xuất sẽ không phải là liệu họ có thể đảm bảo lợi nhuận hoạt động hay không mà là họ có thể tìm được đầu ra cho dầu thô của mình hay không," các nhà phân tích của JBC Energy viết trong báo cáo hôm thứ Ba, 31/3.
Một phương án khác được đề xuất là đưa tất cả số dầu thô lên tàu. JBC cho biết khoảng 20% hạm đội vận chuyển dầu thô toàn cầu có thể trở thành kho lưu trữ nổi. Nhưng ngay cả khi phương án đó được thực hiện, lượng dầu vẫn thừa.
Trong tháng 4, dự kiến mỗi ngày sẽ có khoảng 6 triệu thùng "dầu vô gia cư". JBC ước tính con số này sẽ có thể là 7 triệu thùng trong tháng 5.
Giá dầu âm
Tình trạng cung nhiều hơn cầu này đang tạo ra tình thế giá dầu thô thực sự có thể giảm xuống dưới 0.
Bloomberg đưa tin vào tuần trước, giá dầu thô ở bang Wyoming gần đây đã ở mức -19 cent/thùng.
Sự thiếu hụt nơi dự trữ đồng nghĩa với việc có những nhà sản xuất phải trả tiền cho người khác chỉ để mang những thùng dầu đi.
"Giá dầu đang buộc các công ty phải ngừng việc khai thác," ông Jeff Wyll nói.
Dầu thô Brent có khả năng tránh được điều này bởi nó được chiết suất trên một hòn đảo tại Biển Bắc, có thể tiếp cận được ngay tới nơi dự trữ. Tuy nhiên không phải loại dầu thô nào cũng may mắn như vậy.
Dầu đã giảm tới 2/3 giá trị kể từ mức đỉnh tháng 1. Hiện nay, các công ty dầu mỏ của Mỹ đang bắt đầu đưa ra quyết định đau đớn "đóng cửa" sản xuất.
Theo Goldman Sachs, tình trạng hiện nay đã buộc việc sản xuất phải giảm đi ít nhất 900.000 thùng mỗi ngày, con số trên thực tế có thể cao hơn và tiếp tục "tăng theo giờ".
Rystad Energy cho biết, tình trạng này sẽ buộc việc sản xuất lớn phải ngừng lại vào tháng 4 và tháng 5. Các giếng dầu cũ, kém năng suất sẽ có khả năng ngừng hoạt động trước.
Ngay cả các công ty dầu mạnh nhất của Mỹ cũng nói rằng họ sẽ thu hẹp chi tiêu và sản xuất. Chevron (CVX) đã công bố kế hoạch cắt giảm chi tiêu 30% và giảm 20% mục tiêu đầu ra ở mỏ Permian Basin vào tuần trước.
Tổng kết lại, khả năng sản xuất của ngành công nghiệp này có thể giảm tới 5 triệu thùng mỗi ngày - theo Goldman Sachs.
Biểu đồ biến động bất ổn của giá dầu WTI (theo %) từ ngày 23/3 đến 3/4. Giá dầu đã giảm trở lại sau khi bật tăng ngày 2/4 do thông điệp trên Twitter của tổng thống Mỹ Trump (Nguồn: Nymex)
Tiền đề cho một cú sốc dầu?
Việc nhu cầu giảm mạnh do đại dịch COVID-19 sẽ không kéo dài mãi mãi. Máy bay sẽ cất cánh trở lại và người dân lại tiếp tục bơm xăng để phục vụ việc di chuyển một khi họ được đi làm. Nhưng tới lúc đó, ngành công nghiệp dầu mỏ có thể không sản xuất nhiều dầu như trước đây vì các giếng dầu đã ngừng hoạt động.
Ông Jeffrey Currie, Trưởng phòng nghiên cứu hàng hóa toàn cầu Goldman Sachs, nhận định tình trạng cung nhiều hơn cầu ngày hôm nay có thể có thể đột nhiên biến thành sự khan hiếm dầu mỏ vào ngày mai. Giá dầu năm tới có thể đạt mức 55 USD/thùng.
"Điều này cuối cùng sẽ tạo ra một cú sốc lạm phát dầu trong lịch sử," Currie chia sẻ.