Cụ ông sống trong căn nhà siêu nhỏ ở Hà Nội: Ngủ phải nằm nghiêng, ăn uống ở “khách sạn”

Cường Ngô |

25 năm qua, người đàn ông nghèo tên Cao cùng con trai sống trong căn nhà chỉ rộng 2m2 ở khu phố cổ Hà Nội. Căn nhà “siêu nhỏ, siêu hẹp” khiến việc sinh hoạt gặp nhiều khó khăn. Dù vậy, ông luôn vui vẻ, lạc quan vào cuộc sống, chẳng thế mà ông ví bữa cơm 10.000 đồng ở vỉa hè của mình là bữa cơm ngon trong khách sạn.

"Căn phòng chật hẹp, mọi người thấy nóng nhưng tôi thấy… ấm lắm!”

Nhắc đến phố cổ Hà Nội người ta thường liên tưởng đến những câu chuyện về cuộc sống của người dân nơi đây. Từ câu chuyện phố xá tấp nập khách du lịch đến chuyện kinh doanh buôn bán... và cả câu chuyện sống ở phố cổ chật hẹp với những căn nhà không thể "mini" hơn.

Leo qua vài bậc cầu thang cũ mèm trong con ngõ nhỏ ở phố Thuốc Bắc (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) mới đến căn nhà của ông Chu Văn Cao (sinh năm 1947).

Nói là nhà cho sang miệng, thực chất chỉ là gác xép, rộng khoảng 2 mét vuông. Nhà không có cửa, chiều dài khoảng 2,5m, chiều rộng 1m, chiều cao chưa đầy 1,5m. Tất cả sinh hoạt, ngủ nghỉ của hai cha con ông Cao đều diễn ra ở “tổ ấm” này.

Ông Cao cho hay, căn nhà này vốn là nơi chứa đồ gắn liền với căn phòng 16m2 ở tầng 1. Ông và con trai (SN 1988) sống ở đây đã 25 năm. Do diện tích phòng nhỏ nên đồ đạc của ông già 70 tuổi chỉ đơn giản là vài bộ quần áo, bình nước, gương, lược và sách báo.

Việc vệ sinh, tắm rửa hàng ngày, ông đều dùng chung khu nhà vệ sinh công cộng. Những ngày nắng nóng, căn phòng của ông như lò thiêu, tuy vậy, ông Cao vẫn hài hước cho rằng: “Tôi ở đây quen rồi, mọi người thấy nóng nhưng tôi thấy… ấm lắm!”.

Cụ ông sống trong căn nhà siêu nhỏ ở Hà Nội: Ngủ phải nằm nghiêng, ăn uống ở “khách sạn” - Ảnh 1.

Căn phòng nhỏ hẹp, chỉ vỏn vẹn 2m2. Ảnh Cường Ngô

Vì diện tích phòng quá chật nên khi ngủ hai bố con phải nằm nghiêng mới đủ chỗ. Trần nhà thấp, mỗi lần mặc quần áo, ông đều phải khom lưng hoặc nằm ra sàn mới mặc được.

Theo lời ông Cao, dù cuộc sống chật hẹp, tù túng, song cụ ông 70 tuổi vẫn vui vẻ, lạc quan. Ông tâm sự, bản thân cảm thấy hạnh phúc vì còn chỗ trú chân, may mắn hơn rất nhiều người.

“Những khó khăn hiện tại không sá gì so với những khó khăn mà thế hệ tôi đã trải qua. Tôi từng nếm trải những vất vả của cuộc sống nên thấy việc ở trong ngôi nhà chật hẹp này là chuyện bình thường.

Ngày xưa, tôi đi công tác, cuộc sống gian khổ lắm. Tôi và 4, 5 đồng nghiệp của mình từng nằm ngủ dưới gầm ôtô suốt 3 ngày trời... Vẫn vui vẻ đó thôi!”, ông Cao cười tươi.

"Tôi có thể không ăn cơm, không uống nước nhưng không thể không đọc sách"

Ông Cao cho hay mỗi bữa cơm ông chỉ ăn khoảng 10.000 đến 15.000 đồng ở vỉa hè. Song, ông so sánh bữa cơm đạm bạc của mình như bữa cơm ngon ở khách sạn hạng sang.

Nghĩ được như thế, phải chăng xuất phát từ chính tinh thần lạc quan, yêu đời của cụ ông đã sang đến cái dốc bên kia của cuộc đời.

Một thói quen từ lúc còn trẻ ông vẫn duy trì cho đến tận bây giờ là đọc sách báo mỗi ngày. Đối với ông, việc đọc sách không chỉ dừng lại ở nhu cầu tìm hiểu tin tức mà sách báo còn là người bạn tâm giao theo ông suốt mấy chục năm trời.

“Tôi có thể không ăn cơm, không uống nước nhưng không thể không đọc sách. Tôi đọc sách để biết thế giới xung quanh đang biến chuyển như thế nào; tôi đọc sách để thư thái đầu óc và để suy ngẫm nhiều hơn về nhân tình thế thái”.

Với ông Cao, điều trăn trở duy nhất là người con trai năm nay gần 30 tuổi nhưng công việc bấp bênh, không ổn định. Ông lo khi con trai lấy vợ, sinh con không biết sẽ xoay sở ra sao với căn phòng vỏn vẹn 2m2.

“Căn nhà nhỏ hẹp này khiến con trai tôi tự ti, ngày càng khép kín, không thích tiếp xúc với mọi người. Sau này khi nó lấy vợ, tôi khuyến khích cháu ra ngoài hơn là ở nhà”.

Khi được hỏi về mong muốn ở thời điểm hiện tại, ông Cao khẽ cười: “Tuổi già rồi, mọi người giúp gì tôi nhận, nhưng tôi không mong mỏi hay trông chờ gì nhiều, tự bản thân tôi hiện vẫn còn đủ sức khỏe để lo cuộc sống cho mình”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại