Đứng trên ngọn trúc cao chót vót, chân đạp trúc, thân nhẹ như chim yến, “bay” từ cây này sang cây khác. Đây chính là thói quen, nghề mưu sinh và niềm tự hào to lớn cả đời của người đàn ông lớn tuổi mệnh danh "trúc hải phi nhân" (người bay trong biển trúc) cuối cùng của Trung Quốc - Mao Khang Đạt.
Thôn Thạch Môn ở trấn Khê Khẩu (Chiết Giang, Trung Quốc) là xứ sở của cây trúc. Nhà nhà đều sống bằng cây trúc. Đây là quê hương của Mao Khang Đạt, cũng chính là địa điểm quay cảnh khinh công trong rừng trúc bạt ngàn của những bộ phim cổ trang Trung Quốc.
Cả cuộc đời của Mao Khang Đạt gắn liền với rừng trúc, mỗi ngày nhìn cha chặt ngọn trúc kiếm tiền, lớn lên đã tiếp nối nghề truyền thống này. Ông cho rằng: “Đây chính là nhiệm vụ cao cả mà bề trên đã giao phó. Chỉ cần còn sức lao động, tôi vẫn làm công việc này mỗi ngày”.
Không cần bất kỳ dây đai an toàn hay công cụ hỗ trợ nào, Mao Khang Đạt vẫn có thể “bay” xuyên rừng trúc một cách dễ dàng tựa như có khinh công. Thậm chí ông còn có thể ăn cơm ngủ nghỉ trên ngọn trúc cao. 50 năm "bay" trong biển trúc, ông không một lần sảy chân hay mắc lỗi lầm gây nguy hiểm tính mạng.
Ai mà ngờ được Mao Khang Đạt đã là một ông lão gần 80 tuổi. Vì để bán trúc được giá hơn, cứ tháng 8-9 hằng năm, Mao Khang Đạt được thuê đi chặt phần ngọn trên cùng của cây trúc.
Một cây trúc cao tận 20 mét, Mao Khang Đạt có thể leo lên đỉnh ngọn chỉ trong vài phút. Sau đó, ông sẽ chặt phần ngọn dài 1-2 mét. Công việc này không chỉ là kế sinh nhai, mà còn tạo nên rất nhiều lợi ích khác. Cây trúc bị chặt mất ngọn sẽ mọc thẳng hơn, đồng thời không bị gió bão thổi gãy đứt đoạn.
Vì không có bất kỳ biện pháp bảo hộ và hỗ trợ, Mao Khang Đạt chỉ có thể mượn sức của tự nhiên để "bay" trong rừng trúc. Khi ở trên ngọn của một cây trúc, ông sẽ mượn lực đàn hồi của nó để nhảy chuyền từ cây này sang cây khác. Thời gian dần trôi, làm nhiều thành quen, Mao Khang Đạt đã luyện thành bộ môn khinh công trong rừng trúc. Quá trình này cũng giúp Mao Khang Đạt sở hữu lực cánh tay và lực cẳng chân hơn người.
Công việc này vô cùng nguy hiểm, không chỉ đòi hỏi sự can đảm, nhanh tay, mà còn phải phán đoán chính xác khả năng chịu tải của cây trúc. Đương nhiên, trước khi leo lên một ngọn trúc nào đó, Mao Khang Đạt phải lựa chọn kỹ lưỡng. Ông sẽ không leo cây có sâu đục khoét, hoặc cây từ 2 đến 10 năm tuổi. Một sơ suất hay sai lầm dù nhỏ nhất cũng trở thành mối nguy hiểm chí mạng.
Thời còn trẻ, mỗi ngày Mao Khang Đạt có thể chặt gần 1.000 cây trúc. Để tiết kiệm sức lực và thời gian, "trúc hải phi nhân" một khi đã leo lên ngọn cây trúc thì sẽ hoạt động liên tục mười mấy tiếng đồng hồ.
Mao Khang Đạt buộc vài ngọn trúc lại với nhau, nhờ vào sự rậm rạp của cành lá, trở thành chỗ nghỉ ngơi tạm thời của ông. Lúc này, ông có thể ăn bữa trưa, uống chút nước và nghỉ mệt. Đồ ăn mang theo cũng đơn giản hết mức có thể, đa phần là cơm trắng rắc một ít gia vị, để không trở thành thứ cản trở trong quá trình di chuyển của ông.
Mặt trời xuống núi, Mao Khang Đạt kết thúc một ngày làm việc. Mặc dù đã hơn 70 tuổi, hiện tại mỗi ngày, Mao Khang Đạt vẫn chặt hơn 500 ngọn trúc.
Lấy trời làm chăn, lấy trúc làm giường. Đây chính là cuộc sống hòa hợp và gắn bó với thiên nhiên của ông lão Mao Khang Đạt hơn mấy chục năm qua.
Thời đại đã thay đổi, trúc không còn là nguồn thu nhập chính của người dân trong thôn. "Người bay trong biển trúc" như Mao Khang Đạt đã không còn đất dụng võ. Nhưng tuyệt kỹ này đã có lịch sử hàng trăm năm, truyền thừa qua nhiều thế hệ, được vinh danh trong danh sách di sản phi vật thể của Trung Quốc.
Cho dù không có ai thuê, Mao Khang Đạt cũng vào rừng trúc hằng ngày. Số trúc thu về được dùng làm củi đốt, đôi khi ông cũng đào măng mang về nấu ăn hoặc mang ra chợ bán.
Sở hữu tuyệt kỹ độc môn, Mao Khang Đạt vô cùng tự hào. Song điều duy nhất khiến ông tiếc nuối chính là không có thanh niên trẻ nào chịu học hoặc ít nhất chọn việc "bay giữa rừng trúc" là một nghề mưu sinh. Điều này cũng dễ hiểu vì chẳng mấy ai chấp nhận mạo hiểm tính mạng với công việc dường như phi lý này.
Nói đến đây, khuôn mặt của Mao Khang Đạt đượm buồn. Ông biết rằng khi bản thân mất đi, niềm tự hào này cũng chôn vùi vào quên lãng.
Nguồn: Sohu, Toutiao