Cụ ông 94 tuổi ngày ngày bán sách mưu sinh: "Tôi chỉ mong có mái ấm chui ra chui vào"

Diễm Hạnh |

Nằm kế bên trường tiểu học Nguyễn Thị Định, đường Lâm Văn Bền, Bình Thuận, quận 7, TP HCM là sạp sách báo cũ của ông Trần Minh Quang. Ở cái tuổi 94, ông Quang vẫn lầm lũi ngày ngày bán sách để nuôi thân và không có lấy một mái ấm để đi về.

Trời trưa nắng nhưng ông Minh Quang đã lụi cụi xếp đống sách vào vì lo lắng trời sẽ đổ mưa bất chợt. Sách gặp nước sẽ hư hỏng, khách đến mua sẽ chê. Thế nên dù trời vẫn nắng chang chang, ông Minh Quang vẫn dọn trước… "cho chắc ăn".

Ông Quang có vợ, có con nhưng bây giờ chỉ còn một thân một bóng ở đây. Ông cũng không có một mái nhà để về. Chỗ ngủ của ông cũng là chỗ sạp sách truyện. Khoảng 9 giờ tối, khi mà vắng người ông mới được đem cái đi-văng ra ngủ, chứ buổi sáng ông chẳng có một chỗ ngả lưng.

Sạp sách truyện của ông mở cửa từ 6 giờ sáng cho đến 11 giờ trưa, nhưng có những ngày trời đổ mưa thì ông dọn hàng sớm hơn. Tuổi cao sức yếu nên có muốn ông Quang cũng không thể buôn bán lâu hơn.

Ông Quang và sạp báo của mình

Ông Quang chia sẻ bản thân đã bán sách từ lâu, tính đến nay đã gần 30 năm, mà riêng bán ở chỗ trường Tiểu học Nguyễn Thị Định thì cũng đã 9 năm. Trước đây ông Quang có mở quán nhậu nhưng thấy không phù hợp.

Những người ông cưu mang cứ dựa vào quán nhậu của ông để chè chén suốt ngày, thế nên ông dẹp quán, quyết định chuyển sang bán sách. "Bán sách thì đơn giản, không phải nấu nướng dọn dẹp gì, phù hợp với tuổi già như tôi." - ông Quang cho biết lí do, và ông gắn bó với cái nghề này cho đến tận bây giờ.

Số sách của ông, phần lớn là được mọi người cho, chỉ một số ít sách ông mua. Có những người thay vì bán cho đồng nát số sách báo, tạp chí cũ, họ đem ra cho ông Quang. Ông Quang biết ơn họ rất nhiều.

Nói về công việc bán sách thì ông bảo cũng khá bấp bênh. Giờ đây, những cuốn truyện, cuốn sách đều có thể được tìm thấy trên Internet nên ít ai đọc. Những đứa trẻ ở trường Tiểu học cũng ít được bố mẹ cho mua truyện như xưa. Thế nên ông bán cũng chẳng được bao nhiêu.

Nhiều lúc, ông còn tặng thêm sách cho những người mua nhiều. "Tôi bán nhưng họ cho nhiêu thì cho" - ông Quang nói về cái "nghề" của mình.

Dù không bán sách vì "đam mê" nhưng ông Quang vẫn rất trân quý những cuốn sách của mình. Ông giới thiệu từng cuốn khi có khách đến hỏi mua. Ông chăm chút tỉ mẩn cho những chồng sách, phơi nắng để bảo quản sách lâu hơn. Trên chiếc xe đạp cũ kỹ của ông, vẫn còn cuốn sách "Câu thơ trên sông" đang đọc dở.

Mong một mái ấm ở tuổi già

Nói về bản thân mình, ông Minh Quang ngậm ngùi cho biết, giờ đây ông chẳng còn gì để mong chờ. Ở cái tuổi 94 này, một thân lẻ bóng, không con không cháu, không chốn nương thân, đối với ông đó là một sự mất mát.

Ông chia sẻ: "Bán sách thì cũng đủ sống, ngày được 50 nghìn, ngày được 70 nghìn, 80 nghìn. Tôi mua một ký gạo, 10 nghìn, chia được 4 lon, ăn được rất lâu. Già rồi, ăn có được bao nhiêu đâu".

Bây giờ cuộc sống của ông cũng dựa vào sự giúp đỡ của mọi người. Ai cho gì ông nhận đó, bánh mì, cơm, nước, để trang trải cho bữa ăn. Coi như là đủ sống. Nhưng ở những giây phút này, ông chỉ muốn có được một nơi dừng chân.

Ước mơ của ông Quang bây giờ chỉ là một mái ấm nhỏ, một chỗ để ông chui ra chui vào. Khi tôi đề cập đến những mái ấm giúp đỡ người già neo đơn, ánh mắt ông sáng hẳn lên, ông run run giọng nói: "Chỗ đó khi tôi chết rồi thì người ta có chôn tôi không? Bây giờ tôi chỉ mong sau này tôi chết có người lo cho tôi mà thôi".

Một ước mơ tưởng chừng như rất giản đơn, nhưng đối với ông Quang, điều đó quá khó khăn mà đến tận cuối đời, ông vẫn chưa thể đạt được. Dưới tán cây là những cuốn truyện cười với màu sắc vui nhộn, còn trong ánh mắt ông Quang vẫn thăm thẳm nỗi buồn của tuổi già cô độc.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại