Cử nhân Philippines gục khóc trong ngày ra trường: 4 lần tốt nghiệp loại xuất sắc, bố mẹ không đến 1 lần nào

ĐẠT LÊ |

Lần cuối cùng này thôi, ngày tốt nghiệp cao đẳng, chàng sinh viên mong bố mẹ mình sẽ đến. Thế nhưng chặng đường đi học của anh đã hoàn toàn khép lại mà vắng bóng bố mẹ trong những sự kiện quan trọng nhất…

Gần đây, bài viết trên Facebook của một anh cử nhân ở Philippines đã gây sốt cộng động mạng, nhận về hơn 43k lượt like và 13k lượt chia sẻ. Nội dung không hẳn là mới mẻ, chấn động nhưng lại khiến nhiều người đồng cảm.

Cử nhân Philippines gục khóc trong ngày ra trường: 4 lần tốt nghiệp loại xuất sắc, bố mẹ không đến 1 lần nào - Ảnh 1.

Đó là tâm sự của Jeric Rivas , từ quê nhà thuộc đảo Sibuyan lên thành phố San Jose del Monte học cao đẳng. 

Đến hôm tốt nghiệp, anh vẫn cố gượng cười khi đứng trên sân khấu nhận bằng, nhưng trước và sau khoảnh khắc ấy là những lần gục ngã ở một góc khán đài. 

Bởi trong cả đời đi học, Jeric từng 4 lần ra trường loại xuất sắc - cấp I, II, III và cao đẳng, nhưng bố mẹ anh chưa đến dự một lần nào! Jeric từng hi vọng bố mẹ mình sẽ đến dự vào lần cuối cùng này nhưng họ vẫn không xuất hiện... 

Cử nhân Philippines gục khóc trong ngày ra trường: 4 lần tốt nghiệp loại xuất sắc, bố mẹ không đến 1 lần nào - Ảnh 2.

Ai đã từng cố gắng thật nhiều suốt từng ngày, từng tháng để đạt thành tích vào cuối năm học, chắc chắn sẽ hiểu được cảm giác tủi thân, buồn bã của anh chàng Jeric này. 

Có lẽ vì dồn nén rất nhiều nên anh chàng "xả" hết một mạch trên Facebook, không có một đoạn ngắt nghỉ gì cả. Tuy nhiên đó lại là những lời chia sẻ rất chân thật và cảm động. 

Cử nhân Philippines gục khóc trong ngày ra trường: 4 lần tốt nghiệp loại xuất sắc, bố mẹ không đến 1 lần nào - Ảnh 3.

Lược dịch bài đăng của Jeric như sau:

"Đây là câu chuyện của tôi - JERIC R. RIVAS - cử nhân ngành Tội phạm học, trường Cao đẳng La Concepcion.

Tôi cảm thấy vui buồn lẫn lộn khi kết thúc hành trình đi học. Buồn vì tôi nhớ về những điều đã xảy ra, từ tận thời tiểu học. 

Khi đó, tôi xuất sắc xếp hạng 6 nhưng không có một người thân nào đến dự. Cuối cùng, tôi còn chẳng dám leo lên bục, nên chẳng được nhận lấy chiếc huy chương của mình.

Lần kế tiếp là vào ngày tốt nghiệp và trao thưởng cấp II. Tôi đã rất hi vọng được leo lên bục và bố mẹ sẽ đeo cho chiếc huy chương. Thế rồi, tôi đã phải 'mượn' phụ huynh của một bạn khác cho việc vinh danh ấy.

Một ngày khác nữa, lễ tốt nghiệp cấp 3, tất cả bố mẹ của các bạn chung lớp đều đến dự. Nhưng tôi nhìn cạnh bên mình - từ đằng trước, đằng sau, bên trái, bên phải - nhìn khắp nơi để tìm bóng dáng của bố mẹ... 

Thời gian chẳng đợi ai, lần lượt, từng học sinh được gọi tên để nhận bằng tốt nghiệp. Khi nghe thấy tên mình, tôi nhấc từng đầu gối đứng dậy, bước đi trong nước mắt. 

Tôi cảm thấy khi đó mình rất xấu xí. Ai cũng có bố mẹ để cùng hân hoan vui mừng, còn tôi chẳng có ai cả.

Rồi một lần khác, tôi bị mắng vì không học nghề ở tỉnh. Thật sự là không ai muốn nhận tôi vào và tôi cũng cảm thấy rất chán, vì thế đã một mình lên thành phố. 

Khi đó, tôi đã giận đến nỗi lập lời hứa rằng, từ ngày hôm đó sẽ chẳng chờ đợi ở họ bất kì hi vọng nào nữa.

Tôi đăng kí học cao đẳng mà không chuẩn bị đủ tiền. Để có thể tốt nghiệp, tôi chấp nhận bất cứ việc làm thêm nào, từ công nhân xí nghiệp đến làm gia sư, trợ giảng, bảo vệ, nhân viên phục vụ,... 

Việc nào cũng được, miễn là có tiền để đóng học phí. Cuối cùng thì mọi nỗ lực đã được đền đáp. Vào lúc 8h sáng ngày 14/4/2019, tôi bước vào lễ tốt nghiệp cao đẳng. 

Lúc đầu rất hào hứng, nhưng tôi lại nhìn xung quanh - vẫn là trước, sau, trái, phải - khắp nơi là hàng loạt khuôn mặt rạng rỡ của bạn bè trong vòng tay gia đình.

Tôi đã khóc, không thể ngừng lại. Tôi cảm thấy từng giọt nước mắt rơi xuống, tự nói với bản thân: 'Tại sao mọi người luôn có bố mẹ chúc mừng mà tôi - một lần nữa - chẳng có ai bên cạnh để cùng lên sân khấu, chấp nhận tấm bằng của mình, mỉm cười với mình, tự hào về mình?'. 

Tôi nghĩ mình hiểu được, vì sao các bạn khác không ngồi đây và khóc cùng tôi. Vì chẳng có một tân cử nhân nào như thế này cả!

Dù vậy, một giáo sư đã bước đến và đưa tôi lên nhận bằng. Khi bước đi, tôi vẫn không thể ngừng khóc, vô thức quay mặt về phía một trong các giảng viên đứng trên sân khấu để che đi những giọt nước mắt và nỗi xấu hổ. 

Khi đó, tôi nhớ là có vài bạn chung lớp đã bước qua và nói rằng họ tự hào về tôi... Cảm ơn nhé! [Gửi lời cảm ơn các thầy cô đã giúp đỡ trong việc học và trong cuộc sống].

Cảm ơn người ông đã động viên cháu trở thành người đầu tiên trong gia đình học lên cao hơn. Mong ước ấy đã thành hiện thực. 

Gửi đến bố mẹ - những người vẫn chưa chấp nhận tôi trong cuộc đời họ: Nếu bố mẹ đang đọc những dòng này, đây là con của hiện tại và mong rằng bố mẹ sẽ tự hào".

"Nếu bố mẹ đang đọc những dòng này, đây là con của hiện tại và mong rằng bố mẹ sẽ tự hào".

Bố mẹ không đến dự lễ tốt nghiệp - nghe có vẻ chẳng có gì to tát, nhất là khi trong cuộc sống có quá nhiều gánh nặng, những nỗi lo mưu sinh để trang trải cho cả gia đình. 

Nhưng khi đọc những chia sẻ rất dài của Jeric, ta lại thấy rằng trên chặng đường đi học và cả đường đời sau này, ai mà chẳng muốn có gia đình là chỗ dựa? 

Các buổi lễ không chỉ là sự kiện công nhận nỗ lực học tập của đứa trẻ, mà còn là những giờ phút có ý nghĩa nhất trong đời của con, mong muốn được bố mẹ đón nhận và chúc mừng cho mình. 

Dường như giữa Jeric - chủ nhân bài viết và bố mẹ của anh có những hiểu lầm không nhỏ. 

Tuy vậy, khi những thành công nhỏ bé của mỗi chúng ta không được bố mẹ ở bên ủng hộ, cảm giác chạnh lòng ấy sẽ chẳng bao giờ có thể quên được. 

Dạo gần đây, cộng đồng mạng có truyền nhau một câu nói: "Người lớn thấy vấn đề của đứa trẻ chỉ như cái miệng giếng, nhưng với đứa trẻ ấy, nó là cả một bầu trời".

Trường hợp của tân cử nhân Jeric có lẽ cũng như vậy. Nhiều người chê trách anh quá nhạy cảm, làm to chuyện, thích nổi tiếng... 

Tuy nhiên, với 43.000 tài khoản Facebook đã bày tỏ cảm xúc cho bài viết của Jeric và rất nhiều người khác nữa, tâm sự của anh về mối quan hệ giữa bố mẹ với con cái - thể hiện qua các buổi lễ tốt nghiệp - chính là tâm trạng chung đầy cay đắng mà họ từng phải trải qua...

Ý kiến của bạn về vấn đề này như thế nào? Hãy chia sẻ dưới phần bình luận nhé.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại