Bất cứ ông bố bà mẹ nào cũng đều muốn dành những điều tốt đẹp nhất tới con cái của họ.
Tôi, mẹ của 1 cậu con trai nhỏ cũng vậy, tôi luôn cố gắng làm những điều tốt nhất cho con, bảo vệ con tránh khỏi những rắc rối, khó khăn, chăm sóc và chiều chuộng con hết mực.
Nhưng tôi không ngờ rằng chính cách nuôi dạy "không làm con ngã" này của tôi đã khiến thằng bé trở nên nhút nhát, sống phụ thuộc và thiếu bản lĩnh.
Giống như bất kỳ bậc cha mẹ nào, tôi muốn con trai mình có mọi thứ tốt nhất nhưng tôi lại không biết rằng, nếu không để con được quyền ngã, thì con sẽ không bao giờ học được cách tự đứng dậy từ cú ngã đó.
Mà cuộc sống thì luôn có vô vàn những cú ngã, dù tôi có thích hay không. Tôi không thể cứ mãi bảo vệ con trong vòng tay và ngăn cản mọi rắc rối đến với con.
Tôi nhận ra mình cần phải dạy con về sự dũng cảm, bản lĩnh kiên cường sau nhiều lần vô tình bắt gặp con xử lý với các khối xếp hình đồ chơi.
Con vốn thích chơi xếp hình khối nên tôi đã mua cho con khá nhiều đồ. Mọi việc sẽ trôi qua êm đềm nếu như các hướng dẫn xếp hình đơn giản và dễ dàng.
Nhưng khi độ khó tăng dần, tôi thấy con bắt đầu cau mày, mím môi và cuối cùng là ném các khối hình sang một bên với thái độ tức giận, thậm chí khăng khăng đòi mẹ phải lắp hoàn chỉnh hộ cho.
Tôi nhận thấy có vẻ những yêu cầu này đang quá tải với con, không chỉ riêng với trò xếp hình mà ngay cả các khía cạnh khác trong cuộc sống con cũng rất dễ dàng từ bỏ và không đủ kiên nhẫn thực hiện khi chỉ thấy hơi khó một chút.
Con có thể cố tình đến lớp tennis muộn vì không muốn chạy khởi động đầu giờ, con nán lại sân chơi vì không muốn leo lên đỉnh núi mô hình.
Chúng ta đang sống trong một thế giới đầy biến động và luôn thay đổi.
Cách duy nhất để con cái chúng ta có thể vươn lên và vượt qua những thách thức này, đối mặt với những thay đổi đang gặp phải đó chính là bản lĩnh, sự kiên cường - cả về tinh thần và thể chất.
Khả năng tự đứng dậy, đối phó với sự thay đổi và chấp nhận khi mọi thứ không theo như kế hoạch hay mong muốn sẽ giúp trẻ thích nghi tốt hơn. Sự kiên cường sẽ giúp trẻ tiếp tục cố gắng, đạt được những gì có thể và khả năng tự vực dậy để thích nghi với mọi môi trường.
Các bậc cha mẹ thay vì bảo bọc con, hãy để con có cơ hội được tôi luyện và trở nên kiên cường hơn, có khả năng biến mọi thách thức thành cơ hội, biến mọi khó khăn thành đà phát triển.
Nhưng làm thế nào để có thể nuôi dạy con trở nên mạnh mẽ, bản lĩnh hơn, các mẹ hãy tham khảo ngay những gợi ý sau đây:
- Khuyến khích sự độc lập ở con
Cha mẹ cần cho phép con cái được trải nghiệm những thử thách. Chúng ta có thể tự thiết lập thử thách hay đơn giản chỉ bằng cách không bảo vệ con quá mức, không vội vàng chạy đến giải cứu con ngay cả trước khi con cần đến sự giúp đỡ ấy.
Hãy lùi lại và quan sát phản ứng của con trước một tình huống nào đó, hãy để con tự cố gắng giải quyết vấn đề của mình trừ khi điều đó khiến con quá mệt mỏi và bế tắc.
- Con cần những thử thách lành mạnh
Chúng ta sống trong thời đại mà hầu hết các sân chơi được bảo vệ an toàn và cha mẹ thì theo dõi con khắp mọi nơi.
Nhưng thực tế cha mẹ cần tạo không gian và cơ hội để được trải nghiệm thử thách, khuyến khích trẻ chấp nhận rủi ro lành mạnh.
Một nguy cơ lành mạnh là thử thách đẩy một đứa trẻ ra khỏi vùng an toàn nhưng lại dẫn đến rất ít tác hại nếu không thành công.
Cha mẹ có thể cho con thử chơi các môn thể thao mới, vui chơi ngoài trời, đạp xe hoặc thậm chí chỉ chạy nhảy ngoài sân chơi.
Khi con cởi mở và chấp nhận rủi ro này, chắc chắn con sẽ sẵn sàng và học được cách sống bản lĩnh hơn trước mọi thử thách sau này trong cuộc sống.
- Thất bại không phải là không thể
Cuộc sống không phải toàn màu hồng và trải đầy sự thành công. Thay vì làm cho con cảm thấy thật tệ mỗi khi thất bại, hoặc ngăn chặn sự thất bại ngay từ đầu, cha mẹ hãy cho phép con có cơ hội được trải nghiệm sự thất bại.
Thất bại không phải điều gì quá xấu, mà đó chính là kinh nghiệm quý báu con cần nhìn lại và rút ra cho mình những bài học về sau.
Con cần hiểu rằng thất bại có thể là bước đệm đầu tiên dẫn tới thành công, mà thành công không có chỗ cho những ai bỏ cuộc và bản lĩnh kém.
Nguồn: Parent