Thời đại ngày nay, việc sắm sửa thêm cho bản thân những chiếc máy ảnh phục vụ riêng cho mục đích quay, chụp thay cho smartphone đã là chuyện quá bình thường. Giá cả dần phải chăng hơn và nhiều mẫu mã đa dạng, đó là những lý do hấp dẫn để ai cũng có thể mua máy ảnh và học thêm một kỹ năng mới.
Thế nhưng, có phải cứ là máy ảnh chuyên dụng thì đều được gọi là "máy cơ" như nhiều người thường nghĩ?
Rất tiếc khi phải nói rằng cách gọi đó thật sự sai hoàn toàn, ít nhất là không thể áp dụng cho mọi trường hợp và mọi máy ảnh.
Máy ảnh trên thế giới được chia làm nhiều thể loại, không thể gộp chung mọi thứ thành "máy ảnh cơ".
Các thiết bị chụp ảnh nói chung hiện nay có thể được chia làm 2 loại: Máy ảnh phim (film) và máy ảnh số (kỹ thuật số - digital). Đúng như tên gọi của mình, máy ảnh phim sử dụng các cuộn phim làm bộ phận thu nhận hình ảnh, còn máy ảnh số thay thế phần đó thành cảm biến hiện đại, đi cùng nhiều tính năng và công nghệ đi kèm.
Có phim và số, vậy còn "máy cơ" là kiểu gì, hoạt động ra sao?
Định nghĩa "máy cơ" hầu hết chỉ có mặt hoặc được gán cho phạm trù máy ảnh phim, khi mà chúng được phát minh và thiết kế cách đây nhiều năm, mọi chức năng đều vận hành cơ học, tính toán thủ công bởi người chụp.
Theo Wikipedia, "đây là loại máy chụp hình ảnh dùng phim âm bản đã có nguồn gốc từ cuối thế kỷ 11, sau vài khâu xử lý sẽ nhận được hình ảnh chính xác của vật chụp, được gọi là buồng tối." Các thao tác trên máy được làm bằng tay toàn bộ, từ việc vặn ống kính, chỉnh thông theo núm xoay hay cần gạt, thay tráng phim... - cơ học đơn giản là như vậy.
2 đời máy ảnh phim và máy ảnh số của Nikon.
Mặt khác, máy ảnh số vận dụng sức mạnh và sự tiện lợi của công nghệ, thay thế nhiều thao tác thủ công và cơ học đó thành những tính năng tự động. Do đó, cách sử dụng và làm quen chụp ảnh trên máy ảnh số sẽ dễ dàng hơn nhiều so với những lão làng máy phim đã ra đời từ cách đây hàng chục, trăm năm.
Một số ngoại lệ và thiết kế lai tạp
Hiện tại, nhiều hãng máy ảnh nổi tiếng vẫn để lại một vài điểm thiết kế máy ảnh số của mình giống với máy phim ngày trước, dễ thấy nhất là các bánh xoay tay thủ công ở nhiều góc. Lý giải cho điều này, bánh xoay đó sẽ giúp người chụp thao tác nhanh hơn khi đã có cảm giác quen tay mà không cần phải bỏ máy ra nhìn lại thông số.
Đây cũng là nguyên nhân nhiều người chọn các loại máy số có bánh xoay thay vì màn hình cảm ứng 100%, đỡ mất công chạm ấn thao tác nhiều lần trên màn hình. Tuy nhiên, các bánh xoay này chỉ có tác dụng điều chỉnh qua lại giữa các lựa chọn, còn đâu hệ thống vẫn được hỗ trợ mạnh mẽ bởi công nghệ điện tử toàn diện.
Bánh xoay ở góc trái dưới nút chụp giúp điều chỉnh các thông số được gán liên quan, ngoài ra còn có thêm 1 bánh xoay khác ở mặt sau, cũng gần ngón cái.
Trong khi đó, máy ảnh phim đôi khi cũng có những ngoại lệ lai tạp. Càng về thời điểm gần với thế kỷ 21, càng nhiều mẫu máy ảnh phim xuất hiện với một khe cắm pin, giúp cung cấp điện năng để vận hành chức năng tự đo sáng.
Đo sáng là công đoạn quan trọng trong khâu chuẩn bị chụp ảnh, nhằm tính toán và điều chỉnh mức độ tiếp nhận ánh sáng làm nên ảnh chụp trước khi bấm máy. Đối với máy ảnh số hiện đại hoặc máy ảnh phim có pin, một vạch đo sáng sẽ hiện lên trên ống ngắm/màn hình để giúp người chụp biết ngay chính xác mức độ cần chỉnh.
Trong khi đó, máy ảnh phim cơ học 100% không hề có bộ phận hỗ trợ này, tất cả khâu đo sáng đều dựa vào kinh nghiệm và kiến thức người chụp.
Số người tự tin làm chủ được kỹ năng này theo cách thủ công rất ít, yêu cầu con mắt tinh nhạy theo dõi theo từng khoảnh khắc và yếu tố ngoại cảnh như môi trường, thời điểm chiếu sáng của mặt trời trong ngày, hướng sáng và đổ bóng...
Tựu chung lại, máy ảnh cơ là định nghĩa được gán duy nhất cho máy ảnh phim thao tác 100% bằng tay, không có sự hiện diện và hỗ trợ của công nghệ dù chỉ nhỏ bé như một viên pin, càng không phải các loại máy kỹ thuật số bóng bẩy, cool ngầu hiện đại.