Một cuộc cách mạng xanh trong việc đi lại hàng ngày đã bắt đầu. Những chiếc ô tô chạy bằng pin đang bán rất chạy và các nhà sản xuất ô tô - được các chính phủ thúc đẩy - đang loại bỏ dần các loại xe chạy bằng khí đốt. Tất cả nhằm việc "không bị người dùng quay lưng, ghét bỏ". Điều này chí ít cũng đúng với Volkswagen. Hãy xem 'đại gia' này sai và sửa sai thế nào để lấy lại niềm tin của người dùng khắp đất Mỹ cũng như hướng đến tương lai xanh hơn cho hành tinh!
...
Tại nhà máy lắp ráp của hãng Volkswagen (Đức) đặt tại Chattanooga, bang Tennessee (đông nam nước Mỹ), những chiếc khung xe hơi chốc chốc lại bay lên cao trên sàn bê tông trên băng tải. Cứ sau 73 giây, một khung xe được hạ xuống và ngay sau đó thân vỏ và khung lại được lắp ghép vào nhau...
Trên diện tích hơn 300.000 mét vuông đó, khoảng 3.800 công nhân và 1.500 robot di chuyển theo nhịp điệu dừng và đi này cả ngày, tạo ra một số phương tiện chạy bằng xăng dễ nhận biết nhất trên xa lộ: Cả ekip người và robot đó tạo ra được 45 chiếc xe một giờ, 337 chiếc mỗi ca, và hơn 1,1 triệu triệu chiếc xe kể từ khi Volkswagen hoàn thành nhà máy tại thành phố Chattanooga vào năm 2011.
Địa điểm này có một lịch sử phức tạp: Bắt đầu từ Thế chiến thứ hai (1939-1945) và định kỳ trong suốt 3 thập kỷ tiếp theo, các nhà thầu quân sự đã xử lý nitric và axit sulfuric ở đây để chế tạo thuốc nổ TNT, cất giữ đạn trong hầm bê tông ở các khu rừng gần đó.
Khói độc từ nhà máy đã làm rụi những cây dạ yến thảo và khiến lá thông ngả vàng hàng km...
01/ KỶ NGUYÊN CỦA Ô TÔ ĐIỆN: ĐẾN CHỈ SAU MỘT ĐÊM
Nhưng ngày nay - tại một thành phố từng có tình trạng ô nhiễm không khí tồi tệ nhất nước Mỹ (Chattanooga), trên một địa điểm chế tạo vũ khí từng góp phần lớn vào bầu trời ô nhiễm đó - một công ty xe hơi với 'di sản' bê bối về khí thải — Volkswagen [đã từng gian lận các quy tắc về khí thải trong 6 năm, đọc cụ thể ở cuối bài] đang cố gắng giúp xanh hóa hệ thống giao thông của Mỹ.
Sắp tới nhà máy lắp ráp xe hơi đặt tại Chattanooga này sẽ tung ra chiếc xe điện đầu tiên do đích thân Volkswagen sản xuất tại Mỹ.
Vào năm 2022, hãng sẽ bắt đầu sản xuất hàng loạt xe điện - là chiếc SUV nhỏ gọn được gọi là ID.4, trên dây chuyền lắp ráp hiện có của mình, kết hợp sản xuất giữa các mẫu xe chạy bằng khí đốt để có thể đáp ứng nhanh chóng nhu cầu đang thay đổi của người dùng.
Trong chuyến thăm của Craig Welch (tác giả bài viết, cây viết chuyên về môi trường của National Geographic) đến nhà máy Volkswagen tại Chattanooga, quá trình chuyển đổi giữa sản xuất xe hơi chạy bằng xăng sang điện đang diễn ra tốt đẹp. Một nhóm các chuyên gia hậu cần của Volkswagen đã phát hiện ra những thay đổi chóng mặt trong hành trình chuyển đổi xanh của hãng.
Ảnh trái: Một chiếc Volkswagen ID.3 chạy bằng điện đi thang máy trong một tháp kho ở Dresden, Đức, sau khi được lắp ráp - Nguồn: SEAN GALLUP, GETTY IMAGES / Ảnh phải: Bu lông Chevrolet điện được lắp ráp tại nhà máy General Motors ở Orion Township, phía bắc Detroit, Mỹ - Nguồn: DAVID GUTTENFELDER / NATGEO
Xe chạy hoàn toàn bằng điện đơn giản hơn xe chạy bằng xăng. Chúng không có bình xăng, không có pít-tông, không có bugi - và không có ống xả. "Ý tưởng cơ bản là xe chạy bằng điện có ít bộ phận hơn" - Chuyên gia lắp ráp Chris Rehrig chia sẻ.
Mặt khác, chúng có pin rất lớn. Tại Volkswagen, những bộ pin nặng hơn 454 kg sẽ được bắt gặp trên đường phố và đưa vào xe tự lái. Mỗi bộ pin, được bọc trong một tấm có gân chứa chất lỏng làm mát, sẽ được bắt vít bằng súng vặn tự động vào gầm ô tô.
Việc Volkswagen và rất nhiều hãng xe khác trên thế giới đang cố gắng thực hiện một cuộc cách mạng xanh trong sản xuất xe hơi như vậy cho thấy rằng chúng ta đã đạt đến một thời điểm quan trọng trong việc nhận thức cần phải thay đổi để bảo vệ hành tinh xanh.
Công ty này và ngành công nghiệp này đang xoay chuyển khỏi "thứ" từng khiến Volkswagen trở thành nhà sản xuất lớn nhất thế giới về doanh thu: Thứ đó là động cơ đốt trong tạo ra khí cacbonic.
Khi ngày càng có nhiều người dân và chính phủ thúc đẩy hành động khẩn cấp về biến đổi khí hậu, ô tô và xe tải đang trải qua bước lột xác lớn nhất kể từ khi ô tô ra đời cách đây hơn một thế kỷ.
Các công ty khởi nghiệp cũng như những hãng tuân theo tiêu chuẩn xanh đều đang đấu tranh để giành được chỗ đứng trong thứ mà các nhà lãnh đạo ngành đột nhiên coi là con đường tốt nhất của họ về phía trước: Các loại xe không có khí thải từ ống xả. Bằng mọi cách, mức độ phổ biến của họ đang tăng vọt. Gần như chỉ sau một đêm, kỷ nguyên của ô tô điện đã đến.
Tuy nhiên, theo lịch trình cần thiết để giải quyết thách thức khí hậu, quá trình chuyển đổi khỏi các phương tiện chạy bằng khí đốt vẫn còn quá chậm.
Các kỷ lục nhiệt độ toàn cầu tiếp tục bị 'nghiền nát' khi ô nhiễm khí nhà kính gia tăng, thúc đẩy hạn hán và cháy rừng trừng phạt từ Bắc Cực đến Australia. Các tảng băng đổ vỡ và tan chảy đang nâng cao mực nước biển, gia tăng lũ lụt; Các cơn bão ngày càng trở nên khắc nghiệt hơn. Để tránh nguy hiểm cho hàng triệu người, Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC) của Liên Hợp Quốc cho biết, thế giới cần đưa lượng khí thải carbon dioxide (CO2) về 0 vào năm 2050, tốt hơn là sớm hơn nhiều.
Với gần 1/4 lượng khí thải toàn cầu đến từ tất cả các loại phương tiện giao thông, liệu chúng ta có thể loại bỏ những chiếc ô tô chạy bằng xăng đủ nhanh để tránh những tác động xấu nhất từ biến đổi khí hậu? Và liệu chúng ta có thể làm điều đó mà không gây ra một thảm họa môi trường mới không?
02/ CÁC ĐẠI GIA Ô TÔ ĐỒNG LOẠT CHUYỂN HƯỚNG: NGÀY CỦA ĐỘNG CƠ ĐỐT TRONG ĐANG NGẮN LẠI
Một số công ty mới nổi đang đặt cược vào tương lai của họ — và của chính chúng ta — rằng hàng triệu người tiêu dùng cuối cùng đã sẵn sàng thực hiện chuyển đổi (từ sử dụng xe xăng sang xe điện).
Thật khó để tranh luận rằng những gì chúng ta đang chứng kiến chẳng khác gì một cuộc cách mạng.
Vào những năm 1990, General Motors (Mỹ) đã giới thiệu một chiếc ô tô điện, họ sản xuất dưới 1.200 chiếc, nhưng rồi lại phải thu hồi chúng. Ngày nay tốc độ thay đổi đang diễn ra chóng mặt.
Số lượng xe điện hoàn toàn (all-electric vehicles hoặc EVs) và xe Plug-in Hybrid (PHEV, loại xe kết hợp xe điện và xe hybird, sử dụng 1 động cơ đốt trong và 1 động cơ điện) đã tăng gần một nửa trong năm 2020, ngay cả khi doanh số bán xe hơi nói chung giảm 16%.
Hiện các hãng BMW (Đức), Porsche (Đức) và Harley-Davidson (Mỹ) đã có các phiên bản xe điện. Caranddriver.com cho biết, Porsche sắp biến 718 thành một chiếc xe thể thao chạy hoàn toàn bằng điện và sẽ được bán tại Mỹ vào năm 2025. Các phiên bản mạnh mẽ hơn của chiếc 718 trong tương lai này sẽ có động cơ phía trước, khiến chiếc 718 chạy điện trở thành phiên bản dẫn động 4 bánh đầu tiên của thương hiệu này.
MẪU PORSCHE MISSION R . Nguồn: PORSCHE
Các chính phủ từ Mỹ đến Trung Quốc, Nhật Bản và Vương quốc Anh gần đây đã công bố kế hoạch cấm bán các loại xe chở khách mới chỉ chạy bằng khí đốt hoặc dầu diesel vào năm 2035 hoặc sớm hơn.
Các đại gia ô tô thế giới từ Volvo (Thụy Điển) đến Jaguar (Anh) hiện cho biết họ sẽ loại bỏ động cơ piston, trong khi đó Ford (Mỹ) cũng cho biết các phương tiện chở khách của họ ở châu Âu sẽ là xe EVs hoặc xe hybrid (sử dụng kết hợp động cơ xăng và điện) trong 5 năm tới và tất cả đều chạy bằng điện vào năm 2030.
GM (Mỹ) đã cam kết trung hòa carbon vào năm 2040. Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tuyên bố sẽ chuyển đội xe liên bang gồm hơn 600.000 xe sang xe EV và chính quyền của ông có kế hoạch thắt chặt các tiêu chuẩn tiết kiệm nhiên liệu.
Phố Wall và các nhà đầu tư cũng đang đặt cược lớn. Trong một thời gian vào năm 2020, công ty sản xuất xe điện và năng lượng sạch của Mỹ Tesla - chịu trách nhiệm về gần 80% tổng doanh số bán xe điện tại Mỹ vào năm 2020 - có doanh thu cao hơn cả những 'gã khổng lồ dầu khí' như ExxonMobil, Chevron, Shell và BP - cộng lại.
Các công ty xe điện và xe tải điện mới liên tục mọc lên: Bollinger, Faraday Future, Nio, Byton. Những hãng khác trên thế giới cũng đang phát triển mạnh mẽ. Một chiếc ô tô điện siêu nhỏ hai cửa với tốc độ tối đa 100 km một giờ và giá bán khởi điểm dưới 6.000 USD đã bán chạy hơn Tesla ở Trung Quốc, nơi sản xuất hơn 40% xe plug-in (PEV, có thể cắm sạc điện từ bên ngoài) trên thế giới.
"Ngày của động cơ đốt trong đang sắp cạn" - Sam Ricketts, một thành viên của nhóm đã viết kế hoạch hành động về khí hậu của thống đốc bang Washington Jay Inslee trong thời gian tranh cử tổng thống - nói. Rất nhiều ý tưởng của Jay Inslee sau đó đã được đưa vào các kế hoạch khí hậu của Tổng thống Biden.
"Phương tiện giao thông chạy bằng điện là tương lai của chúng ta" - Kristin Dziczek, nhà kinh tế của Trung tâm Nghiên cứu Ô tô, một tổ chức có trụ sở tại Michigan (Mỹ) nhận định.
Ngay cả trước khi Toyota (Nhật Bản) sản xuất hàng loạt Prius hybrid (ô tô hybrid chạy điện hoàn toàn) thành công hơn 2 thập kỷ trước, một số quốc gia quan tâm đến khí hậu đã bắt đầu thắt chặt các tiêu chuẩn khí thải. Đây là các ví dụ:
Các quốc gia như Na Uy, nơi một nửa số phương tiện lưu thông mới trên đường vào năm 2020 là điện, bắt đầu tiết kiệm thuế cho ô tô điện.
Tại Trung Quốc, ở các thành phố có vấn đề về ô nhiễm không khí thì triển khải việc đăng ký xe điện nhanh hơn và rẻ hơn so với các quá trình tương tự của phương tiện có động cơ đốt trong.
Chính phủ Mỹ đã giảm giá cho người tiêu dùng tới 7.500 USD khi mua xe điện và xe hybrid, đồng thời đổ tiền vào nghiên cứu và phát triển vào pin. Sau đó, vào năm 2009, Tesla đã nhận được khoản vay của Bộ Năng lượng trị giá 465 triệu USD để bắt đầu sản xuất xe sedan. Giá pin giảm 89% trong 10 năm tới và Tesla tiếp tục bán được 1,5 triệu xe plug-in.
03/ XE ĐIỆN: MỘT CHẶNG ĐƯỜNG DÀI PHÍA TRƯỚC
Tuy nhiên, vẫn còn một chặng đường dài để đi. National Geographic phân tích các yếu tố khiến chặng đường chuyển từ xe xăng sang xe điện còn gập ghềnh:
- Khoảng 12 triệu ô tô và xe tải plug-in đã được bán trên toàn cầu, gần 90% trong số đó chỉ ở ba khu vực: Trung Quốc, châu Âu và Mỹ. NHƯNG khoảng 1,5 tỷ người đổ xăng vẫn chen chúc trên các con đường và tổng số phương tiện chở khách các loại có thể tăng thêm 1 tỷ nữa trong 30 năm tới, khi thu nhập tăng lên ở các nước kém phát triển.
- Việc người lái xe trên toàn cầu có chấp nhận xe điện nhanh chóng hay không phụ thuộc vào một số yếu tố. Ngành công nghiệp đang loại bỏ một số rào cản lớn nhất đối với người tiêu dùng: Phạm vi, thời gian sạc lại, cơ sở hạ tầng sạc, chi phí.
Một nguyên mẫu trong phòng thí nghiệm của pin thể rắn có thể là bước đầu tiên hướng tới việc sạc lại xe điện chỉ trong 10 phút. Tesla và Lucid Motors (Mỹ) đã và đang chế tạo những chiếc xe chạy hoàn toàn bằng điện có thể chạy được 644 km cho mỗi một lần sạc.
Ảnh trái: Tại Modena, Ý, các phiên bản MC20 của Maserati di chuyển qua một đường hầm kiểm tra chất lượng / Ảnh phải: Các nhà phát triển của Maserati sử dụng mô phỏng đặc biệt khi họ nghiên cứu, thử nghiệm và thiết kế lại ô tô, bao gồm cả xe điện. Với công nghệ này, họ có thể chế tạo các phương tiện dựa vào năng lượng pin mà không cần nguyên mẫu. Nguồn: DAVIDE MONTELEONE / NATGEO
Lucid Motors tuyên bố chiếc xe của họ sẽ lọt top 500, trong khi Aptera Motors (Mỹ) khẳng định rằng người điều khiển cỗ máy ba bánh, khí động học, chạy bằng năng lượng Mặt trời của hãng này có thể chẳng bao giờ phải cần đến trạm sạc.
- Hiện tại, hầu hết những chiếc EV mới đều là những chiếc xe hạng sang mà ít ai có thể mua được. Nhưng ngân hàng đầu tư UBS (Thụy Sĩ) và công ty nghiên cứu BloombergNEF (thuộc Bloomberg của Mỹ) dự đoán rằng, chỉ trong 5 năm tới (hoặc hơn) ô tô điện có thể đạt mức chi phí ngang bằng với các loại xe thông thường khác.
- Tuy nhiên, các nhà phân tích khẳng định cần phải có nhiều chi phí hơn nữa để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi này (từ xe xăng sang xe điện).
Kristin Dziczek, nhà kinh tế của Trung tâm Nghiên cứu Ô tô tại Mỹ nói: "Không có thị trường nào trên thế giới có thể làm được điều này mà không có một số loại đầu tư công. Chính quyền của ông Biden muốn chi 15 tỷ USD để giúp bổ sung 500.000 trạm sạc, nhưng nhiều người trong Quốc hội Mỹ lại từ chối.
- Giá cả và tính bền vững của xe điện cũng phụ thuộc vào nguyên liệu thô. Pin EV dựa trên lithium, niken, coban, mangan và than chì. Hầu hết những vật liệu đó chỉ được khai thác ở một vài nơi, và phần lớn trong số đó được tinh chế ở Trung Quốc.
Với nhu cầu tăng cao, các quốc gia sản xuất xe điện đang tranh giành để đảm bảo nguồn cung cấp — chẳng hạn như có kế hoạch cho một mỏ lithium ở bang Nevada, Mỹ. Nhưng "chẳng ích gì khi ta có một mỏ lithium ở Mỹ, nhưng phải vận chuyển lithium ra châu Á để xử lý, sau đó vận chuyển trở lại Mỹ để sử dụng cho pin của ta" - Jonathon Mulcahy thuộc công ty nghiên cứu Rystad Energy (Na Uy), chuyên dự đoán khả năng thiếu hụt lithium vào cuối thập kỷ này.
Niken nóng chảy bắt đầu chảy qua một con kênh khi các thợ lò tách quặng ra khỏi các nguyên tố khác tại một nhà máy luyện do công ty khai thác PT Aneka Tambang vận hành ở tỉnh Đông Nam Sulawesi của Indonesia. Công ty này đang tham gia vào một nỗ lực chung để sản xuất pin. Indonesia có trữ lượng niken lớn nhất thế giới, là thành phần chính của pin lithium-ion. ẢNH: MUHAMMAD FADLI / NATGEO
- Đồng thời, việc khai thác các kim loại này đã dẫn đến vi phạm nhân quyền và sinh thái. Các chính phủ thuộc Liên minh châu Âu (EU) đang vật lộn với nhiều cách để làm cho chuỗi cung ứng ổn định, đạo đức và an toàn.
Trong khi các nhà sản xuất ô tô, bao gồm cả Volkswagen, đang thiết lập hệ thống kiểm tra và chứng nhận để đảm bảo các nhà cung cấp pin tuân thủ các quy tắc về môi trường và lao động. Tuy nhiên, người tiêu dùng có thể do dự khi tin tưởng vào những cam kết như vậy. Các nhà sản xuất ô tô trước đây đã từng làm họ thất vọng rồi.
Nhưng không thể phủ nhận rằng ngày nay, Mỹ là một nhân tố đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển sang những chiếc ô tô thân thiện với môi trường và khí hậu. Và tạo cảm hứng cho các hãng xe khác đi theo.
Kể từ năm 2013, nhà máy của hãng Nissan (Nhật Bản) ở Smyrna, ngoại ô thành phố Nashville (bang Tennessee, Mỹ) đã chế tạo chiếc Leaf chạy điện, chiếc EV hiện đại thành công về mặt thương mại đầu tiên trên thế giới. Với giá chưa đến 25.000 USD sau khi được khấu trừ thuế, nó vẫn là một trong những giá rẻ nhất ở Bắc Mỹ.
Cách đó 40 km, GM (Mỹ) đang chi 2 tỷ USD để thiết kế lại nhà máy Spring Hill của mình để có thể lắp ráp một chiếc Cadillac chạy điện, chiếc đầu tiên trong số một số chiếc EV sẽ được sản xuất ở đó. Đến năm 2023, toàn bộ hoạt động tại Spring Hill sẽ được sử dụng năng lượng Mặt trời. GM cũng đang đầu tư 2,3 tỷ USD vào một nhà máy pin sẽ thuê khoảng 1.300 nhân công.
Công ty điện lực Tennessee Valley Authority, cơ quan điều hành các đập thủy điện và các nhà máy điện khác, có kế hoạch tài trợ cho các trạm sạc nhanh cứ sau mỗi 80 km dọc theo các xa lộ của bang Tennessee.
Sau đó, là ở thành phố Chattanooga (bang Tennessee, Mỹ). Năm 1969, một năm trước khi Cơ quan Bảo vệ Môi trường được thành lập, chính phủ Mỹ tuyên bố tình trạng ô nhiễm bụi mịn của thành phố Chattanooga là tồi tệ nhất trong cả nước. Ô nhiễm tầng ozone của Chattanooga chỉ đứng sau Los Angeles.
Sau nhiều thập kỷ hồi sinh, mang lại một trong những thành tựu môi trường nổi tiếng nhất trong lịch sử Mỹ, thành phố Chattanooga đã trở nên hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư. Năm 2008, không lâu sau khi thành phố Chattanooga cuối cùng đã đáp ứng được các tiêu chuẩn về ozone, hãng Volkswagen của Đức đã động thổ xây dựng nhà máy mới của mình tại đây.
04/ VOLKSWAGEN: 6 NĂM SAI - 6 NĂM SỬA & HƠN THẾ NỮA
Volkswagen, Audi (Đức), Porsche và 9 nhà sản xuất ô tô khác, đã chấp nhận EVs như một hướng đi đúng đắn của mình.
Một phần là do vụ bê bối khí thải, được tiết lộ vào năm 2014, dẫn đến hàng tỷ USD tiền phạt, thu hồi hàng trăm nghìn xe hơi và bản cáo trạng của cựu Giám đốc điều hành của Volkswagen về tội ém nhẹm bê bối.
Nói qua về vụ bê bối khí thải của Volkswagen (còn gọi là Dieselgate hoặc Emissionsgate), Caranddriver.com viết: General Motors và Toyota đã có những vụ bê bối lớn. Giờ đến lượt Volkswagen. Trong thời gian 6 năm từ 2009-2015, Volkswagen đã cài đặt thiết bị điều chỉnh nồng độ khí thải trên 10 triệu xe Volkswagen trên toàn cầu nhằm qua mắt giới chức môi trường. Cụ thể, Volkswagen đã cài đặt lập trình động cơ diesel tăng áp phun trực tiếp (TDI) trên hơn nửa triệu xe ô tô động cơ diesel ở Mỹ - và khoảng 10,5 triệu xe nữa trên toàn thế giới - cho phép họ qua mắt được các quy định về khí thải do Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA) thiết lập.
Trong chế độ thử nghiệm, những chiếc xe hoàn toàn phù hợp với tất cả các mức khí thải liên bang. Nhưng khi lái xe bình thường, máy tính sẽ chuyển sang một chế độ riêng - thay đổi đáng kể áp suất nhiên liệu, thời điểm phun, tuần hoàn khí xả. Mặc dù chế độ này có thể mang lại quãng đường và công suất cao hơn, nhưng nó lại phát thải nitơ-oxit nặng hơn (NOx) - một chất ô nhiễm tạo khói có liên quan đến ung thư phổi - cao hơn tới 40 lần so với giới hạn trong luật khí thải liên bang của Mỹ.
Các nhà sản xuất ô tô đang đạt được những bước tiến lớn trong việc phổ biến các phương tiện thân thiện với khí hậu. Nguồn: NATGEO
Sau vụ bê bối này, Volkswagen phải 'quay đầu' đầu tư rất lớn vào việc chuyển sang xe điện. Nhưng chỉ điều đó không giải thích được chiều sâu của quá trình chuyển đổi sang xe điện của Volkswagen trong 6 năm qua (2015-2021). Bởi, Volkswagen còn hướng đến tương lai.
Công ty đang đầu tư hơn 40 tỷ USD trên toàn thế giới để thiết kế 70 mẫu xe điện mới và lên kế hoạch sản xuất 26 triệu chiếc xe điện vào năm 2030.
Với các đối tác, Volkswagen dự kiến sẽ lắp đặt 3.500 bộ sạc nhanh ở Mỹ vào cuối năm 2021 và 18.000 bộ sạc ở châu Âu vào năm 2025.
Volkswagen đã bơm 300 USD triệu vào một công ty khởi nghiệp về pin với hy vọng giảm một nửa thời gian sạc. Họ đang xây dựng và mở rộng các nhà máy pin trên khắp châu Âu, nhằm giảm một nửa giá pin.
Nic Lutsey, Giám đốc chương trình xe điện của Hội đồng Quốc tế về Giao thông Sạch (ICCT), cho biết: "Rõ ràng là Volkswagen, một trong những 'đại gia' sản xuất ô tô lớn trên thế giới, đang đầu tư đúng đắn nhất và lớn nhất vào xe điện".
Nhận định này đến từ chính ICCT - tổ chức đã 'bắt quả tang' Volkswagen gian lận khí thải trong quá khứ. Nic Lutsey cho biết: "Những khoản đầu tư đó giúp Volkswagen có một con đường lớn hơn nhiều so với những gì luật đã yêu cầu. Chuyển sang xe điện vừa hợp thời, hợp pháp và hợp với việc lấy lại lòng tin của khách hàng".
Scott Keogh, Giám đốc điều hành Tập đoàn Volkswagen tại Mỹ, người lớn lên vào những năm 1970 tại Long Island (bang New York), thích thú với chiếc xe Volkswagen Beetle của gia đình mình. Ông theo học văn học so sánh ở trường đại học và làm việc trong các dự án phát triển ở Bolivia trước khi tìm đường vào kinh doanh ô tô, đầu tiên là tại Mercedes-Benz và sau đó là Audi. Vào năm 2018, sau thỏa thuận EPA, ông tiếp quản hoạt động kinh doanh ở Bắc Mỹ của Volkswagen.
LỊCH SỬ XE ĐIỆN
Dù không phải là sản phẩm thông dụng của thời hiện đại, ô tô điện đã phát triển cùng với những chiếc xe chạy bằng động cơ đốt trong.
Đỉnh cao của chúng là vào đầu thế kỷ 20, khi xe điện chiếm một phần ba tổng số phương tiện lưu thông trên đường.
Chú thích ảnh: Chiếc xe ba bánh chạy điện Trouvé trên đường phố Paris (Pháp) năm 1881. Ảnh: MUSÉE ELECTROPOLIS, MULHOUSE
- Năm 1828: Linh mục và nhà vật lý người Hungary Ányos Jedlik phát minh ra phiên bản đầu tiên của động cơ dòng điện một chiều và xây dựng một mô hình để chứng minh tiềm năng của nó.
- Năm 1859: Nhà vật lý người Pháp Gaston Planté phát minh ra pin sạc đầu tiên.
- Năm 1881: Kỹ sư điện người Pháp Gustave Trouvé lắp động cơ điện và pin sạc vào một chiếc xe ba bánh, tạo ra chiếc xe điện đầu tiên trên thế giới có thể chạy trên đường.
- Những năm 1890: Những chiếc xe điện thương mại đầu tiên được bán ra; Tại Bỉ, Henri Pieper phát triển một trong những chiếc xe hybrid đầu tiên.
- Năm 1900: Trong năm này, 40% ô tô Mỹ chạy bằng hơi nước, 38% chạy bằng điện và 22% chạy bằng động cơ đốt trong.
- Những năm 1910 đến những năm 1930: Các mẫu động cơ đốt và dầu rẻ hơn đã đẩy xe điện ra khỏi thị trường.
- Những năm 1980: Pin Lithium-ion với nhiều năng lượng hơn được phát triển, khơi dậy sự quan tâm đến xe điện khi phạm vi tăng lên.
- Năm 1990: Tăng cường bán xe ô tô không phát thải, tạo ra một thế hệ xe điện mới.
- Năm 1997: Toyota Prius khởi động thị trường xe hybrid hiện đại.
- Năm 2008: Tesla Roadster, với phạm vi hoạt động 394 km, ra mắt làn sóng xe điện hiệu suất cao.
Nguồn: Nick Enge, Đại học Texas (Mỹ); Bộ năng lượng Mỹ
Chuyển ngữ từ: NATGEO
* Đọc bài cùng tác giả Trang Ly tại đây.