img
Củ khoai lang trên bàn Chủ tịch Đàm Bích Thuỷ và 7 nhà tài trợ giấu tên phía sau ĐH Fulbright Việt Nam - Ảnh 1.

Tô Lan Hương: Vậy là bà đã trải qua năm đầu tiên cùng Đại học Fulbright Việt Nam: một năm học đồng kiến tạo, với việc đặt nền móng cho mô hình giáo dục đại học khai phóng và phi lợi nhuận đầu tiên ở Việt Nam. Từ khi bà trở thành Chủ tịch FUV đến giờ,  tôi luôn tò mò về lý do khiến bà từ bỏ cương vị CEO của một ngân hàng quốc tế lớn tại Việt Nam như ANZ, để rẽ ngang sang giáo dục?

Đàm Bích Thuỷ: Tôi phải nói rằng, tôi là một trong những thế hệ đầu tiên được cấp học bổng Fulbright. Năm 1993, tôi nhận học bổng, sang Mỹ học MBA ở Trường Kinh doanh Wharton, Đại học Pennsylvania. Những Fulbrighters chúng tôi được lựa chọn cho học bổng này, với kỳ vọng một ngày nào đó, chúng tôi sẽ làm những điều có ích cho cộng đồng mà chúng tôi sống, cho đất nước mà chúng tôi sinh ra.

Sau nhiều năm làm trong lĩnh vực ngân hàng, tôi nhận ra rằng đã đến lúc tôi thực hiện cam kết của mình với Fulbright, thể hiện trách nhiệm của mình với đất nước, như một sự đền đáp cho những gì mà tôi đã may mắn được nhận. Trở thành Chủ tịch FUV chính là cách tôi lựa chọn để thực hiện cam kết ấy.

Thật ra, từ lúc tôi về nước đảm nhiệm vị trí Tổng Giám đốc của Ngân hàng ANZ Việt Nam (năm 2005), tôi vẫn thường xuyên đóng góp ý kiến vào các bài phân tích kinh tế và phản biện chính sách Việt Nam của các giáo sư Harvard.

Củ khoai lang trên bàn Chủ tịch Đàm Bích Thuỷ và 7 nhà tài trợ giấu tên phía sau ĐH Fulbright Việt Nam - Ảnh 2.

Qua những câu chuyện trao đổi giữa chúng tôi, những giáo sư ở Đại học Harvard chia sẻ tâm nguyện một ngày nào đó có thể xây dựng ở Việt Nam một trường Đại học khai phóng kiểu Mỹ.

Chúng tôi thường xuyên thảo luận say sưa về dự định này, và đều gặp nhau ở sự say mê trong việc xây dựng mội trường đại học phi lợi nhuận và khai phóng đầu tiên ở Việt Nam.

Năm 2016, FUV chính thức được cấp phép thành lập, là một sự thử nghiệm mang nhiều kỳ vọng của cả hai chính phủ Việt nam – Hoa Kỳ. Và giờ thì sau một năm học đồng kiến tạo, chúng tôi chính thức bước vào năm học đầu tiên trong lịch sử FUV.

Tôi hay ví FUV như một start-up,  là một môi trường học thuật, nhưng vẫn có những hoạt động mà chúng tôi phải thực hiện với kĩ năng của một nhà quản trị doanh nghiệp. Có lẽ vì tôi phù hợp với việc quản trị tài chính, quản trị nhân lực, đàm phán các thoả thuận với các cơ quan chính phủ và địa phương, nên tôi được tin tưởng giao cho trọng trách này.

Củ khoai lang trên bàn Chủ tịch Đàm Bích Thuỷ và 7 nhà tài trợ giấu tên phía sau ĐH Fulbright Việt Nam - Ảnh 3.

Tô Lan Hương:  Rời bỏ lĩnh vực ngân hàng sang làm Chủ tịch một trường Đại học, tôi nghe nói rằng, thu nhập của bà giảm đi ít nhất một nửa. Với bà, đó có phải một sự đánh đổi?

Đàm Bích Thuỷ: Dĩ nhiên là thu nhập của tôi giảm đi rất nhiều! Khi làm Tổng Giám đốc của ANZ Việt Nam, tôi được hưởng những tiêu chuẩn riêng về nhà ở, xe cộ, đi lại.

Tô Lan Hương: Vậy khi làm Chủ tịch FUV thì sao?

Đàm Bích Thuỷ: Giờ tôi đi máy bay hạng phổ thông, đi lại bằng taxi, bằng xe công nghệ, đôi khi cả xe ôm nữa… (cười)!

Tô Lan Hương: Có khó khăn với bà không khi phải mất đi những đặc quyền dễ chịu như thế?

Đàm Bích Thuỷ: Tôi không nghĩ đó là những thứ nằm trong danh sách mà tôi nhất định phải có thì mới yên tâm để sống!

Củ khoai lang trên bàn Chủ tịch Đàm Bích Thuỷ và 7 nhà tài trợ giấu tên phía sau ĐH Fulbright Việt Nam - Ảnh 4.

Tô Lan Hương: Quả thật, tôi đã rất bất ngờ khi gặp bà lần đầu tiên ở FUV: bà ngồi làm việc trong cùng một dãy bàn với nhân viên, trên bàn có vài củ khoai lang. Tôi ngạc nhiên vì bà quá đỗi giản dị. Bà  có đang hạnh phúc với lựa chọn này của mình?

Đàm Bích Thuỷ:  Phải đến năm 2022, FUV mới xây dựng xong trụ sở chính ở Campus rộng 15 ha bên Quận 9. Hiện giờ, chúng tôi chưa có trụ sở chính thức nên vẫ phải đi thuê. Nên những khu vực tốt nhất trong toà nhà, chúng tôi dành cho sinh viên và các giáo sư giảng dạy ở đây. Tôi không có gì phàn nàn với góc làm việc nhỏ của mình, vì tôi thích những không gian mở, nơi mà mỗi buổi sáng tôi có thể được nhân viên của mình chia sẻ khi thì củ khoai, khi thì cái bánh.

Còn bạn hỏi tôi có hạnh phúc với lựa chọn của mình hay không? Câu trả lời là có! Nhất là những lúc cửa phòng bật mở, một cô cậu sinh viên nào đó ào ào chạy vào, ríu rít chia sẻ với tôi về những dự án mà các bạn ấy đang ấp ủ, hoặc đôi khi là xin tôi một lời khuyên trước một sự thay đổi "lớn lao" nào đó của tuổi 20. Thi thoảng tôi cũng phải làm vai trò nhà tư vấn khi các bạn ấy bỗng nhiên nghi ngờ năng lực và sự lựa chọn của mình. Lũ trẻ nhiều năng lượng đến mức đôi khi chỉ nhìn thấy chúng thôi là tôi đã thấy "mệt" rồi!

Đó là những niềm vui rất khác so với khi làm kinh doanh!

Củ khoai lang trên bàn Chủ tịch Đàm Bích Thuỷ và 7 nhà tài trợ giấu tên phía sau ĐH Fulbright Việt Nam - Ảnh 5.

Tô Lan Hương: Là một trường đại học phi lợi nhuận, kinh phí cho những hoạt động của FUV sẽ đến từ đâu?

Đàm Bích Thuỷ: FUV hoạt động dựa trên nguồn tiền tài trợ từ Chính phủ và các tổ chức xã hội Hoa Kỳ, cùng với cơ sở hạ tầng là 15 ha trong khu Công nghệ cao Quận 9 mà Chính phủ Việt Nam đóng góp.

Tôi không giấu rằng cũng có những nhà hảo tâm, những doanh nhân Việt Nam đã đóng góp cho FUV, như một cách để ủng hộ giáo dục Việt Nam. Với mỗi đồng tiền tài trợ mà chúng tôi kêu gọi được từ những nhà hảo tâm Việt Nam, thì Chính phủ Mỹ sẽ đóng góp một khoản tương ứng.

Hiện giờ FUV đã được 7 nhà hảo tâm cam kết tài trợ lâu dài, với con số lớn. Nhưng bên cạnh những nhà tài trợ lớn như thế, điều chúng tôi hy vọng hơn cả là văn hoá đóng góp của cả xã hội. Tôi thích cách mà nước Mỹ đã tạo ra văn hoá "pay it forward" – "đáp đền tiếp nối"  trong giáo dục. Những trường đại học phi lợi nhuận của Mỹ nhận từ 10 – 20 USD đóng góp của những nhà hảo tâm, biến nó thành một nguồn lực lớn để đầu tư cho giáo dục, cho ra đời những thế hệ sinh viên là hạt nhân của tương lai trong xã hội Mỹ. Và những hạt nhân đó khi trưởng thành, lại quay lại đóng góp cho giáo dục theo cách mình có thể. FUV chúng tôi cũng hướng tới mục tiêu đó!

Tô Lan Hương: Bà có thể tiết lộ cho tôi về danh tính của những nhà hảo tâm đó và khoản tài trợ của họ cho FUV chứ?

Đàm Bích Thuỷ: Về nguyên tắc, tôi không thể tiết lộ danh tính cũng như số tiền mà những nhà tài trợ lớn dành cho FUV khi chưa nhận được sự đồng ý của họ. Nhưng một ngày nào đó, tên của họ ấy sẽ được ghi lại trong tấm bảng ghi danh những nhà hảo tâm đóng góp cho FUV.

Củ khoai lang trên bàn Chủ tịch Đàm Bích Thuỷ và 7 nhà tài trợ giấu tên phía sau ĐH Fulbright Việt Nam - Ảnh 6.


Củ khoai lang trên bàn Chủ tịch Đàm Bích Thuỷ và 7 nhà tài trợ giấu tên phía sau ĐH Fulbright Việt Nam - Ảnh 7.

Tô Lan Hương: Khi đến gặp bà, tôi mang trong lòng rất nhiều nỗi băn khoăn về giáo dục Việt Nam, trong đó có những băn khoăn của chính tôi. Tôi  thường nghĩ rằng tôi là một sản phẩm thất bại của một nền giáo dục không mấy thành công. Tôi học trường chuyên lớp chọn suốt thời đi học, là học sinh giỏi quốc gia được tuyển thẳng vào Đại học. Kỹ năng lớn nhất giúp tôi đạt được những điều đó là vì tôi rất giỏi học thuộc lòng – học mà chẳng hiểu thực sự những gì mình đang học rồi lập tức quên nó sau khi những kỳ thi kết thúc…

Đi làm rồi tôi mới hiểu cách mà tôi học không giúp ích được nhiều cho tôi trong công việc. Điều đó khiến tôi đôi khi sợ hãi và tiếc nuối. Nếu tôi được học theo một cách khác, được dạy theo một cách khác, liệu tôi có thể trở thành một phiên bản tốt hơn của chính tôi so với tôi bây giờ không? Tôi hay tự hỏi mình như thế… Còn bà, bà nghĩ gì về thời đi học của mình?

Đàm Bích Thuỷ:  Thời đi học, tôi học Đại học Sư phạm ngoại ngữ. Phải thừa nhận rằng, trường học không giúp ích cho tôi nhiều và tôi thường cảm thấy mình học được rất ít ỏi trên trường. Hồi đó tôi học chuyên ngành Tiếng Anh. Nhưng sách  Tiếng Anh bản địa thì không có. Chúng tôi buộc phải học Tiếng Anh theo giáo trình của Nga, với cách nghĩ của người Nga.

Nếu bạn hỏi tôi rằng, tôi có chê trách cách mà tôi được dạy hay không, thì có lẽ với nhận thức bây giờ, tôi nhất định sẽ phàn nàn! Nhưng thế hệ tôi là thế hệ đã quen với thiếu thốn và không đòi hỏi.

Khi không học được trên trường, tôi hiểu rằng tôi không có cách nào ngoài việc tự học, tự mày mò. Hồi đó, tôi học ngoại ngữ bằng một cái đài radio chạy bằng pin và những cuốn sách mà tôi phải vất vả lắm mới mượn được rồi ngồi kì cạch gõ lại bằng cái máy gõ chữ cũ kĩ. Cứ thế mà học tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Nga.

May mắn của tôi là tôi đã chọn được cách học phù hợp: tự mình khám phá tri thức theo cách của mình. Nhưng có lẽ không phải ai cũng có được may mắn đó. Nên tôi chia sẻ nỗi băn khoăn của bạn: nền giáo dục hiện nay chúng ta đang không có một sự chuẩn bị tốt để những thế hệ học sinh, sinh viên ra trường bây giờ có thể thành công, hoặc đơn giản chỉ là sống sót trong thời đại này – một thời đại quá nhiều thử thách.

Thời của chúng tôi, dù mô hình giáo dục lạc hậu, nhưng mức độ cạnh tranh không quá khắc nghiệt. Chúng tôi  không quá khó khăn để có thể kiếm được việc làm. Giấc mơ sự nghiệp ngày đó cũng rất đơn giản: chỉ cần vào được cơ quan nhà nước, kiếm đủ ăn, đủ mặc đã là hạnh phúc.

Bây giờ thì khác: những kiến thức mới xuất hiện mỗi ngày mà không phải ai cũng theo kịp; công việc mà chúng ta có ngày hôm nay, ngày mai có thể hoàn toàn biến mất trên thị trường. Giáo dục sẽ nhiều thách thức hơn, khi phải chuẩn bị cho thế hệ này đủ kĩ năng để có thể đương đầu với thực tiễn đầy thử thách ấy của thị trường.

Củ khoai lang trên bàn Chủ tịch Đàm Bích Thuỷ và 7 nhà tài trợ giấu tên phía sau ĐH Fulbright Việt Nam - Ảnh 8.

Tô Lan Hương: Nhiều chuyên gia giáo dục khi trò chuyện với tôi đã chia sẻ cái nhìn u ám về giáo dục Việt Nam, nhất là trong một năm như năm vừa qua, khi những ung nhọt trong ngành giáo dục vỡ lở ở khắp nơi…

Đàm Bích Thuỷ: Tôi thích một câu nói của Einstein: "The winner has a solution for every problem. The loser has a problem for every solution" (Người thắng cuộc có giải pháp cho mọi vấn đề. Kẻ thất bại  gặp vấn đề trong mọi giải pháp). 

Củ khoai lang trên bàn Chủ tịch Đàm Bích Thuỷ và 7 nhà tài trợ giấu tên phía sau ĐH Fulbright Việt Nam - Ảnh 9.

Tôi không phủ nhận giáo dục Việt Nam bây giờ gặp rất nhiều vấn đề. Nền giáo dục của chúng ta đã tụt lại rất nhiều so với nhiều nước trong khu vực,  chứ đừng nói là so với thế giới. Nhưng kể cả khi chúng ta kêu ca, phàn nàn mỗi ngày, thì vẫn có một thực tế là  mỗi một năm, chúng ta sẽ có 1 triệu học sinh tốt nghiệp THPT.

Nhiệm vụ của chúng ta là phải trang bị những kĩ năng để cho 1 triệu học sinh ấy sống sót. Chọn cách giải quyết như thế nào, đưa ra lựa chọn như thế nào, phù thuộc vào cách bạn muốn là người thành công hay kẻ thất bại. Tôi là tuýp người không ưa phàn nàn, nên tôi lựa chọn dành thời gian đó để hành động…

Tô Lan Hương: Và lựa chọn của bà là…

Đàm Bích Thuỷ: Tôi đi làm giáo dục, thử tìm một con đường mới, một phương pháp mới. Ở Việt Nam, khi lựa chọn một con đường mới, người ta cần những người mở đường chứng minh sự hiệu quả của nó trong thực tiễn. Tôi muốn cùng với những người FUV làm một việc gì đó. Ví dụ nếu thử nghiệm của chúng tôi thành công, tôi hy vọng nó sẽ là một hạt mầm tạo ra sự thay đổi…

Triết lý giáo dục mà FUV theo đuổi là Liberal arts – giáo dục khai phóng. Thay vì để sinh viên chọn ngành ngay từ đầu như những trường đại học khác, chúng tôi dành 2 năm đầu để dạy các em nhiều môn học khác nhau: từ khoa học xã hội, khoa học nhân văn, nhân chủng học, máy tính, nghệ thuật, biện luận…để sinh viên có thể tìm ra được đâu là thế mạnh thực sự, là niềm say mê thực sự của mình.

FUV không tuyển sinh dựa trên điểm số ở trường phổ thông. Chúng tôi tìm kiếm những sinh viên sáng tạo, sẵn sàng thay đổi, sẵn sàng thử thách. Chúng tôi đề cao tinh thần tự học và hướng dẫn sinh viên của mình cách thức để hình thành kĩ năng đó. Tri thức nhân loại trong thế kỷ này đang thay đổi mỗi ngày, với những bước tiến dài hơn rất nhiều so với thế kỷ trước.

Một ngày, chúng ta thức dậy, rất có thể công việc chúng ta đang làm ngày hôm nay đã không còn tồn tại nữa. Ngược lại, sẽ có những công việc mới ra đời – những thứ mà hôm nay chúng ta thậm chí chưa hình dung được.

Không có gì đảm bảo việc bạn có tấm bằng đại học của một chuyên ngành nào đó hôm nay sẽ là tấm phiếu bảo đảm cho công việc trong tương lai. Ngày xưa, bạn học kiến thức ở trường học. Giờ thì kiến thức ở khắp nơi, và chúng ta sẽ phải cập nhật nó mỗi ngày, trong suốt cuộc đời mình.

Sẽ đến lúc, vai trò truyền dạy kiến thức của trường học chỉ còn là phụ. Cái cần dạy là kỹ  năng để sinh viên có thể đón nhận mọi thách thức của thời đại. Nên dù thách thức, nhưng tôi vẫn nghĩ đây sẽ là thời đại truyền cảm hứng cho những người dám dấn thân. Tôi muốn tạo ra một mô hình giáo dục tạo ra những người thế.

Củ khoai lang trên bàn Chủ tịch Đàm Bích Thuỷ và 7 nhà tài trợ giấu tên phía sau ĐH Fulbright Việt Nam - Ảnh 10.

Tô Lan Hương: Nhưng dù sao thì  đầu vào của FUV vẫn là những học sinh được đào tạo trong một nền giáo dục cứng nhắc và nặng tính lý thuyết như Việt Nam. Cơ sở nào khiến bà tin rằng sinh viên của mình sẽ thích nghi được với triết lý giáo dục ấy?

Đàm Bích Thuỷ: Đó là nỗi lo của một số người khi FUV tuyển 54 sinh viên đầu tiên cho năm học đồng kiến tạo – năm học đầu tiên của trường. Nhưng rồi tôi nhận ra có lẽ chúng ta đã đánh giá thấp thế hệ trẻ, khi tôi nhìn những sinh viên của FUV sau chưa đầy 1 năm học đã có thể ngồi tranh luận đầy tự tin và bản lĩnh với một đoàn Thượng Nghị sĩ Hoa Kỳ.

Củ khoai lang trên bàn Chủ tịch Đàm Bích Thuỷ và 7 nhà tài trợ giấu tên phía sau ĐH Fulbright Việt Nam - Ảnh 11.

Có lẽ nền giáo dục này không chỉ mang lại cho chúng ta những thách thức, mà thật ra còn cả những cơ hội. Bởi nếu cái cũ đã tuyệt vời, đã phù hợp, thì làm sao sinh viên của tôi còn hào hứng đón nhận những cái mới mà chúng tôi tạo ra?

Nhiều sinh viên đến gặp tôi, nói với tôi rằng các em mệt mỏi và chán nản với phương pháp học cũ. Và khi được thử nghiệm một phương pháp mới, các em lập tức thăng hoa… Đó là lý do vì sao tôi có niềm tin rằng thay đổi giáo dục ở Việt nam sẽ dễ làm hơn ở nhiều nước.

Chúng ta đang cởi mở và sẵn sàng hơn bao giờ hết cho sự thay đổi!

Tô Lan Hương: Vậy thì sau 1 năm đồng kiến tạo, bao nhiêu trong số 54 sinh viên ấy lựa chọn ở lại với FUV?

Đàm Bích Thuỷ: Ngoài 2 em đề nghị một mức hỗ trợ tài chính cao hơn mà nhà trường không thể đáp ứng, thì có hai sinh viên đến gặp tôi, xin phép rời trường. Tôi ủng hộ quyết định đó, vì lẽ dĩ nhiên, không có một mô hình giáo dục nào phù hợp với tất cả. FUV hay giáo dục khai phóng cũng chỉ là một lựa chọn trong số các lựa chọn mà các em được quyền cân nhắc mà thôi. Với 50 em lựa chọn ở lại với FUV và 70 sinh viên vừa được chúng tôi tuyển mới, FUV đã sẵn sàng để bước vào năm học chính thức đầu tiên sau năm đồng kiến tạo.

Củ khoai lang trên bàn Chủ tịch Đàm Bích Thuỷ và 7 nhà tài trợ giấu tên phía sau ĐH Fulbright Việt Nam - Ảnh 12.

Tô Lan Hương: Trong lễ khai giảng năm học đồng kiến tạo 1 năm trước của FUV, tôi bị ấn tượng mạnh với hình ảnh các thầy cô FUV và khách mời (trong đó có cả những chính khách lớn) ngồi ở những vị trí giản dị nhất, để dành những chỗ ngồi trang trọng nhất cho các tân sinh viên. Liệu nó có liên quan gì đến triết lý "lấy sinh viên làm trung tâm của ngôi trường" mà bà và những nhà sáng lập FUV đã cam kết?

Đàm Bích Thuỷ: Như tôi đã nói với bạn lúc nãy, ở đây, chúng tôi cho rằng, tất cả những gì tốt nhất là phải dành cho sinh viên. Vì vẫn đang phải đi thuê trụ sở, nên hiện giờ ở đây, những chỗ tốt nhất trong cả campus, chúng tôi dành làm thư viện và không gian học cho sinh viên. Còn toàn bộ nhân viên của FUV, kể cả tôi, ngồi chung trong một phòng làm việc nhỏ trên tầng 7 của campus.

Một năm qua là năm rất đặc biệt trong lịch sử FUV. Đó là năm đầu tiên, và chúng tôi gọi đó là năm đồng kiến tạo. Chúng tôi lựa chọn 54 sinh viên đầu tiên, đồng hành với  tất cả giáo sư, lãnh đạo và nhân viên của FUV cùng kiến tạo nên những viên gạch đầu tiên của ngôi trường này.

Trong năm học đầu tiên này, chúng tôi trao cơ hội cho các em được tranh luận về cả chặng đường 4 năm mà các em sẽ trải qua ở FUV, từ chương trình học, đến môi trường kí túc xá và việc thành lập các hội nhóm sinh viên.

Rõ ràng FUV có thể bê nguyên mô hình của Harvard hay Princeton, vì đó đều là những mô hình giáo dục đã khẳng định được sự thành công cũng như tính ưu việt của nó. Nhưng việc là mô hình tốt nhất ở Mỹ không có nghĩa nó sẽ là sự lựa chọn tốt nhất cho sinh viên Việt Nam. Đó là lý do vì sao chúng tôi đang cùng nhau kiến tạo, tìm kiếm những gì phù hợp nhất cho ngôi trường này.

Năm học vừa qua, sinh viên của FUV được mời tham gia các buổi phỏng vấn chính các giáo sư mà chúng tôi tuyển về để dạy các em. Ý kiến của sinh viên sẽ là một phiếu bầu quan trọng trong việc tuyển dụng giáo sư của trường. Vì suy cho cùng, nếu những giáo sư mà chúng tôi tuyển không biết cách truyền cảm hứng cho sinh viên, thì làm sao các em có thể hào hứng và hạnh phúc với 4 năm học ở đây.

Củ khoai lang trên bàn Chủ tịch Đàm Bích Thuỷ và 7 nhà tài trợ giấu tên phía sau ĐH Fulbright Việt Nam - Ảnh 13.
Củ khoai lang trên bàn Chủ tịch Đàm Bích Thuỷ và 7 nhà tài trợ giấu tên phía sau ĐH Fulbright Việt Nam - Ảnh 14.

Tô Lan Hương: Thế điều gì đã xảy ra trong campus của FUV khi bà trao cho sinh viên quyền tự quyết?

Đàm Bích Thuỷ: Tôi sẽ kể một câu chuyện này để trả lời câu hỏi của bạn.

Ở FUV có môn Biện Luận, một trong những môn rất quan trọng để dạy cho sinh viên khả năng tranh luận và hùng biện. Môn học này rất mạnh ở các trường đại học phương Tây. Khi các giáo sư nước ngoài mang giáo trình Biện Luận theo mô hình các trường đại học phương Tây đến giảng dạy ở FUV, sinh viên của chúng tôi phản ứng. Các em nói rằng, người Châu Á không biện luận như thế và mong muốn giáo trình phải có sự điều chỉnh.

Thế nên chúng tôi để các em tự xây dựng một giáo trình mà các em cho là phù hợp với cách biện luận của người Châu Á. Ban đầu các em hết "kêu khóc" rồi lại "rên rỉ". Chúng phàn nàn: "Các thầy cô bỏ bọn em, để cho bọn em tự bơi, mặc bọn em chìm. Trong khi các thầy cô chỉ đứng ở bên kia vừa cười vừa giơ tay vẫy "good luck". Mà đúng là chúng tôi đứng bên kia bờ, giơ tay vẫy và nói "good luck" thật!

Không còn cách nào khác, các em cùng nhau mầy mò, tranh luận. Thậm chí các em còn ghi lại biểu đồ cảm xúc của từng ngày trong quá trình làm. Có những ngày nhiều ý tưởng, đồ thị cảm xúc lên cao vút. Nhưng có những ngày bế tắc, cảm xúc của các em tụt xuống tận đáy.

Nhưng điều kì diệu là sau những thử thách khi phải "tự bơi" thế, sinh viên của tôi đã xây dựng được một chương trình của môn Biện Luận khiến các giáo sư phải gật gù lựa chọn.

Tôi thậm chí đã mang giáo trình môn Biện Luận do chính các bạn ấy tự thiết kế đó đi hỏi ý kiến của nhiều giáo sư ở các trường đại hoc lớn ở Châu Á. Và họ đều đồng ý đó là cách tiếp cận rất tuyệt vời.

Nên cuối cùng chúng tôi quyết định rằng, giáo trình môn Biện Luận do chính sinh viên của chúng tôi tạo ra, sẽ trở thành giáo trình chính thức cho các sinh viên FUV khoá sau. Thú thật, đó là một trong những khoảnh khắc khiến tôi không khỏi hạnh phúc và tự hào!

Mà không chỉ môn Biện Luận, với tất cả các môn, trong năm học đồng kiến tạo vừa qua, chúng tôi đều để cho sinh viên tham gia sâu vào việc thiết kế một chương trình phù hợp, buộc các em phải có trách nhiệm với chương trình học của chính mình.

Chúng tôi chọn những sinh viên có đầu óc cởi mở và giàu lòng dũng cảm, chứ không vì điểm số, biết phê phán, chấp nhận phê phán và không dễ tin vào bất cứ chân lý nào chính là vì mong chờ ở các em những việc làm như thế.

Để nói về kết quả của một mô hình giáo dục, cần 10 năm, 50 năm, 100 năm. Và cần ít nhất 4 năm nữa, tôi mới có thể trả lời "sản phẩm" giáo dục đầu tiên mà chúng tôi tạo ra sẽ như thế nào, nhưng khi cùng sinh viên trải qua những sự kiện như tôi vừa kể, tôi nghĩ rằng chúng tôi đã có một năm đồng kiến tạo thành công.

Nên câu nói "lấy sinh viên là trung tâm" không phải là câu chuyện "chót lưỡi đầu môi". Đó là văn hoá mà chúng tôi tạo ra ngay từ những ngày đầu tiên và sẽ theo đuổi mãi mãi.

Tô Lan Hương: Thế thì có lẽ tôi phải đặt lịch cho cuộc trò chuyện tiếp theo với bà sau 4 năm nữa ngay từ bây giờ rồi . Tôi rất tò mò về những "sản phẩm" đầu tiên của FUV. Nhưng trước tiên, cảm ơn bà vì đã dành cho tôi cuộc trò chuyện này!

Bà Đàm Bích Thủy cùng cộng sự là những người sáng lập Invest Consult - công ty tư nhân tư vấn đầu tư nước ngoài đầu tiên ở Việt Nam với các khách hàng như ANZ, Phillip Morris, Coca Cola, IBM và Citibank.

Năm 1995, sau khi tốt nghiệp trường Kinh doanh Wharton, bà gia nhập ngân hàng ANZ ở Singapore để hỗ trợ thiết lập và vận hành mảng đầu tư của ngân hàng ANZ ở châu Á, nắm giữ một số vị trí như giám đốc tài chính dự án dầu khí, đứng đầu bộ phận quản lý sử dụng tài nguyên của ANZ cho toàn châu Á, giám đốc phát triển khu vực Đông Nam Á.Bà được bổ nhiệm làm Tổng Giám Đốc ANZ Việt Nam năm 2005, trở thành người Việt Nam đầu tiên lãnh đạo hoạt động của một ngân hàng quốc tế trong nước.

Bà rời ngành tài chính để tham gia sáng lập Đại học Fulbright Việt Nam vì niềm tin mãnh liệt vào sức mạnh và tác động thay đổi của giáo dục.

Củ khoai lang trên bàn Chủ tịch Đàm Bích Thuỷ và 7 nhà tài trợ giấu tên phía sau ĐH Fulbright Việt Nam - Ảnh 17.

Kỳ sau: Tháng 6 /2019, doanh nhân Trần Trọng Kiên (Chủ tịch Thiên Minh Group) chính thức gia nhập lĩnh vực hàng không dân dụng với việc đầu tư 1000 tỷ đồng để thành lập Công ty Cổ phần Hàng không Thiên Minh.

Trần Trọng Kiên chính là một trong 7 nhà hảo tâm Việt Nam cam kết dành một phần tài sản đóng góp cho sự nghiệp giáo dục của Fulbright University Việt Nam.

Báo Điện tử Tri thức Trẻ đã thuyết phục được ông chia sẻ lý do cho cam kết trọn đời mà ông dành cho Đại học Fulbright.

Tô Lan Hương
JETHUYNH, FUV
Bạch Quả
Theo Trí Thức Trẻ30/08/2019