LTS: Trong cuộc tổng tiến công nổi dậy Mùa Xuân 1975, các Chiến dịch Tây Nguyên, Chiến dịch Huế - Đà Nẵng thắng lợi có ý nghĩa chiến lược, làm thay đổi hẳn cục diện chiến tranh, tạo ra những điều kiện rất cơ bản, góp phần để Bộ đội ta thần tốc giải phóng Sài Gòn và hoàn toàn miền Nam.
Xin trân trọng giới thiệu với độc giả loạt bài của Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt (Nguyên Trưởng ban KH-CN-MT Trường Sĩ quan Tăng Thiết giáp, nguyên chiến sĩ lái xe tăng số 380 thuộc Đại đội 4, Lữ đoàn 203, cùng đơn vị với các xe tăng 390 và 843 húc đổ cổng Dinh Độc Lập trưa 30-04-1975) về những trận đánh lịch sử cùng nhiều câu chuyện thú vị.
---
Trong chiến tranh, những cuộc đối đầu trực diện giữa tăng thiết giáp với nhau không nhiều. Mặc dù sức mạnh khác nhau song phần thắng thường nghiêng về phía những người có ý chí kiên cường hơn, hành động táo bạo, quyết liệt hơn.
Một trong những lần đấu đầu hiếm hoi giữa xe thiết giáp K63 của Quân giải phóng (QGP) và xe thiết giáp M113 của Quân lực VNCH (VNCH) đã xảy ra đêm 18.4.1975 tại thị xã Phan Thiết. Trước hết ta hãy so sánh 2 loại xe này đơn thuần về mặt kỹ thuật.
M113 và K63 cái nào mạnh hơn?
Xe thiết giáp M113 là loại xe thiết giáp do Mỹ sản xuất, được đưa vào sử dụng từ năm 1950 và cho đến nay vẫn còn được sử dụng trong quân đội nhiều nước.
Về cấu tạo, xe thiết giáp M113 có vỏ bằng hợp kim nhôm với chiều dày từ 12- 38 mm, có thể chịu được các loại đạn súng bộ binh cỡ nhỏ. Hai bên dải xích có lắp thêm các tấm "vè" bằng cao su, tạo cho xe M113 có khả năng bơi và vượt qua các vật cản nước khá dễ dàng.
Về kết cấu, do đặt động cơ ở phía trước nên vừa tăng khả năng bảo vệ cho xe vừa tạo sự rộng rãi cho khoang chở quân ở phía sau, cho phép xe có thể chở được 1 tiểu đội bộ binh hoặc đặt các loại vũ khí khác khá dễ dàng. Xe có 1 cửa lật mở ra phía sau nên bộ binh lên xuống rất dễ dàng và an toàn.
Vũ khí chính trên xe là 1 khẩu súng máy M50 (M2 Browning) cỡ 12,7 mm. Tuy nhiên, tùy theo biến thể xe M113 có thể mang khá nhiều loại vũ khí khác nhau như: pháo không giật, tên lửa chống tăng TOW, cối, súng phun lửa v.v...
Do có vỏ bằng hợp kim nhôm nên trọng lượng của xe chỉ có 12,3 tấn. Kết hợp với động cơ khá mạnh, công suất 275 mã lực, đảm bảo công suất riêng đạt 22, 36 mã lực/ tấn nên M113 có thể đạt tốc độ cao nhất tới 67,6 km/ giờ. Khi bơi nước đạt tốc độ 5,8 km/ giờ.
Thiết giáp M113 là một trong những trang bị phổ biến của quân lực VNCH. Ảnh tư liệu.
Vì sự tiện dụng cao, có nhiều phiên bản, đặt được nhiều loại vũ khí lại có khả năng lội nước nên M113 trở thành loại xe thiết giáp chở quân phổ biến nhất trên thế giới. Cho đến nay đã có khoảng 80.000 chiếc được sản xuất và được sử dụng ở hơn 50 nước.
Ở Việt Nam, xe thiết giáp chở quân M113 có mặt từ năm 1961 nhằm phục vụ cho chiến thuật "thiết xa vận" của Mỹ và VNCH. Nó đặc biệt thể hiện tác dụng ở các vùng sông nước đồng bằng sông Cửu Long và cũng đã gây rất nhiều khó khăn cho QGP.
Cho đến khi kết thúc chiến tranh (ngày 30.4.1975) đã có khoảng 1.700 xe M113 được đưa vào chiến trường miền Nam Việt Nam.
Còn xe thiết giáp K63 (tên chính thức Type-63, mã định danh công nghiệp là YW-531) là loại xe thiết giáp chở quân do Trung Quốc sản xuất, chính thức đưa vào biên chế từ năm 1964.
Nói cho công bằng, mặc dù có một số điểm khác biệt song có thể coi K63 là một "phiên bản xa" của M113. Về kết cấu chung của xe khá giống M113: động cơ cũng đặt phía trước, vị trí trưởng xe, lái xe, xạ thủ và khoang chở bộ binh, cửa mở phía sau... nhìn chung đều mang dáng dấp của M113.
Cấu tạo của dải xích và hộp xích cũng khá giống nhau nên K63 cũng có khả năng bơi tương tự M113.
Điểm khác biệt cơ bản của 2 loại xe trên là K63 được bao bọc bởi lớp giáp thép với chiều dày trung bình 14 mm. Với chiều dày như vậy, lớp giáp này cũng chỉ chống được đạn súng bộ binh cỡ nhỏ mà thôi.
Về vũ khí chính của xe K63 có 1 khẩu trọng liên kiểu DShK cỡ 12,7 mm. Xe cũng có khả năng chở được 1 tiểu đội bộ binh.
Một số tính năng chính của xe K63 là: Trọng lượng của xe 12,6 tấn; công suất động cơ 320 mã lực; tốc độ tối đa của xe đạt 65 km/ giờ; tốc độ bơi nước khoảng 6 km/giờ.
So sánh các tính năng cơ bản của 2 loại xe này ta thấy sức mạnh mọi mặt của chúng về cơ bản là tương đương nhau, "kẻ tám lạng, người nửa cân"! Còn nói về sự đa dạng và bền bỉ trong sử dụng thì M113 có phần nhỉnh hơn.
Bộ đội ta ngồi trên xe thiết giáp K63. Ảnh tư liệu.
Sức mạnh tương đương, vậy nếu đối đầu nhau, cái nào sẽ thắng?
Mất Phan Rang, phía VNCH dự định thành lập tuyến phòng ngự mới ở Phan Thiết hòng liên kết với Long Khánh - Xuân Lộc ngăn chặn QGP tiến về Sài Gòn.
Phan Thiết là thủ phủ tỉnh Bình Thuận, cách Sài Gòn 200 km. Lực lượng VNCH phòng thủ ở thị xã Phan Thiết bao gồm Liên đoàn 21 Biệt động quân, 8 tiểu đoàn bảo an, 1 tiểu đoàn pháo, 1 chi đội xe bọc thép và tàn quân của Sư đoàn 2 Bộ binh vừa bị thua ở Phan Rang chạy về.
Về phía QGP, Bộ Tư lệnh Quân đoàn 2 quyết định tung Trung đoàn 18 (Sư đoàn 325), 2 tiểu đoàn TTG 4 và 5 và một số đơn vị nữa vào tiến công Phan Thiết. Các mục tiêu chủ yếu gồm dinh tỉnh trưởng, Tiểu khu Bình Thuận.
Về cách đánh vẫn áp dụng phương thức tiến công trong hành tiến, đưa bộ binh ngồi lên xe tăng, xe thiết giáp dẫn đầu đội hình, gặp địch là đánh không cần trinh sát trước. Theo kế hoạch, giờ nổ súng là 17 giờ ngày 18.4.1975.
Nguyễn Thái Sinh, quê xã Đạo Đức, Bình Xuyên, Vĩnh Phú- chiến sĩ lái xe của Tiểu đoàn 4, Lữ đoàn xe tăng 203 được giao nhiệm vụ lái xe thiết giáp K63 số 146 làm xe trinh sát dẫn đầu một mũi tiến quân.
Trên xe, ngoài Trưởng xe Phạm Đình Vạng; Pháo thủ Lò Khăm Pua còn có Trưởng phòng Quân báo quân đoàn Nguyễn Văn Bảo, Trung đội trưởng Trinh sát Nguyễn Văn Dần và bốn chiến sĩ.
Chạng vạng tối, đội hình chiến đấu đến Cầu Mới ở ngoại vi thị xã. Sau khi bắt liên lạc và nắm tình hình địch qua một đơn vị địa phương đang chốt giữ ở đây, các mũi bắt đầu triển khai tiến công.
Phát hiện xe tăng, xe thiết giáp QGP, lực lượng đồn trú của VNCH ở đây chống cự quyết liệt. Các xe tăng, xe thiết giáp của QGP dùng hỏa lực trực tiếp bắn trả mãnh liệt buộc địch lùi dần.
Đội hình chiến đấu của QGP tiếp tục tiến sâu vào thị xã. Đến một ngã ba, đột nhiên xuất hiện 3 chiếc xe thiết giáp M113 lao thẳng về phía xe 146. Chắc là quân địch cũng đã phát hiện ra xe này chỉ có một mình nên 1 chiếc vẫn lao thẳng, còn 2 chiếc rẽ sang hai bên tạo thành thế gọng kìm. Khoảng cách giữa hai bên nhanh chóng gần lại.
Bộ đội ta sử dụng xe thiết giáp M113 chiến lợi phẩm. Ảnh tư liệu.
Đúng lúc đó, qua máy liên lạc nội bộ, Sinh nghe tiếng trưởng xe Vạng hạ lệnh cho pháo thủ Pua bắn nhưng Pua trả lời: "Súng hỏng!".
Tình hình lúc này thật là nguy cấp. Không còn đường nào để tránh. Mà nếu có tránh cũng khó thoát khỏi hỏa lực từ xe địch. Lùi cũng không được, cũng sẽ ăn đạn mà thôi. Trong tích tắc, Sinh quyết định sẽ lao thẳng vào đầu xe địch.
Nghĩ vậy, Sinh hét lên: "Các đồng chí, bám chắc vào!" rồi lập tức tăng chân dầu. Chiếc xe 146 đột ngột chồm lên rồi lao thẳng về phía 3 xe địch.
Có lẽ bọn địch trên 3 xe M113 cũng đã nhận ra ý định của đối phương. Nhưng có lẽ cái quyết định ấy nằm ngoài sức tưởng tượng của chúng nên có phần lúng túng không kịp nổ súng.
Và nếu chúng có quyết định gì thì cũng đã muộn! Một tiếng động lớn vang lên. Hai khối kim loại trọng lượng hơn chục tấn đã đâm sầm vào nhau tóe lửa. Chiếc xe M113 đi giữa bị đẩy dạt ra bên đường.
Mấy tên lính trong xe hoảng sợ nhảy ra ngoài lẩn nhanh vào bóng đêm bỏ lại 3 chiếc M113 còn nguyên vẹn. Vậy là trong cuộc đối đầu này, K63 đã thắng!
Phía sau, đội hình chiến đấu của quân đoàn đã áp sát tiến đánh và nhanh chóng tiến vào nội đô đánh chiếm các mục tiêu quy định. Tỉnh trưởng Bình Thuận bị bắt sống vào hồi 22 giờ. Đến 2 giờ ngày 19-4, QGP làm chủ hoàn toàn thị xã Phan Thiết. Vào 9 giờ sáng 19-4, Ủy ban Quân quản tỉnh Bình Thuận vào tiếp quản thị xã.
Ngay sáng 19-4, ba xe M113 chiến lợi phẩm đã được bàn giao cho Quân đoàn 2. Nguyễn Thái Sinh cùng cán bộ, chiến sĩ trên xe tiếp tục làm nhiệm vụ giải phóng các tỉnh khác và tham gia giải phóng Sài Gòn.
Kết thúc chiến dịch Hồ Chí Minh, Nguyễn Thái Sinh được tặng thưởng Huân chương Chiến công giải phóng hạng Nhì và được cử đi đào tạo sĩ quan tại Trường sĩ quan Tăng Thiết Giáp.
Tuy nhiên, cú húc để đời ấy cũng làm cho Nguyễn Thái Sinh bị gãy mất một chiếc răng do va vào kính lái. Cũng vì vậy, anh em trong đơn vị đã tặng cho anh cái hỗn danh đầy trìu mến: Sinh "sứt".