Tính đến thời điểm hiện tại, đã có hơn 190 quốc gia và tổ chức cam kết ngừng sử dụng than đá, loại nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm nhất. Mục tiêu đặt ra là loại bỏ điện than vào những năm 2030 (đối với các nền kinh tế lớn) và những năm 2040 (đối với các nền kinh tế nhỏ hơn).
Từ bỏ than đá được xem là một nỗ lực quan trọng nhằm giúp thế giới đạt được mục tiêu đề ra trong Thỏa thuận Paris năm 2015, tức nhiệt độ toàn cầu vào cuối thế kỷ này chỉ tăng từ 1,5-2 độ C so với mức trung bình thời kỳ tiền công nghiệp.
"Thế giới đang đi đúng hướng, sẵn sàng đặt dấu chấm hết cho than đá để nắm lấy những lợi ích môi trường và kinh tế từ năng lượng sạch" - Bộ trưởng Kinh doanh và Năng lượng Anh Kwasi Kwarteng tuyên bố tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26) do Anh tổ chức.
Chuyên gia Chris Littlecott của Tổ chức Nghiên cứu biến đổi khí hậu E3G khẳng định cam kết nêu trên của các nước "là một bước tiến lớn", một tín hiệu tích cực từng bị xem là điều không tưởng cách đây 1 hoặc 2 năm.
Một nhà máy nhiệt điện than ở TP Thượng Hải - Trung Quốc. Ảnh: REUTERS
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia khẳng định cam kết ngừng sử dụng than đá vào những năm 2030 và những năm 2040 là chưa đủ quyết liệt, đặc biệt là khi nhiều nền kinh tế lớn phụ thuộc vào than đá như Úc, Trung Quốc, Ấn Độ và Mỹ không ký thỏa thuận nêu trên.
Theo chuyên gia Jamie Peters của Tổ chức Môi trường Friends of the Earth, điểm mấu chốt trong thỏa thuận nêu trên là các nước về cơ bản vẫn được phép sử dụng than đá bình thường thêm nhiều năm.
Bà Elif Gündüzyeli, điều phối viên cấp cao tại Tổ chức Chống biến đổi khí hậu Climate Action Network Europe, nhấn mạnh thỏa thuận được chính phủ Anh công bố hôm 3-11 không phải là bước ngoặt trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, bởi năm 2030 phải là hạn chót loại bỏ than đá chậm nhất, chứ không phải là những năm 2030.
Cũng theo bà Gündüzyeli, so với năng lượng tái tạo, than đá hiện có giá cao hơn và "chẳng còn ai muốn bỏ tiền vào sản phẩm này nữa". Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) nhấn mạnh thế giới phải chấm dứt mọi phát triển mới về nhiên liệu hóa thạch từ năm nay nếu muốn giữ nhiệt độ toàn cầu không tăng quá 1,5 độ C vào cuối thế kỷ này.
Tại COP26 diễn ra ở TP Glasgow - Scotland, các cơ quan tài chính và ngân hàng phát triển đã cam kết chi khoảng 20 tỉ USD để giúp các nước đang phát triển từ bỏ than đá, trong đó có 8,5 tỉ USD từ Mỹ và nhiều quốc gia châu Âu. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng đã thành lập quỹ mới để mua và đóng cửa các nhà máy nhiệt điện than trong khu vực.
Quỹ Đầu tư khí hậu (CIF) trong một tuyên bố hôm 4-11 cho biết Ấn Độ, Indonesia, Philippines và Nam Phi sẽ là 4 quốc gia đầu tiên được hỗ trợ theo khuôn khổ của chương trình Tăng tốc chuyển đổi than đá (ACT). Trị giá hàng tỉ USD và nhận được cam kết ủng hộ tài chính từ Mỹ, Anh, Đức, Canada và Đan Mạch, đây là chương trình đầu tiên nhằm hỗ trợ các nước đang phát triển chuyển đổi xanh.
Dù vậy, câu hỏi được đặt ra liên quan đến cam kết than đá là liệu các nước có chuyển sang khí đốt tự nhiên để đáp ứng nhu cầu năng lượng hay không. Dù không gây ô nhiễm môi trường bằng than đá, khí đốt tự nhiên vẫn là một trong những nguồn phát thải khí nhà kính hàng đầu.