Gặp lại Vũ Ngọc Tân (Tân Gà) sau hơn 3 tháng, trên cơ thể Ngọc Tân gần như phủ kín bởi những hình xăm, thật khó để tìm thấy một khoảng trống.
Nhưng bên trong cái vẻ ngoài chơi bời ấy, tôi lại thấy được một con người mới, chín chắn, thành công và trưởng thành hơn trong cả cách nghĩ cũng như cách làm.
Chúng tôi không nói nhiều về chuyện quá khứ, về lần quyết định dứt áo từ Bắc vào Nam lập nghiệp, cắn răng bỏ lại vợ dại con thơ ở nhà của ông bố trẻ.
Đối với cả hai, câu chuyện đó đã quá cũ. Thay vào đó, chúng tôi nói nhiều về công việc, về những trăn trở mỗi đêm của một gã thợ xăm lành nghề.
Vũ Ngọc Tân dễ khiến nhiều người cảm thấy sợ khi trông thấy những hình xăm của anh.
Tìm đâu thấy... nghệ nhân xăm mình?
Vũ Ngọc Tân nói: “Gà đã nghe danh rất nhiều nghệ nhân, nghệ sĩ… ở những ngành nghề khác nhau. Nhưng trong tầm hiểu biết của mình, Gà chưa từng được nghe tới cụm từ nghệ nhân xăm mình. Mọi người dường như vẫn thích vẫn gọi là ‘thợ xăm’ hơn.
'Tại sao lại như vậy?', Gà đã tự đặt câu hỏi cho vấn đề này rất nhiều lần nhưng vẫn chưa thể tìm được một lý do thích hợp.
Trong suy nghĩ của Gà, xăm mình là một môn nghệ thuật và người làm nghề như Gà cũng nên được xem như nghệ sĩ, thậm chí còn hơn thế.
Nếu là hoạ sĩ, trang giấy hay bức tường… sẽ là nơi bạn phô diễn tài năng. Và khi làm sai, làm hỏng, bạn có thể tẩy xoá hoặc vứt bỏ chúng một cách dễ dàng.
Nhưng đối với một thợ xăm, sản phẩm của chúng tôi được thể hiện trên da thịt của mỗi người. Chúng sẽ sống mãi cùng khách hàng, gắn bó như một bộ phận trên cơ thể.
Người đi xăm có thể che lấp hay cố gắng xoá bỏ nó nhưng dù làm cách nào thì hình xăm đó vẫn ở lại trên cơ thể dẫu là ẩn hay hiện.
Đó là chưa kể sau khi xăm, nó không chỉ đơn giản là một hình vẽ mà là tấm gương phản chiếu, tô điểm và bộc lộ phần nào tính cách con người bạn. Vì vậy, không quá khi nói rằng, quyết định xăm mình cũng giống như bạn đã lấy một cô vợ.
Trách nhiệm của một người làm nghề cũng vì thế mà trở rất cao. Chỉ một sai lầm nhỏ thôi cũng đủ để làm hỏng các tác phẩm. Và tất nhiên, chúng tôi đôi khi cũng có những sai lầm không thể sửa chữa được”.
Tân Gà đang xăm cho cô vợ trẻ Nguyễn Quỳnh Anh, bên cạnh là cậu con trai Bảo Bảo.
Xăm mình không đơn giản chỉ là sao chép
Hơn ai hết, Ngọc Tân biết và hiểu rõ một hình xăm có vị trí quan trọng như thế nào trong cuộc đời của mỗi con người.
Chính vì vậy, khi khách hàng tìm đến, Tân không nhận tiền, xăm bừa mà đưa ra rất nhiều lời khuyên để họ lựa chọn. Thậm chí, chuyện khách hàng thối lui sau khi được tư vấn cũng không phải là điều khiến anh cảm thấy phiền lòng.
“Trước khi xăm, Gà luôn nói với khách hãy cân nhắc thật kĩ, lựa chọn một hình, một vị trí mà họ cảm thấy ưng ý nhất.
Sau đó, Gà sẽ phác hoạ hình xăm đó ra giấy (đối với những hình xăm cầu kỳ, chưa có mẫu). Khi đã thực sự cảm thấy hài lòng với ý tưởng, Gà mới bắt đầu công việc thể hiện nó trên cơ thể khách.
Nói thì nghe đơn giản là vậy nhưng xăm mình không chỉ là sao chép từ bản vẽ trên giấy lên cơ thể con người, điều này khó khăn hơn rất nhiều lần. Vì da thịt con người không phải là giấy, không phẳng phiu mà có nếp nhăn, độ đàn hồi, đường cong nữa.
Chiếc máy dùng để xăm mình cũng không nhẹ nhàng hay dễ cầm như một cái bút chì. Nó rung liên tục và việc phải cầm thật chắc nhưng vẫn giữ được độ mềm mại của tay cũng tiêu tốn của bạn rất nhiều thời gian để luyện tập.
Ngay như khả năng chịu đau của khách cũng ảnh hưởng tới công việc. Có không ít khách hàng chịu đau không giỏi, họ la hét, gồng người, co rút… khi Gà vừa đặt kim lên người, gây ra không ít khó khăn cũng như áp lực về mặt thần kinh.
Với những hình xăm lớn, bạn phải cầm máy xăm nhiều tiếng và phải dồn tất cả sự tập trung vào đó. Cứ như thế liên tiếp trong thời gian dài cũng bào mòn rất nhiều trí lực và thể lực của thợ xăm”, anh tâm sự.
Quá trình từ khi bắt đầu xăm một hình lớn kín lưng
Khách hàng là ông chủ
Nghe anh trò chuyện, tôi cảm nhận rõ Vũ Ngọc Tân của ngày hôm nay không còn là một chàng trai học việc, đến với xăm mình bằng sự tò mò nữa mà đã thật sự có chỗ đứng trong nghề.
Anh đã có cửa hàng riêng, có rất nhiều khách hàng ruột để được tự do thể hiện sự bay bổng và sáng tạo của bản thân.
Đây là thành tựu không nhỏ sau hai năm làm việc miệt mài của một chàng thanh niên tay trắng ở đất khách, quê người.
Nhìn thấy những thứ đó, tôi đã trộm nghĩ, ắt hẳn anh chàng này đã không ít lần lấy giá "cắt cổ" để có được cơ ngơi như ngày hôm nay.
Nhưng sự thật không phải vậy, Tân chia sẻ: “Gà chưa khi nào câu nệ chuyện tiền công xá khi xăm cho khách. Gà nghĩ, khách hàng tìm đến như này là quý rồi vì họ tin tưởng mình thì mới vậy.
Không chỉ thế, Gà còn thầm cảm ơn từng khách hàng vì nhờ họ, Gà có thêm cơ hội để được thử thách, để rèn luyện…
Với những người có ham mê, có sở thích nhưng không đủ điều kiện, Gà vẫn làm cho họ với giá thấp hơn bình thường hoặc thậm chí không lấy tiền công…
Đối với những người làm nghề như Gà, việc khách hàng cảm thấy thoả mãn, vui thích với hình xăm… đó là những điều đáng mừng nhất".
Chia sẻ về những dự định tương lai, Vũ Ngọc Tân nói: “Về một tương lai xa vời Gà chưa dám nghĩ tới. Nhưng có một điều chắc chắn là Gà sẽ gắn bó với nghề này cho tới khi tay không còn cầm nổi máy để xăm cho khách.
Còn trước mắt, Gà muốn ổn định công việc tại cửa hàng riêng vì còn rất nhiều thứ phải lo toan. Bên cạnh đó, Gà cũng đang hướng cho vợ kinh doanh một số sản phẩm phụ kiện(khuyên tai, nhẫn, vòng…), quần áo dành cho những bạn trẻ thích thể hiện mình”.